Bác sĩ có đôi bàn tay vàng

Đồng nghiệp thường gọi bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Khoa Chấn thương - Chỉnh hình; hiện phụ trách Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ bằng biệt danh như thế. Anh chính là người duy nhất của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã thực hiện ghép nối thành công nhiều ca chấn thương đứt rời chi thể như đứt rời ngón tay, cẳng tay, đứt rời cẳng chân… Đặc biệt, với mong muốn đem đến cho người dân những dịch vụ y tế chất lượng, anh còn mày mò theo học các khóa đào tạo để trở thành bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tài năng.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng cùng các đồng nghiệp trong một ca phẫu thuật.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng cùng các đồng nghiệp trong một ca phẫu thuật.

Lần đầu gặp mặt, trái với tưởng tượng của chúng tôi, vị bác sĩ sinh năm 1982 này có vẻ ngoài trẻ trung hơn rất nhiều so với tuổi của mình. Chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên đến với nghề Y, bác sĩ Tùng cho biết, bố anh (chuyên gia trong lĩnh vực y tế) chính là tấm gương để anh noi theo, vun đắp cho anh khát vọng được trở thành bác sĩ cứu người.

Miệt mài nuôi dưỡng ước mơ bằng cách học thật tốt các môn Toán, Hóa học, Sinh học, năm 2001, anh Tùng đã hoàn thành tâm nguyện khi chính thức trở thành sinh viên Khoa Bác sĩ đa khoa, Trường Đại học Y Thái Nguyên. Tốt nghiệp ra trường, anh được gia đình định hướng học tập và làm việc tại Bệnh viện Nhi Trương ương. Trong thời gian này, anh vẫn tranh thủ thời gian ngoài giờ tham gia trực và học tập thêm các thầy, cô giáo ở Bệnh viện Việt Đức Hà Nội để trang bị cho mình những kiến thức quý báu trong khám, chữa bệnh.

Năm 2009, vì không muốn mẹ già một mình vất vả (bố đang công tác ở nước ngoài, chị gái đã có gia đình riêng; hai em còn nhỏ), anh Tùng đã về công tác tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để tiện cho việc chăm sóc gia đình.Với niềm đam mê ngoại khoa và mong muốn hoàn thiện bản thân, năm 2011, bác sĩ Tùng đã học lên cao học chuyên ngành chấn thương, chỉnh hình và định hướng theo vi phẫu tại Bệnh viện 108 Hà Nội và tốt nghiệp 2 năm sau đó.

Bác sĩ Tùng cho hay: Khi làm việc tại Khoa Chấn thương - Chỉnh hình, điều khiến tôi trăn trở nhất là Bệnh viện chưa thực hiện được những ca phẫu thuật điều trị di chứng sau tai nạn gãy xương hở dẫn đến bị viêm xương điều trị rất dai dẳng, hay những ca bệnh nhân chấn thương sọ não nằm lâu loét vùng tì đè, các tai nạn cấp cứu có tổn thương mạch máu thần kinh. Đứng trước những trường hợp này, bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên khiến người bệnh đi lại khó khăn, chi phí tốn kém. Do đó, tôi đã quyết tâm học chuyên sâu về tạo hình để có thể phẫu thuật thành công nhiều ca bệnh khó.

Gần 8 năm qua, dù đã thực hiện thành công rất nhiều ca bệnh phức tạp, trong đó có những trường hợp đứt rời cẳng chân, cẳng tay… nhưng ca phẫu thuật đầu tiên (sau khi học xong thạc sĩ) cho bệnh nhân bị đứt rời 4 ngón tay đến từ Cao Bằng mới làm anh nhớ nhất. Anh kể: Hôm ấy, ca phẫu thuật kéo dài 16 tiếng. Trong suốt thời gian phẫu thuật, cả kíp mổ phải tập trung liên tục, phát huy tối đa năng suất làm việc, vì mổ vi phẫu không giống như các phẫu thuật khác đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và độ tập trung cao. Mỗi khi mệt quá, tôi ngồi nghỉ chốc lát, uống chút sữa rồi lại tiếp tục công việc. Hôm đó, phụ giúp tôi toàn là các em sinh viên. Và cũng từ những ca bệnh như thế, đến nay, tôi đã tham gia đào tạo được nhiều bác sĩ, tạo ra lớp kế cận có nhiều triển vọng.

Sau thành công ấy, bác sĩ Tùng đã có thêm động lực để tiếp tục nghiên cứu, học hỏi và cống hiến. Anh cho hay: Trong chuyên ngành chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật hầu hết là điều trị các gãy xương do tai nạn, một số ít do bệnh lý. Tuy nhiên, có những ca phẫu thuật phức tạp, điển hình là gãy xương hở đòi hỏi kỹ thuật chuyển vạt che phủ do vết thương bị hở lộ gân xương. Vạt da này được nuôi bởi một cuống mạch duy nhất tại gần vị trí tổn khuyết hoặc có thể được lấy tại một vùng nào đó trên cơ thể. Vì lẽ đó, phẫu thuật tạo hình là một chuyên ngành khó, ngoài những kiến thức được học, bác sĩ phải tự nghiên cứu, tìm tòi và có nhiều sáng tạo để mang lại cho bệnh nhân kết quả tốt nhất sau phẫu thuật.

Đây chính là lý do khiến bác sĩ Tùng quên ăn, quên ngủ làm việc thâu đêm trong phòng mổ. Cũng bởi say nghề, trách nhiệm với người bệnh nên có bệnh nhân bị chấn thương, mất cả vành tai, ở tận T.P Hồ Chí Minh vẫn tìm đến bác sĩ Tùng để được phẫu thuật tạo hình. Sau mỗi ca bệnh như thế, bác sĩ Tùng không chỉ được coi là ân nhân mà còn được họ coi như người thân trong gia đình.
Với những bác sĩ đi theo “con đường” vi phẫu, công việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng… Ví như khi nối một ngón tay đã bị đứt dời, bác sĩ phải nối những mạch máu, thần kinh… nhỏ li ti, mắt thường không thể nhìn thấy. Điều đó khiến chúng tôi thắc mắc, không hiểu, bác sĩ Tùng đã vượt qua những khó khăn ấy như thế nào? Anh nói: Niềm yêu thích công việc giúp tôi quên hết mệt nhọc, khó khăn trong công việc. Mỗi lần thành công, thấy bệnh nhân hồi phục là niềm vui, hạnh phúc trong tôi lại được nhân lên.

Chia sẻ của anh đã giúp chúng tôi hiểu rằng, với các thầy thuốc như bác sĩ Tùng, vất vả khuya sớm không còn là trở ngại khi điều đó mang đến cho người bệnh những hy vọng mới; khi mà bác sĩ chính là “ánh sáng cuối đường hầm” thắp lên niềm tin, hạnh phúc cho người bệnh bị chấn thương nặng, tưởng như vô phương cứu chữa. Khi chúng tôi bày tỏ thắc mắc về sự liên quan giữa phẫu thuật thẩm mỹ và phẫu thuật tạo hình, bác sĩ Tùng giảng giải: Phẫu thuật thẩm mỹ chỉ là một nhánh rất nhỏ trong phẫu thuật tạo hình.

Giải thích của bác sĩ Tùng đồng nghĩa với việc nếu đã phẫu thuật thành công những ca tạo hình cực khó thì các phẫu thuật thẩm mỹ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, để thành lập được Khoa Phẫu thuật phẩm mỹ (bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 8-2020) không phải là chuyện dễ dàng. Từ năm 2014, Bệnh viện đã mong muốn thành lập Khoa nhưng chưa có con người và cơ sở vật chất đáp ưng được công việc này. Do đó, năm 2016, bác sĩ Tùng đã quyết tâm đăng ký học tại Bệnh viện Y Hà Nội để được cấp chứng chỉ hành nghề chuyên sâu về lĩnh vực này.

Quá trình theo học, nhận thấy sự tâm huyết, chịu khó, ham học hỏi của học viên quê Thái Nguyên, những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành về phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ đã quan tâm chỉ dậy cho bác sĩ Tùng. Những lần được tham gia trực tiếp các ca phẫu thuật tạo hình với các thầy đầu ngành về Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ như GS-TS Trần Thiết Sơn, Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Đại học Y Hà Nội, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Xanh - pôn Hà Nội (nay đã nghỉ hưu); PGS-TS Lê Văn Đoàn, Viện Trưởng Viện Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện 10; PGS-TS Vũ Quang Vinh, Trưởng bộ môn Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Viện Bỏng Quốc gia đã giúp bác sĩ Tùng học hỏi thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm để tiến hành thành công các ca phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ sau này…

Hiện nay, bác sĩ Tùng là người duy nhất của Thái Nguyên được Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Đã rất nhiều Bệnh viện uy tín, các cơ sở thẩm mỹ trong cả nước mong muốn được mời anh về làm việc với mức thù lao cao nhưng anh từ chối vì muốn đóng góp sức mình cho Bệnh viện, cho quê hương Thái Nguyên. Trong vai trò phụ trách Khoa, anh đang phải vượt qua nhiều khó khăn để “vực” dậy một chuyên ngành còn non trẻ ở Thái Nguyên; phải tự mày mò, không ngừng nỗ lực học hỏi để phục vụ cho đam mê của chính mình… Với anh, hạnh phúc nhất là được mang lại nụ cười cho bệnh nhân. Phó Giáo sư Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nhận xét: Hơn 10 năm gắn bó với nghề, vị bác sĩ ấy luôn hoàn thành sứ mệnh của một lương y “như tư mẫu” theo lời dạy của Bác Hồ lúc sinh thời.

Tùng Lâm

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh/bac-si-co-doi-ban-tay-vang-282337-113.html