Bác sỹ Hoàng Tuyên, Chủ tịch TNH Thái Nguyên: Không đặt nặng cạnh tranh với các bệnh viện cùng tuyến
CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH) đang tuyển dụng nhân lực quy mô lớn để chuẩn bị đưa Bệnh viện TNH Việt Yên vào hoạt động, bên cạnh 2 bệnh viện hiện hữu đang hoạt động. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), bác sỹ Hoàng Tuyên, Chủ tịch TNH trò chuyện với Đầu tư Chứng khoán.
Sau 1 năm khởi công xây dựng, Bệnh viện Bắc Giang sẽ đi vào hoạt động khi nào, dự kiến có đóng góp như thế nào vào kết quả chung của TNH, thưa ông?
Hiện nay Bệnh viện TNH Việt Yên đã thi công phần xây dựng hoàn thiện đạt 95%, chuẩn bị lắp đặt hệ thống nội thất và thiết bị y tế. Dự kiến trong khoảng quý II/2024 sẽ đi vào hoạt động. Công ty đang tiến hành các thủ tục cần thiết để chuẩn bị xin Bộ Y tế thẩm định cấp phép đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Dự kiến sau khi đi vào hoạt động, Bệnh viện TNH Việt Yên sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào doanh thu chung của toàn Công ty. Được đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị hiện đại ngay từ đầu cùng với đội ngũ y bác sỹ giỏi chuyên môn, nhiều kinh nghiệm để thu hút đối tượng bệnh nhân có nhu cầu khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh, trung ương và sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao, chuyên sâu của Bệnh viện. Vì vậy, Ban lãnh đạo TNH hy vọng cùng với việc đi vào hoạt động của Bệnh viện TNH Việt Yên sẽ từng bước đẩy doanh thu của TNH tăng trưởng.
Được biết bệnh viện Lạng Sơn sắp được khởi công, Công ty có thể cung cấp kỹ hơn thông tin về quy mô dự án, thời gian dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động?
Dự án Bệnh viện TNH Lạng Sơn là dự án do CTCP Bệnh viện TNH Lạng Sơn (Công ty con của TNH) làm chủ đầu tư. Tháng 1/2024 vừa qua, Công ty được cấp giấy phép xây dựng, giấy phép môi trường cũng như hoàn thiện những hồ sơ căn bản đảm bảo đủ điều kiện khởi công xây dựng. Để đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đề ra, dự án Bệnh viện TNH Lạng Sơn sẽ được khởi công vào ngày 29/02/2024.
Dự án Bệnh viện TNH Lạng Sơn dự kiến xây dựng với quy mô 300 giường bệnh với tổng mức đầu tư trên 700 tỷ đồng được phân kỳ thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 250 giường bệnh, giai đoạn 2 đầu tư xây dựng tiếp 50 giường bệnh. Thời gian hoàn thành và dự kiến đi vào hoạt động là khoảng quý 4/2025. Hiện nay, Công ty cũng đang tiến hành xin điều chỉnh quy hoạch, giấy phép xây dựng Bệnh viện từ 5 tầng lên 9 tầng.
Bằng kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng và triển khai, Ban lãnh đạo TNH nhận thấy rằng vì muốn đạt kết quả như kỳ vọng phải đi từng bước vững chắc, phụ thuộc nguồn nhân lực y tế và nguồn bệnh nhân. Tuy nhiên, việc phân kỳ đầu tư sẽ thực hiện theo nguyên tắc đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị chính 1 lần, giai đoạn 2 sẽ chỉ tuyển dụng thêm nhân sự và mua sắm bổ sung vật tư, thiết bị y tế. Từ đó giúp tiết giảm được tối đa chi phí đầu tư mà vẫn đảm bảo đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh tăng nhanh khi cần thiết.
TNH cũng có kế hoạch xây dựng bệnh viện tại Hà Nội, tọa lạc ở Khu đô thị Ciputra, tiến độ hiện nay đến đâu, thưa ông?
Ngay sau khi ký hợp đồng đặt cọc với Công ty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) vào tháng 9/2023 vừa qua, Công ty cổ phần Bệnh viện TNH Hà Nội đang tích cực phối hợp với Ciputra để tiến hành thủ tục xin được chuyển nhượng và điều chỉnh nhà đầu tư. Từ đó đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục thực hiện các kế hoạch tiếp theo.
Với việc liên tục đầu tư các dự án mới, nguồn vốn của TNH được hoạch định ra sao để có phương án tài chính phù hợp?
Việc mở rộng đầu tư các dự án Bệnh viện ra các tỉnh, thành phố là định hướng lâu dài và xuyên suốt của Ban lãnh đạo TNH. Để hạn chế nợ vay, Công ty sẽ không ngừng đổi mới, sáng tạo, tạo ra hiệu quả khác biệt, tạo dựng uy tín, vị thế trong ngành để đem lại nguồn doanh thu và lợi nhuận cao từ đó hình thành nguồn vốn tự có, đảm bảo một phần cho đầu tư, phát triển và mở rộng dự án.
Công ty sẽ phân tích tình hình thực tế để cân nhắc việc tiếp tục triển khai các phương án phát hành thêm cổ phiếu, huy động nguồn vốn từ công chúng để đầu tư xây dựng bệnh viện và thực hiện các dự án trong tương lai.
Đầu tư vào lĩnh vực y tế đòi hỏi chiến lược đường dài và bài bản, vậy TNH có chiến lược về quản trị hoạt động và nhân sự… như thế nào để tối ưu hiệu quả hoạt động của các bệnh viện?
Các thành viên HĐQT của TNH đều có kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực y tế và xây dựng, đã thiết lập một chiến lược phát triển tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng quy mô hoạt động. Minh chững rõ nét được phản ánh qua các dự án đầu tư xây dựng các Bệnh viện hiện hữu như: Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên và gần đây nhất là Bệnh viện TNH Việt Yên tại Bắc Giang.
Ngoài ra, Ban lãnh đạo cũng có những nhận định, đánh giá chính xác về tình hình thị trường để kịp thời điều chỉnh giá viện phí phù hợp đảm bảo tính cạnh tranh và phù hợp với mặt bằng chung; đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, áp dụng triệt để công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý hợp đồng và dịch vụ y tế.
Về nhân sự, để đảm bảo quản lý thống nhất, tập chung mang tính chất hệ thống, hiện nay Công ty đang có kế hoạch xây dựng và phát triển phần mềm quản trị nhân sự chuyên biệt và từng bước nâng cấp mô hình quản trị đáp ứng đặc thù yêu cầu công việc của bệnh viện và mô hình phát triển của Công ty với nhiều bệnh viện vệ tinh.
Để đảm bảo có nguồn nhân lực chất lượng cao, hiện nay công ty chú trọng việc đào tạo liên tục, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ nhân viên, đặc biệt là đội ngũ nhân viên y tế. TNH hiện đang triển khai các chính sách thu hút, hỗ trợ toàn bộ chi phí đào tạo để bác sỹ, điều dưỡng đi học các khóa học chuyên sâu tại các cơ sở y tế hàng đầu trong cả nước sau đó đưa về làm việc, bồi dưỡng tại các Bệnh viện hiện hữu để nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng và thực hiện việc điều động, luân chuyển cán bộ giữa các bệnh viện trong toàn Công ty giúp tiết giảm chi phí thường xuyên do sử dụng tối giản nhân lực nhưng vẫn đảm bảo được nhu cầu khám chữa bệnh tăng nhanh khi cần thiết.
TNH đánh giá triển vọng tăng trưởng ngành y tế, bệnh viện trong thời gian tới ra sao?
Tại Việt Nam, các bệnh viện công chiếm khoảng 80%, bệnh viện tư chiếm khoảng 20% và chủ yếu tập trung tại các khu đô thị, thành phố lớn. Trong khi đó, xu hướng dịch chuyển từ khám chữa bệnh tại bệnh viện công sang bệnh viện tư tiếp tục được duy trì trong những năm tới khi thu nhập người dân tăng, đáp ứng được yêu cầu về sự tiện ích, nhanh gọn của thủ tục hành chính so với bệnh viện công.
Hiện nay, tỷ lệ giường bệnh/dân số của nước ta đang thuộc mức thấp so với mặt bằng chung. Cùng với đó, sự gia tăng các bệnh mãn tính, không lây nhiễm làm gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe dự phòng; cơ cấu dân số bắt đầu già hóa và thu nhập bình quân đầu người của dân cư gia tăng giúp ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn nhiều triển vọng phát triển. Thêm vào đó, bảo hiểm y tế có độ phủ cao, bao gồm nhiều đối tượng trong xã hội. Điều này góp phần làm tăng nhu cầu khám chữa bệnh, tạo nguồn cầu ổn định cho ngành. Vì vậy Các dự án mà TNH đang triển khai xây dựng đều được lựa chọn đặt tại các vị trí có tiềm năng khai thác để đầu tư phát triển.
Chiến lược của Ban lãnh đạo TNH khi xây dựng các bệnh viện là không đặt nặng vấn đề cạnh tranh với các bệnh viện cùng tuyến mà tập trung vào phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao, chuyên sâu, bố trí khoa phòng khám và điều trị theo yêu cầu và số hóa các thủ tục hành chính tạo điều kiện để người dân có thể sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương mà không phải đến các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương qua đó tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian cho người bệnh, tạo sự khác biệt giữa bệnh viện công lập và bệnh viện tư. Từ đó tác động đến sự lựa chọn của người bệnh.
TNH được đánh giá là một trong những nhà đầu tư lớn nhất miền Bắc trong lĩnh vực y tế. Từ 1 cơ sở y tế ban đầu có quy mô 150 giường bệnh, đến nay, TNH đã phát triển 2 cơ sở bệnh viện tại Thái Nguyên, 1 cơ sở bệnh viện tại Bắc Giang với 850 giường bệnh và hơn 1.300 dịch vụ y tế.
Đánh giá của Saigon Ratings khi Xếp hạng tín nhiệm dài hạn cho TNH mức “vnA+” với triển vọng “Ổn định” cũng cho thấy TNH là một trong những hệ thống bệnh viện ngoài công lập lớn của miền Bắc, hoạt động ổn định, doanh thu tăng trưởng đều, các biên lợi nhuận ổn định và dòng tiền hoạt động kinh doanh luôn tích cực. Với chiến lược quản trị mang tính thận trọng và tập trung, Saigon Ratings đánh giá các dự án mới sẽ tạo ra nhiều giá trị tích cực cho doanh nghiệp trong dài hạn.