Bài 1: Con người là nguồn lực cho sự phát triển bền vững

Văn hóa là hồn cốt, cội nguồn của dân tộc. Do đó, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tạo động lực cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Quảng Ninh xây dựng nền tảng văn hóa vững chắc

Trong bối cảnh hiện đại, văn hóa và con người được coi là nền tảng tinh thần vững chắc, là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tại tỉnh Quảng Ninh, ý thức được vai trò then chốt của văn hóa trong việc tạo động lực phát triển, chính quyền địa phương đã dồn sức đầu tư và xây dựng một nền văn hóa toàn diện.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, Quảng Ninh đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng tự hào. Từng bước, tỉnh đã đổi mới và phát triển, khẳng định vị thế với các đặc trưng “"Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc".

Tỉnh xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững. Ảnh: Tiến Dũng.

Tỉnh xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững. Ảnh: Tiến Dũng.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Bản sắc văn hóa và giá trị con người Quảng Ninh chính là tài sản vô giá, là động lực quan trọng để phát triển Quảng Ninh ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Trong những năm qua, tỉnh luôn xác định xây dựng, phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Quan điểm này đã được cụ thể hóa trong chủ đề công tác năm 2024 và sẽ được tiếp nối, triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để việc phát triển này đầy đủ và bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành hai nghị quyết quan trọng: Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 và Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023. Hai Nghị quyết này không chỉ góp phần định hình chiến lược phát triển văn hóa mà còn nâng cao sức mạnh con người Quảng Ninh, từ đó tạo nguồn lực nội sinh cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững.

Tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định, văn hóa không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực của sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, việc xây dựng văn hóa được thực hiện đồng bộ với các lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị và xã hội. Điều này không chỉ đảm bảo sự phát triển mà còn giúp ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Kết quả của sự chuyển mình này chính là việc mọi thành phần trong xã hội, từ chính quyền đến người dân, đều tham gia tích cực vào quá trình xây dựng giá trị văn hóa.

Xây dựng môi trường thân thiện, lành mạnh

Quảng Ninh với những bước đi vững chắc, đã thực hiện những sáng kiến nhằm xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa. Một trong những dấu ấn quan trọng là việc ban hành Quy tắc ứng xử trong tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở kế thừa và phát triển Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”. Bộ quy tắc này không chỉ là công cụ để hướng dẫn hành vi ứng xử mà còn tạo ra một môi trường thân thiện, lành mạnh.

Các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch tuyên truyền, triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; chú trọng nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Quảng Ninh phát triển toàn diện với các đặc trưng “Năng động, sáng tạo, hào sảng, lành mạnh, văn minh” gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 03-CT/TW, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, mỗi cán bộ, đảng viên đã có sự liên hệ, xây dựng các chuẩn mực đạo đức, lối sống, làm việc, không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đồng thời, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh.

Tỉnh Quảng Ninh đang chú trọng nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người phát triển toàn diện với các đặc trưng “Năng động, sáng tạo, hào sảng, lành mạnh, văn minh”. Ảnh: Tiến Dũng.

Tỉnh Quảng Ninh đang chú trọng nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người phát triển toàn diện với các đặc trưng “Năng động, sáng tạo, hào sảng, lành mạnh, văn minh”. Ảnh: Tiến Dũng.

Bên cạnh đó, việc 100% khu dân cư thực hiện tốt hương ước, quy ước nếp sống văn minh là một thành tựu đáng chú ý trong quá trình phát triển văn hóa. Nhờ đó, người dân đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và tiếp thu có chọn lọc những luồng văn hóa mới. Qua đó, tạo nên một nét văn hóa độc đáo của Quảng Ninh, góp phần củng cố một xã hội văn minh, hiện đại.

Kết quả từ những nỗ lực này đã giúp Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ. Từ một địa phương chủ yếu phụ thuộc vào khai thác than, tỉnh đã vươn lên trở thành một trong những đầu tàu kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng, với tốc độ tăng trưởng liên tục trên 10% trong 9 năm qua. Sự chuyển mình này không chỉ tạo ra động lực kinh tế mạnh mẽ mà còn góp phần xóa bỏ những hủ tục, nâng cao đời sống văn hóa, ý thức pháp luật trong cộng đồng cư dân.

Tóm lại, với quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ chính quyền địa phương và sự tham gia của toàn xã hội, Quảng Ninh đang từng bước hiện thực hóa ước vọng xây dựng một nền tảng văn hóa vững chắc, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

Toàn tỉnh Quảng Ninh có 94% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 90% số thôn, bản, khu phố đạt chuẩn văn hóa; thu hẹp dần khoảng cách về mức hưởng thụ văn hóa giữa đô thị và nông thôn. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã giảm bớt đáng kể. 100% thôn, khu phố toàn tỉnh đã xây dựng quy ước, hương ước, cơ bản đảm bảo giải quyết được những vấn đề đặc thù của từng thôn, khu.

Thế An - Tiến Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bai-1-con-nguoi-la-nguon-luc-cho-su-phat-trien-ben-vung-160625.html