Bài 1: Góp phần giảm tải cho Tòa án

Thông qua việc triển khai thực hiện Luật, việc hòa giải, đối thoại thành đã giảm lượng án phải thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng, từ đó giảm bớt khối lượng công việc thực tế cho thẩm phán, thư ký.

Việc hòa giải, đối thoại thành sẽ giảm thiểu lượng án phải thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng, giảm bớt khối lượng công việc thực tế cho thẩm phán, thư ký.

Việc hòa giải, đối thoại thành sẽ giảm thiểu lượng án phải thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng, giảm bớt khối lượng công việc thực tế cho thẩm phán, thư ký.

Hòa giải, đối thoại tại tòa án là nội dung mới được pháp luật quy định tại Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021. Sự ra đời của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án là quy định mang tính đột phá, kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, pháp lý tốt đẹp của dân tộc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống.

Theo Tòa án nhân dân tỉnh, hòa giải, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử. Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được các bên tự nguyện thi hành; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hằng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.

Thông qua việc triển khai thực hiện Luật, việc hòa giải, đối thoại thành đã giảm lượng án phải thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng, từ đó giảm bớt khối lượng công việc thực tế cho thẩm phán, thư ký. Hiện nay, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án đã và đang được người dân trên địa bàn quan tâm, tìm hiểu, rất nhiều đương sự đã lựa chọn hòa giải viên giải quyết đơn khởi kiện của mình sau khi được tuyên truyền về Luật.

Để có những kết quả bước đầu, trước hết, tập thể cán bộ, công chức Tòa án- nhất là người đứng đầu phải nhận thức rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu quả của việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án, từ đó việc triển khai và thi hành luật mới thật sự đạt hiệu quả.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ phải tâm huyết, có kỹ năng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của hòa giải viên và giải quyết hiệu quả các tranh chấp ngay từ khi nhận đơn khởi kiện. Tòa án nỗ lực giải thích rõ đối với người có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu về Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Đây được xem là biện pháp khả thi, hiệu quả, khi người dân hiểu được ý nghĩa và lợi ích mà hòa giải, đối thoại mang lại thì họ sẽ lựa chọn cơ chế này. Bên cạnh đó phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tòa án và các hòa giải viên, chuẩn bị tốt việc hòa giải, bố trí thời gian phù hợp, bố trí điều kiện cơ sở vật chất phục vụ việc hòa giải...

Ngoài ra, Tòa án nhân dân tỉnh đã tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, giúp cho các hòa giải viên, thẩm phán trong các đơn vị học tập và rút kinh nghiệm.

Năm 2022, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh thụ lý 11.317 đơn đủ điều kiện tiến hành hòa giải, đối thoại, trong đó có 7.924 đơn người khởi kiện đồng ý hòa giải, đối thoại. Kết quả giải quyết cụ thể, rút đơn khởi kiện 968 vụ việc; không tiến hành hòa giải đối thoại được 1.081 vụ việc; hòa giải, đối thoại không thành 1.733 vụ việc; hòa giải thành 3.711 vụ việc; số vụ còn lại đang giải quyết 671 vụ việc, đạt tỷ lệ 91,53%. Kết quả giải quyết đáp ứng yêu cầu Chỉ thị số 02/2022/CT-CA ngày 14.3.2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về tăng cường công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác hòa giải, đối thoại tại tòa, Tòa án nhân dân thị xã Trảng Bàng nỗ lực để nhanh chóng đưa Luật vào thực hiện. Sau 2 năm triển khai, đơn vị đã đồng bộ nhiều giải pháp, đúng trình tự để thực sự đưa Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án vào cuộc sống và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trước khi Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án có hiệu lực thi hành, vào tháng 11.2020, đơn vị đã phối hợp Phòng Tư pháp thị xã Trảng Bàng cử cán bộ tham gia triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và văn bản hướng dẫn thi hành cho đại diện các cơ quan, ban, ngành trong Thị xã.

Ban lãnh đạo đơn vị quán triệt tất cả các thẩm phán, thư ký tập trung nghiên cứu để có thể thực hiện ngay khi luật có hiệu lực. Đây là bước quan trọng đầu tiên giúp cho Luật Hòa giải, đối thoại sớm được thi hành trên thực tế và đạt kết quả tại Tòa án án nhân dân thị xã Trảng Bàng.

Ngay sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo của Tòa án nhân dân tỉnh về việc thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đơn vị nhanh chóng tiến hành xem xét, lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn để đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh bổ nhiệm hòa giải viên cho đơn vị, chuẩn bị cơ sở vật chất cho công tác hòa giải, đối thoại cũng như trang, thiết bị làm việc cho hòa giải viên.

Việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thiết yếu cho việc thi hành luật ngay từ sớm đã giúp cho đơn vị đạt được những thành quả quan trọng. Chỉ sau hơn 2 tháng kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành, đơn vị đã tổ chức hòa giải thành được 9 vụ, việc về hôn nhân gia đình và dân sự.

Việc thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên việc triển khai cũng gặp nhiều khó khăn. Do hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một chế định hoàn toàn mới, nhiều người dân chưa nắm rõ và hiểu hết ý nghĩa của luật nên còn rất e ngại không dám lựa chọn hòa giải, đối thoại, chỉ chọn con đường giải quyết theo thủ tục tố tụng.

Do đó, Ban lãnh đạo Tòa án nhân dân thị xã Trảng Bàng đã quán triệt tất cả thẩm phán phải tiếp xúc trực tiếp với đương sự để giải thích cho họ hiểu rõ những thuận lợi khi lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải, đối thoại.

Ngoài ra, hầu hết người dân trên địa bàn Thị xã đều là công nhân làm việc tại các công ty, khu công nghiệp, rất khó xin nghỉ đến Tòa để hòa giải trong giờ hành chính. Vì vậy, tận dụng ưu điểm về tính linh hoạt của công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đơn vị khuyến khích các hòa giải viên, thẩm phán tạo điều kiện cho các đương sự đến Tòa hòa giải vào ngày thứ bảy, chủ nhật, thậm chí ngày lễ nhưng phải đăng ký lịch trước để Ban lãnh đạo theo dõi.

Nhờ đó, công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án Trảng Bàng ngày càng đạt hiệu quả cao, trở thành một trong những đơn vị có số lượng vụ việc chuyển sang hòa giải, đối thoại và hòa giải thành cao nhất của tỉnh.

Từ ngày 1.1.2021 - 31.1.2023, Tòa án nhân dân thị xã Trảng Bàng nhận 3.448 đơn khởi kiện các loại. Trong đó, số đơn đã chuyển sang hòa giải, đối thoại tại Tòa án là 1.369 đơn (gồm 1.074 đơn về hôn nhân gia đình, 288 đơn về dân sự, 2 đơn về lao động và 5 đơn về kinh doanh thương mại), đã tiến hành hòa giải 1.234 đơn, còn lại 135 đơn đang tiến hành các thủ tục theo quy định. Qua đó, hòa giải thành 1.011 đơn, đạt tỷ lệ 81,93%.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại trong thời gian tới, Tòa án nhân dân thị xã Trảng Bàng chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải, đối thoại tại Tòa án để người dân hiểu được những thuận lợi khi lựa chọn hòa giải, đối thoại giải quyết tranh chấp, giúp họ tin tưởng và mạnh dạn lựa chọn.

Kịp thời cung cấp cho hòa giải viên các văn bản quy phạm pháp luật mới để họ cập nhật, áp dụng trong quá trình hòa giải, đối thoại nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác hòa giải, đối thoại…

Để Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án ngày càng phát huy hiệu quả tích cực, lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, Tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác hòa giải, đối thoại tại tòa. Các hòa giải viên nỗ lực tự rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng hòa giải, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình để mang lại hiệu quả thiết thực trong quá trình thực hiện.

Phương Thảo

(Còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-1-gop-phan-giam-tai-cho-toa-an-a155513.html