Bài 1: Công trình động lực mất... lực

Nhiều dự án đầu tư công với số vốn lớn những tưởng tạo động lực phát triển cho Đà Nẵng thế nhưng quá trình triển khai kéo dài, đội vốn, lãng phí... làm chậm nhịp phát triển của thành phố.

Đà Nẵng có nhiều dự án hạ tầng giao thông với vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nhưng thi công dang dở kéo dài, dẫn đến "đội vốn", không tạo ra động lực phát triển cho thành phố.

Dự án đường vành đai phía Tây trễ tiến độ, "đội vốn" giờ vẫn ngổn ngang.

Dự án đường vành đai phía Tây trễ tiến độ, "đội vốn" giờ vẫn ngổn ngang.

Đứt gánh giữa đường

Dự án đường vành đai phía Tây 2 dài 14,3 km kéo dài qua các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển thành phố. Tuy vậy, do phát sinh chi phí đền bù giải tỏa quá lớn, dự án chỉ thực hiện được một đoạn rồi "đứt gánh" giữa chừng. Cụ thể, năm 2018 Đà Nẵng phê duyệt đầu tư dự án đường Vành đai Tây 2 với tổng vốn 1.427 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng theo tính toán ban đầu là 87 tỷ đồng. Tuy nhiên khi đi vào triển khai thực tế, tổng số hồ sơ giải tỏa trên toàn tuyến là 2.342 hồ sơ, tổng kinh phí đền bù lên tới 1.950 tỷ đồng. Vì phát sinh chi phí giải tỏa, "đội vốn" đầu tư quá lớn khiến dự án không thể triển khai như ban đầu, đành tập trung hoàn thiện đưa vào khai thác đoạn tuyến khoảng 4,6 km từ đường số 8 KCN Hòa Khánh đến đường tránh Nam Hải Vân.

Vấn đề đặt ra hàng trăm hộ dân trong vùng quy hoạch dự án, đang giải tỏa dang dở sẽ xử lý thế nào? Đơn cử, tại quận Cẩm Lệ đã hoàn thành giải tỏa 50/877 hồ sơ thì dừng lại, người dân lo lắng, cuộc sống bị ảnh hưởng bởi dự án tạm "treo" lại không biết khi nào triển khai tiếp. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Thị Thanh Tâm, quan điểm của thành phố vẫn tiếp tục triển khai dự án, tuy nhiên nguồn vốn quá lớn, không thể cân đối trong giai đoạn hiện nay, vì thế phải chờ!

Tương tự dự án Trục I Tây Bắc nối từ Nút giao thông khác mức Ngã ba Huế đến QL1A trước cổng Khu công nghiệp Hòa Khánh là công trình trọng điểm tạo động lực phát triển đô thị về phía Tây Bắc thành phố. Dự án được triển khai từ năm 2014 với số vốn ban đầu hơn 692 tỷ đồng, tuy nhiên do vướng mặt bằng, triển khai kéo dài dẫn đến trượt giá đền bù, buộc phải nâng tổng mức đầu tư lên 966 tỷ đồng (tăng hơn 273 tỷ đồng). Đến nay dự án mới hoàn thành đưa vào khai thác đoạn từ Nút giao Ngã ba Huế đến đường Hồ Tùng Mậu, đoạn còn lại thi công dang dở nhiều năm. Bà Nguyễn Thị Thùy (tổ 68, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) cho biết, dự án dang dở kéo dài khiến cuộc sống người dân ở đây giữa lòng đô thị mà như "treo" chậm lại hàng chục năm. Nhà cửa thấm dột, xuống cấp, nhếch nhác, sổ đỏ không làm được, không lập được hồ sơ mua điện, nước theo quy định đành phải "kéo" từ hàng xóm về dùng.

Ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết, hiện nay đoạn từ Hồ Tùng Mậu đến đường sắt còn vướng 19 hồ sơ chưa nhận tiền đền bù, chưa chấp nhận chính sách bồi thường do làm nhà trên đất nông nghiệp, vì vậy mới thảm nhựa được 500m, còn 150m cuối đoạn tạm dừng thi công. Với đoạn từ đường sắt đến QL1A dù đã giải tỏa được 60/164 hồ sơ, đã bàn giao đất sạch nhưng xen kẽ nên không có mặt bằng thi công. Vào tháng 3-2022, sau nhiều lần trễ hẹn, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ra "tối hậu thư" ấn định thời gian hoàn thành, đưa dự án vào vận hành cuối tháng 6-2023. Nhưng đến nay, dự án vẫn dang dở, và dù hết năm 2023 vẫn không hoàn thành như cam kết.

Vướng mắc mặt bằng khiến dự án Trục I Tây Bắc dù "đội vốn" 273 tỷ đồng vẫn kéo dài dang dở.

Vướng mắc mặt bằng khiến dự án Trục I Tây Bắc dù "đội vốn" 273 tỷ đồng vẫn kéo dài dang dở.

"Đội vốn" vẫn dai dẳng

Để tạo động lực phát triển khu vực phía Tây thành phố, đồng thời hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị, kết nối với khu vực miền Trung-Tây Nguyên, từ năm 2018 Đà Nẵng đã khởi công xây dựng tuyến đường Vành đai phía Tây từ QL14B đến đường Hồ Chí Minh dài 19,1 km. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành đưa vào khai thác năm 2021 nhưng sau 3 lần gia hạn tiến độ đến nay vẫn dang dở. Ghi nhận đoạn đầu tuyến tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang hiện vẫn nham nhở bùn đất, máy móc, thiết bị nằm im lìm… Bà Lưu Thị Bằng, trú thôn Gò Hà, xã Hòa Khương cho biết, do vướng phải dự án nên người dân không thể di chuyển qua đoạn đường này, các em học sinh cũng phải đi đường vòng để đến trường. Chưa kể, công trình rào chắn nên hầu như các loại xe tải, xe cơ giới đều đi vào đường thôn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Còn ông Trần Ba nhìn công trường ngao ngán, suốt mấy năm nay phải sống trong cảnh mưa thì bùn đất nhớp nhúa, nắng thì bụi mù mịt.

Chị Thùy cho biết nhà mình phải "kéo" nước từ hàng xóm về dùng.

Chị Thùy cho biết nhà mình phải "kéo" nước từ hàng xóm về dùng.

Theo Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, hiện nay còn 90/1.607 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng, trong đó riêng phạm vi nút giao QL14B (đầu tuyến) còn 88 hồ sơ đất ở. Dù đơn vị thi công đã chuẩn bị sẵn nhân lực, phương tiện tuy nhiên không có mặt bằng để thi công. Việc vướng mặt bằng cũng là nguyên nhân khiến dự án chậm trễ kéo dài, "đội vốn". Cụ thể, ban đầu dự án có tổng vốn đầu tư 1.134 tỷ đồng, sau đó phải điều chỉnh lên gần 1.500 tỷ đồng do phát sinh trong đền bù, giải tỏa. Ngoài ra, dự án thi công kéo dài còn do nhà thầu Cienco1 không đủ năng lực tài chính, 4 lần bị phạt trễ tiến độ, cuối cùng buộc phải chuyển giao gói thầu cho Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn tiếp tục thi công. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, đến cuối năm 2023 dự án đường vành đai phía Tây phải hoàn thành, nếu không sẽ tiến hành xử lý cán bộ. Tuy nhiên, phạm vi nút giao với QL14B hiện còn nhiều hồ sơ đất ở chưa bàn giao mặt bằng, đây là trở ngại rất lớn.

Người dân vẫn chưa đồng ý phương án đền bù, bàn giao mặt bằng tại dự án Trục I Tây Bắc.

Người dân vẫn chưa đồng ý phương án đền bù, bàn giao mặt bằng tại dự án Trục I Tây Bắc.

Các dự án hạ tầng giao thông luôn được ưu tiên vốn ngân sách đầu tư nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội. Tuy nhiên việc thi công dang dở, kéo dài không chỉ khiến công trình "đội vốn", cuộc sống người dân bị ảnh hưởng, mà còn không tạo ra được động lực, làm lỡ nhịp phát triển của thành phố.

HẢI QUỲNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/bai-1-cong-trinh-dong-luc-mat-luc-post286777.html