Bài 1: Đào tạo nghề - nhiệm vụ bức thiết

Ngày 04/5/2023, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để thực hiện mục tiêu trên, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt một số mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp trọng tâm đưa đất nước ta ngày càng phát triển.

Việt Nam hiện là một nước có dân số trẻ, mặc dù đang tiệm cận ngưỡng dân số già. Nguồn lực lao động của đất nước đang rất dồi dào; đa phần người lao động có các phẩm chất tốt được nhìn nhận rộng rãi: sự siêng năng, cần cù, khả năng tiếp thụ kiến thức, tinh thần cầu tiến... Một hệ thống đào tạo tốt sẽ cho phép xây dựng đội ngũ lao động có tay nghề để cung ứng cho các khu vực nghề nghiệp trong và ngoài nước.

Đánh giá đúng tầm quan trọng của đào tạo nghề

Đào tạo nghề được hiểu là việc tổ chức trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho việc thực hiện công việc mang tính chất lao động nhằm tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trong điều kiện nhu cầu xã hội rất đa dạng, thì đào tạo nghề cũng đa dạng. Đó có thể giúp người được đào tạo có đủ khả năng nấu một món ăn, pha một ly nước, hướng dẫn một đoàn khách tham quan một địa điểm du lịch, sửa chữa được hỏng hóc của một chiếc máy chuyên dụng,... Nhưng đó cũng có thể giúp người được đào tạo đủ khả năng thực hiện một công việc rất tỉ mỉ, tinh vi như chế tác một món đồ trang sức, tham gia dây chuyền công nghệ nhằm tạo ra một sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, như thiết bị điện tử...

Tất nhiên, nếu có điều kiện học tập một cách suôn sẻ từ tiểu học cho đến đại học thì người học có xu hướng học đến nơi đến chốn, nghĩa là có được tấm bằng cao nhất theo kỳ vọng, cho phép có được lợi thế nhất định khi bước vào cuộc cạnh tranh cho các vị trí nghề nghiệp. Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện thực hiện một kế hoạch chuẩn bị lập thân, lập nghiệp như thế.

Chẳng hạn, theo thống kê chính thức do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, có hơn 300 ngàn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông không đăng ký xét tuyển đại học trong năm nay. Một phần nhỏ trong số này được gia đình đăng ký cho học tại các trường đại học quốc tế hoặc các chương trình liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và trường đại học nước ngoài, theo kiểu du học tại chỗ. Một số khác sẽ ra nước ngoài du học thật. Một số nữa chọn con đường học nghề do cảm thấy bản thân không đủ năng lực theo đuổi chương trình đại học.

Nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội

Nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội

Còn lại một phần lớn thuộc diện không thể học đại học vì không đủ khả năng chi trả học phí. Không ít trong số này có năng khiếu, kỹ năng nghề nghiệp mà nếu được rèn giũa một cách thích hợp sẽ có thể trở thành những người thợ, kỹ thuật viên giỏi đủ khả năng kiếm sống bằng sức lao động của mình. Đa phần những học sinh này thuộc các gia đình có thu nhập thấp. Đây là lực lượng lao động rất tiềm năng của các khu vực nghề nghiệp. Có thể xếp các em vào nhóm người yếu thế, cần sự hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng để có thể thực hiện hành trình lập thân, lập nghiệp.

Điều không thể phủ nhận là từ khi chính sách đổi mới được áp dụng, kinh tế phát triển nhanh kéo theo nhu cầu lao động tăng cao. Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các nền kinh tế quốc gia khiến đất nước luôn chịu sức ép hiện đại hóa nền kinh tế của mình để không chỉ có thể tồn tại mà còn phát triển đi lên. Nền kinh tế hiện đại đòi hỏi ở người lao động kiến thức, kỹ năng và cả tác phong lao động cũng phải hiện đại theo.

Trong bối cảnh dó, hệ thống đào tạo nghề phải đáp ứng được một loạt các yêu cầu thì mới có thể làm tròn nhiệm vụ nguồn cung cấp nhân lực có phẩm chất và tay nghề cho xã hội.

Yêu cầu thứ nhất là bảo đảm tính tương thích của hoạt động đào tạo với khung cảnh sinh động của thị trường lao động. Sự phát triển nhanh của nền kinh tế và nhất là sự đổi mới nhanh của công nghệ ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh tất yếu dẫn đến sự xuất hiện những nghề mới và sự thu hẹp, thậm chí sự đào thải đối với những nghề không còn cần thiết. Nghề thư ký đánh máy tốc ký là một ví dụ điển hình: vài chục năm trước, chiếc máy đánh chữ cơ khí còn là phương tiện soạn thảo và trình bày văn bản mà việc sử dụng đòi hỏi các kỹ năng đặc biệt cần được huấn luyện kỹ; còn bây giờ, với chiếc máy tính xách tay, việc soạn thảo và trình bày văn bản là công việc bình thường của bất kỳ ai ngồi ở các vị trí văn phòng, chứ không chỉ là công việc của người thư ký đánh máy chuyên nghiệp.

Vai trò công tác quản lý nhà nước

Với tư cách là người chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ xã hội và nền kinh tế, Nhà nước, thông qua cơ quan chức năng, cần chủ động thực hiện nghiên cứu nghiêm túc về các xu hướng nghề nghiệp thịnh hành, từ đó định hình việc đào tạo nghề cho phù hợp. Dựa vào sự định hình đó, Nhà nước khuyến khích các cơ sở đào tạo nghề thường xuyên rà soát các chương trình đào tạo nghề, từ đó có biện pháp cải cách hệ thống đào tạo thích hợp.

Về phần mình, các cơ sở đào tạo nghề cần thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình biến động của các khu vực nghề nghiệp, từ đó rà soát hệ thống chương trình đào tạo đang vận hành, kịp thời tái cấu trúc hệ thống cho phù hợp với tình hình: loại bỏ những chương trình đã lỗi thời, xây dựng chương trình mới phục vụ cho nhu cầu lao động trong nghề mới phát sinh. Song song đó, cần thường xuyên cập nhật, đổi mới giáo trình, tài liệu giảng dạy; đào tạo lại và nâng cao trình độ chuyên môn của giảng viên.

Yêu cầu thứ hai là bảo đảm tính tiện nghi của cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. "Tiện nghi" không chỉ và không chủ yếu thể hiện ở sự khang trang và dồi dào về tiện ích của giảng đường, phòng học mà trước hết và chủ yếu là ở tính đầy đủ của trang thiết bị phục vụ học tập. Cơ sở đào tạo cần đầu tư nghiêm túc cho việc sắm sửa và duy trì điều kiện sử dụng bình thường các trang thiết bị phục vụ việc học nghề. Việc này giúp người học thực hành, ứng dụng kiến thức một cách có hiệu quả ngay trong thời gian học tập tại trường trên các mô hình cụ thể.

Yêu cầu thứ ba là bảo đảm sự liên kết giữa nhà trường và khu vực nghề nghiệp liên quan. Cơ sở đào tạo và doanh nghiệp phải hợp tác với nhau để thiết lập hành lang cho phép người học "đi lại" giữa nhà trường và môi trường nghề nghiệp trong thời gian học tập thông qua các chương trình thực tập tại doanh nghiệp. Ngoài ra, giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cần đạt được các thỏa thuận về tuyển dụng người học sau khi tốt nghiệp. Việc này có tác dụng tạo sự an tâm cho người học nghề về triển vọng nghề nghiệp của mình, từ đó chấp nhận chi trả học phí và tích cực dành thời gian, đầu tư công sức để hoàn thành kế hoạch học tập của mình.

Đối với người học nghề có hoàn cảnh khó khăn, Nhà nước có thể thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay với lãi suất ưu đãi và các điều kiện hoàn trả khả thi để người học có thể trang trải chi phí học tập và trả nợ vay sau khi tốt nghiệp, có việc làm mà không phải chịu áp lực lớn.

Điều cần lưu ý nữa là phải chú trọng đào tạo nghề cho lao động phổ thông ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong điều kiện đa số cư dân sinh sống ở vùng nông thôn, thì đây là lực lượng lao động rất dồi dào và tiềm năng. Tất nhiên, không thể phủ nhận thách thức đối với cơ sở đào tạo nghề, nhất là cơ sở đào tạo nghề tư nhân, khi tham gia khai thác thị phần đào tạo này: chi phí đầu tư có thể cao do phải đặt cơ sở đào tạo tại những nơi hẻo lánh, điều kiện đi lại khó khăn; khả năng chi trả của người học ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa thấp hơn so với người học ở thành thị; chất lượng đầu vào của người học thường thấp, do đó cần thiết kế chương trình, phương pháp giảng dạy đặc thù mới có thể đạt được chuẩn đầu ra theo quy định chung. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để các cơ sở đào tạo nghề mạnh dạn dấn thân thực hiện nhiệm vụ chăm sóc những người học đặc biệt này. Cụ thể, cần có có chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi và kỳ hạn hoàn trả nợ vay hợp lý để cơ sở đào tạo nghề có thể yên tâm đầu tư và thu hồi vốn theo một lộ trình dài hơi.

Ngoài ra, cần tổ chức liên kết chặt giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để người học thuộc diện này được bảo đảm có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp. Về phần mình, người học nghề phải cam kết làm việc tại doanh nghiệp liên kết được chỉ định trong khoảng thời gian tối thiểu, gọi là thời gian nghĩa vụ, trước khi được tự do tìm kiếm việc làm.

(Còn tiếp...)

Viện sĩ, PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/bai-1-dao-tao-nghe-nhiem-vu-buc-thiet_151821.html