Bạch hầu thanh quản: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

Bệnh bạch hầu thanh quản là biểu hiện tình trạng nhiễm độc nhiễm trùng. Nguyên nhân xảy ra hiện tượng này là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch cầu có tên khoa học Corynebacterium Diphtheria gây nên các tổn thương nghiêm trọng.

1. Nguyên nhân gây bạch hầu thanh quản

Vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium Diphtheriae chính là nguyên nhân gây nên căn bệnh bạch hầu thanh quản. Đây là một loại trực khuẩn Gram dương, không di động và hiếu khí. Bất ngờ hơn vi khuẩn này chỉ có khả năng sản sinh ra ngoại độc tố khi chính nó bị nhiễm một loại virus đặc biệt có tên thực khuẩn bào Bacteriophage.

NỘI DUNG:

1. Nguyên nhân bạch hầu thanh quản

2. Dấu hiệu bạch hầu thanh quản

3. Bạch hầu thanh quản có lây không?

4. Cách phòng bạch hầu thanh quản

5. Cách điều trị bạch hầu thanh quản

Cấu tạo của vi khuẩn bạch cầu: Nếu soi dưới kính hiển vi chúng có dạng hình que hoặc hình dùi trống, rất mảnh và hình thái sắp xếp đặc trưng là giống hàng rào. Có 3 type vi khuẩn bạch hầu điển hình đó là: Mitis, Intermedius và Gravis theo thứ tự khả năng gây bệnh tăng dần.

Cả 3 loại trên đều có khả năng sản sinh độc tố, nhưng loại Gravis là hung thủ chính gây nên những thể bệnh nặng hơn cả.

Một điểm chung khác của 3 type vi khuẩn bạch hầu trên là chúng đều nhạy cảm với các yếu tố hóa học và vật lý. Vi khuẩn sẽ bị chết sau vài giờ phơi dưới ánh sáng trực tiếp từ mặt trời. Còn đối với ánh sáng trong nhà thì nó sẽ bị tiêu diệt sau khoảng vài ngày.

Ngoài ra, vi khuẩn này còn có thể sống được trong khoảng 10 phút dưới tác động của nhiệt độ 58 độ C, trong môi trường cồn 60 độ và phenol 1% thì sống được tầm 1 phút. Do ngoại độc tố bạch hầu có bản chất là một loại protein mang tính kháng nguyên đặc hiệu, có độc tính cao và đặc biệt là chịu nhiệt kém.

Các type vi khuẩn bạch hầu khác nhau thì lại đều giống nhau về ngoại độc tố. Cơ chế tạo ra vaccine để tiêm phòng bệnh bạch hầu đó là: Xử lý ngoại độc tố bạch hầu bằng formol và nhiệt độ cao làm mất độc lực của nó, hay còn gọi là phương pháp giải độc tố vi khuẩn.

2. Dấu hiệu bạch hầu thanh quản

Sau khi bị nhiễm khuẩn sẽ mất từ 2 - 5 ngày để những triệu chứng của bệnh bộc lộ ra ngoài. Bệnh nhân có thể sẽ gặp phải các dấu hiệu sau:

Chảy nước mũi.
Sốt, ớn lạnh.
Ở trẻ em thường thấy khó chịu: Bỏ bú, quấy khóc.
Ho ông ổng.
Khàn tiếng.
Khó thở, thở nhanh. Đặc biệt trẻ còn bú hay gặp phải tình trạng này, vì bị khó thở nên trẻ hay phải dừng bú mới có thể thở được.
Các hạch ở cổ có dấu hiệu bị sưng.
Ở vùng họng xuất hiện một màng có màu xám dày.

Chỉ cần quan sát thời gian phát bệnh và các biểu hiện lâm sàng trên cũng có thể thấy bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng, diễn tiến nhanh và vô cùng nguy hiểm. Một trong các đặc điểm khiến cho căn bệnh này trở nên nghiêm trọng là do bộ phận thanh quản là nơi có kết cấu hẹp nhất của đường thở, nếu màng giả mạc hình thành và phát triển tại đây sẽ gây nên hiện tượng bít tắc đường thở, dễ khiến bệnh nhân hôn mê và đối mặt với nguy cơ tử vong cao.

Bệnh bạch hầu thanh quản là biểu hiện tình trạng nhiễm độc nhiễm trùng.

Bệnh bạch hầu thanh quản là biểu hiện tình trạng nhiễm độc nhiễm trùng.

3. Bạch hầu thanh quản có lây không?

Bạch hầu thanh quản là bệnh lây truyền của vi khuẩn bạch hầu. Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, qua nói chuyện, hắt hơi hoặc ho sẽ khiến những giọt bắn chứa vi khuẩn văng ra ngoài không khí, những người xung quanh hít phải và nhiễm vi khuẩn này. Đây là cách lây lan phổ biến và dễ dàng nhất, đặc biệt là khi tập trung ở chỗ đông người.

4. Cách phòng bạch hầu thanh quản

Để phòng bệnh bạch hầu thanh quản có thể tiêm phòng vaccine. Có nhiều loại vaccine được dùng trong phòng ngừa bệnh bạch hầu, tuy nhiên cần lựa chọn những cơ sở y tế uy tín, cung cấp loại vaccine có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo theo tiêu chuẩn của WHO và Bộ Y tế.

Bên cạnh tiêm vaccine đầy đủ, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh khác, như:

Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Khi ho hoặc hắt hơi cần che miệng để hạn chế giọt bắn.
Vệ sinh cơ thể, đặc biệt là mũi họng hàng ngày.
Không tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh hoặc mắc bệnh.
Nếu có dấu hiệu mắc bệnh cần cách ly và đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

5. Cách điều trị bạch hầu thanh quản

Phương pháp điều trị thường được áp dụng đối với bệnh nhân bị bạch hầu gồm:

Điều trị toàn diện, chú ý đến vấn đề chăm sóc và dinh dưỡng.
Người bệnh cần được cách ly đặc biệt để tránh lây bệnh cho người khác.
Phát hiện kịp thời các biến chứng.

Để điều trị bệnh bạch hầu thanh quản, người bệnh có thể được chỉ định điều trị với huyết thanh kháng độc tố bạch hầu kết hợp với sử dụng thuốc kháng sinh. Cụ thể:

Huyết thanh kháng độc tố bạch hầu tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch có tác dụng trung hòa độc tố của vi khuẩn bạch hầu còn đang lưu hành trong máu. Tuy nhiên, loại thuốc này lại không có tác dụng khi độc tố đã gắn vào mô tế bào. Chính vì thế, đòi hỏi người bệnh mắc bạch hầu thanh quản cần được điều trị huyết thanh càng sớm càng tốt.

Sử dụng thuốc kháng sinh giúp điều trị nhiễm khuẩn, tiêu diệt vi khuẩn đang tồn tại trong cơ thể. Một số loại kháng sinh có thể được chỉ định sử dụng bao gồm Penicillin G, Erythromycin…

Trong trường hợp người bệnh mắc bạch hầu thanh quản có biểu hiện muộn kèm theo dấu hiệu tắc nghẽn đường hô hấp, các bác sĩ có thể chỉ định tiến hành bóc tách giả mạc để đường thở được thông thoáng hơn.

Cần cách ly đối tượng mắc bệnh vì có thể dễ dàng lây lan trong cộng đồng.

Trong một số trường hợp giả mạc gây bít tắc đường hô hấp, cần thực hiện bóc tách giả mạc.

Bệnh nhân bị bạch hầu cần phải được nhập viện để điều trị và cần có sự cách ly đặc biệt nhằm tránh lây lan vi khuẩn bạch hầu cho những người khác.

BS Nguyễn Thị Bích

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bach-hau-thanh-quan-nguyen-nhan-bieu-hien-cach-dieu-tri-va-phong-benh-169241015200556445.htm