Bài 1: Hiện thực hóa giấc mơ an cư

Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về triển khai chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở đi vào cuộc sống, đã giúp nhiều hộ đồng bào nghèo có mái nhà kiên cố che mưa, che nắng. Tính đến cuối năm 2023, đã có 46.490 khách hàng có dư nợ chương trình tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với tổng dư nợ đạt 2.317,012 tỷ đồng. Dự kiến, con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới…

Niềm vui nhà mới

Năm 2023, huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế huy động hơn 1.100 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa nhà tạm, kết cấu hạ tầng. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giúp sức của già làng, trưởng bản, họ tộc… diện mạo của các địa phương có nhiều thay đổi.

Trong căn nhà mới được xây từ nguồn vốn hỗ trợ theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ông Hồ Minh Thành, thôn Ta Lo A Hố, xã Hồng Vân cho biết, trước đây gia đình ông sống trong căn nhà tạm chật hẹp, xuống cấp. Mỗi năm, vào mùa mưa bão, cả gia đình nơm nớp lo sợ, bất an. Mới đây, thông qua NHCSXH huyện, gia đình được hỗ trợ 60 triệu đồng. Ông Thành vay mượn thêm để đầu tư xây ngôi nhà kiên cố. "Giờ đây, nhà tôi không còn sợ cái mưa, cái nắng, tập trung phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống, phấn đấu thoát khỏi diện hộ nghèo", ông Thành nói.

Lãnh đạo huyện A Lưới kiểm tra tiến độ giải ngân vốn xây dựng nhà ở và động viên hộ đồng bào A Lưới. Ảnh: Internet

Lãnh đạo huyện A Lưới kiểm tra tiến độ giải ngân vốn xây dựng nhà ở và động viên hộ đồng bào A Lưới. Ảnh: Internet

Không chỉ đồng bào A Lưới hân hoan với ngôi nhà mới, đồng bào nghèo ở khắp nơi trên cả nước đều nhận được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước để sửa chữa, xây mới nhà cửa.

Gia đình anh Bhing Đoong, ở thôn Azứt, xã Bhalêê, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa tin nổi mình đã có một ngôi nhà kiên cố sau rất nhiều năm khát khao. Anh Đoong cho biết, cuộc sống trước kia của gia đình rất khó khăn, hai vợ chồng làm mãi nhưng chỉ đủ trang trải. Căn nhà xuống cấp, tạm bợ, nắng nóng mưa dột nhưng không đủ tiền sửa chữa nói gì đến xây mới.

"Cuối năm 2022, tôi được NHCSXH huyện Tây Giang cho vay 40 triệu đồng với lãi suất 3% để xây căn nhà mới. Cộng với khoản tiền đã dành dụm được, chúng tôi đã có được ngôi nhà mơ ước…" - anh Bhing Đoong nói.

Tương tự, hộ ông Alăng Nhuh, ở thôn Achoong, xã Ch’Ơm cũng được hỗ trợ vay chính sách 40 triệu đồng để xây nhà. Ngoài ra, chính quyền địa phương hỗ trợ tôn lợp mái, người dân trong thôn góp ngày công giúp gia đình anh Nhuh. "Có nhà cửa ổn định, gia đình tôi sẽ quyết tâm làm ăn để sớm trả nợ vay và vươn lên thoát nghèo" - ông Nhuh chia sẻ.

Chủ động nguồn lực

Giám đốc NHCSXH huyện Tây Giang Vũ Định cho biết, ngay khi Chính phủ ban hành Nghị định 28/2022/NĐ-CP, NHCSXH huyện đã phối hợp với ban, ngành của địa phương rà soát danh sách các hộ có nhu cầu vay vốn trong giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở quyết định phê duyệt danh sách hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng chính sách của UBND huyện, đơn vị triển khai chương trình cho vay đến các tổ chức nhận ủy thác và UBND các xã để triển khai đến người thụ hưởng.

Với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau", cán bộ tín dụng xuống địa bàn từng thôn giúp các hộ vay làm hồ sơ và giải ngân kịp thời. Đến nay, tổng dư nợ của chương trình là hơn 28 tỷ đồng.

"Hơn 1 năm triển khai, NHCSXH huyện Tây Giang đã giải quyết cho 705 hộ vay để sửa chữa nhà và làm mới nhà ở. Qua kiểm tra, các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có được nhà ở kiên cố trước mùa mưa năm 2023" - ông Định cho biết.

Ông Vũ Định chia sẻ thêm, nhu cầu vay vốn xóa nhà tạm trên địa bàn lớn, song, nguồn vốn có hạn nên đơn vị yêu cầu UBND các xã chỉ đạo các thôn bình xét công khai, dân chủ và làm hồ sơ giải ngân theo thứ tự ưu tiên. Nhờ đó, không xảy ra tình trạng phản ánh, khiếu nại trong quá trình triển khai.

"Để tiếp tục phát huy hiệu quả chương trình, chúng tôi tiếp tục rà soát nhu cầu vay vốn và tranh thủ nguồn vốn được giao giúp người thụ hưởng xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn huyện. Trước mắt sẽ tập trung giải ngân theo chỉ tiêu của huyện là xóa từ 450 - 500 nhà tạm, nhà ở dột nát trong năm 2024" - ông Định nói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Arất Blúi cho hay, chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP cùng với nhiều chính sách xóa nhà tạm triển khai tại Tây Giang đang phát huy hiệu quả tích cực. Năm 2023, 705 hộ vay vốn chính sách đã sửa chữa, xây mới nhà cửa, qua đó giúp người dân yên tâm sinh sống, sản xuất, con cái được học hành đầy đủ. Đồng thời, góp phần quan trọng giúp địa phương thực hiện tốt mục tiêu giảm 230 hộ nghèo/năm, bảo đảm cuộc sống an toàn, phòng tránh thiên tai. Ngoài ra, NHCSXH huyện Tây Giang còn triển khai nguồn vốn vay hỗ trợ đất sản xuất với mức vay 77,5 triệu đồng/hộ. Chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề với mức vay tối đa bằng mức cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh cho hộ nghèo. Vay chi phí học nghề với mức vay tối đa bằng chính sách tín dụng học sinh, sinh viên. Thời hạn cho vay chương trình này lên đến 10 năm.

Tại A Lưới, việc triển khai Nghị định 28/2022/NĐ-CP cũng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của Nhân dân trong huyện. Qua rà soát hộ nghèo, cận nghèo đa chiều, A Lưới có 3.959 hộ cần hỗ trợ về nhà ở (trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 2.184 hộ và Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 là 1.775 hộ). Từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự linh hoạt trong lồng ghép các chính sách đầu tư, giai đoạn từ 2022 - 2023, toàn huyện đã có 2.607 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Dự kiến năm 2024, sẽ thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 937 hộ nghèo, cận nghèo…

Bình Nhi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/bai-1-hien-thuc-hoa-giac-mo-an-cu-i367580/