Bài 1: 'Mệnh lệnh' của trái tim
Ngày 3/7/1980, Việt Nam và Liên Xô ký Hiệp định hợp tác về thăm dò và khai thác dầu khí thềm lục địa Việt Nam. Điểm xuất phát của hiệp định này không thể có từ nào để gọi tên một cách chính xác và ý nghĩa hơn là 'mệnh lệnh của trái tim'.
Trước năm 1975, Liên Xô cung cấp 1 triệu tấn dầu/năm cho miền Bắc, Mỹ cung cấp 1 triệu tấn/năm ở miền Nam. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cả hai miền Nam - Bắc thiếu hụt dầu trầm trọng.
Do đó đầu những năm 80 của thế kỷ trước, việc làm sao kiếm được 1 triệu tấn dầu để bổ sung cho nguồn năng lượng bị thiếu hụt trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Khi đó, Bộ Chính trị đưa ra sách lược hợp tác với Liên Xô, nhưng trên một bình diện hoàn toàn khác. Nếu trước đây, Liên Xô giúp Việt Nam theo phương thức viện trợ không hoàn lại, thì giờ đây sẽ là hợp tác đầu tư, phân chia sản phẩm, lợi nhuận. Dĩ nhiên, trong sự hợp tác đó vẫn có sự giúp đỡ cả về kinh tế và tinh thần.
Ngày 3/7/1980, Việt Nam và Liên Xô chính thức ký Hiệp định hợp tác về thăm dò và khai thác dầu khí thềm lục địa Việt Nam. Sự hợp tác này được đánh giá không chỉ là yêu cầu cấp thiết của ngành Dầu khí Việt Nam lúc bấy giờ, mà qua đó còn xây dựng ngành công nghiệp dầu khí biển hoàn chỉnh và một lực lượng cán bộ kỹ thuật có đủ trình độ để quản lý, điều hành ngành công nghiệp dầu khí. Đó cũng là mục tiêu rất lớn của Đảng và Nhà nước, dù hoàn cảnh đất nước khi đó rất khó khăn, nhưng quyết tâm xây dựng một nền công nghiệp dầu khí vững mạnh.
Cũng phải nói thêm rằng, tại thời điểm ký Hiệp định hợp tác, cả Liên Xô cũng như Việt Nam vẫn chưa có những điều kiện tốt mà chủ yếu là từ “mệnh lệnh của trái tim”, nói chính xác hơn là từ tình hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Liên Xô và từ nhiệm vụ chính trị với quyết tâm sớm xây dựng cho Việt Nam một ngành công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh từ khai thác đến lọc dầu, để Việt Nam tự giải quyết vấn đề năng lượng của mình.
Sẽ không thể có từ nào khác chính xác và ý nghĩa hơn để thay thế cụm từ “mệnh lệnh của trái tim” của Liên Xô lúc đó, bởi chỉ dựa vào tài liệu địa chấn và 1 giếng khoan thăm dò của Mobil mà đã đầu tư xây dựng khu căn cứ dịch vụ tổng hợp trên bờ, khu nhà ở 5 tầng và quan trọng hơn là xúc tiến làm ngay 2 giàn MSP. Việc làm đó phá vỡ mọi quy trình và dĩ nhiên là đầy rủi ro nếu không tìm ra dầu. Bởi thông thường, phải xác định có dầu, thăm dò trữ lượng rồi mới đầu tư cơ sở hạ tầng, quy trình đó mất ít nhất phải 7-8 năm. Ngay cả bây giờ, đối với các công ty dầu khí lớn, quy trình đó cũng mất đến 6 năm.
Lần thử vỉa cuối cùng ngày 3/6/1987 đã xác định có dầu. Khi đó, cả Vietsovpetro đã ngỡ ngàng và vỡ òa khi phát hiện dòng dầu có lưu lượng đạt tới gần 500 tấn/ngày ở vỉa đáy của giếng BH-6.
Nhưng phía Liên Xô vẫn chấp nhận rủi ro đó, tất cả là vì mục tiêu làm sao giúp Việt Nam đẩy nhanh thăm dò và khai thác dầu.
Sau 3 năm chuẩn bị, ngày 25/12/1983, tàu Mikhain Mirchin đã khoan giếng thăm dò BH-5 đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ và 5 tháng sau, ngày 24/5/1984, đã phát hiện ra dòng dầu công nghiệp đầu tiên trong trầm tích Miocen (tầng 23). Khi đó, cả nước vui mừng vì lần đầu tiên Việt Nam tìm thấy dầu. Lễ đốt đuốc mừng dòng dầu công nghiệp được tổ chức tưng bừng trên bờ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó là nỗi lo lắng của những người làm địa chất dầu khí ở Vietsovpetro vì lưu lượng thử vỉa chỉ khoảng 20 tấn/ngày, chỉ bằng 1/15 lưu lượng mà Mobil công bố.
Trong nội bộ Vietsovpetro bắt đầu xôn xao: Tại sao không phải sản lượng dầu như Mobil thông báo? Hay Mobil thổi phồng lên 2.600 thùng? Có sai lầm trong việc thử vỉa, hoặc bản chất mỏ như thế?... Vietsovpetro đã ngay lập tức làm việc với nhóm kỹ thuật của tàu khoan Mikhain Mirchin nhưng không thấy có gì sai sót trong quy trình thử vỉa và chọn vị trí “bắn”…
“Chúng tôi cứ nghĩ mãi về số liệu 2.600 thùng của Mobil. Đa số anh em vẫn cho rằng bản thân mình có vấn đề chỗ nào đấy, có thể do quá trình thử vỉa, công nghệ và vẫn tin tưởng số liệu của Mobil là đúng” - ông Ngô Thường San (lúc đó là Phó tổng giám đốc Vietsovpetro phụ trách địa chất) nhớ lại.
Vietsovpetro vẫn tiến hành khai thác dầu ở tầng 23, song song với đó là đưa chân đế giàn số 2 ra Bạch Hổ và tiến hành khoan tiếp 2 giếng nữa là BH-4 và BH-1 nhưng không phát hiện có dầu… Liên tục các mũi khoan gây thất vọng, áp lực đến từ mọi phía với Vietsovpetro. Phía Liên Xô xét lại toàn bộ quy trình và ra chiến lược đổi mới, đặt vấn đề hợp tác không có hiệu quả thì sẽ rút.
Về phía Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười băn khoăn, có nên dừng khai thác mỏ Bạch Hổ và mở rộng tìm kiếm sang các lô khác. Sau đó, việc mở rộng diện tích hoạt động cho Vietsovpetro được báo cáo xin ý kiến đồng chí Đỗ Mười. Đồng chí Đỗ Mười yêu cầu Vietsovpetro tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có, mở rộng diện tìm kiếm Lô 15, 17 và 05 (mỏ Đại Hùng).
Ngày 25/10/1985, Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Nguyễn Hòa được ủy quyền của Chính phủ Việt Nam đã ký Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô về việc tiếp tục phát triển hợp tác và mở rộng thêm một số lô trong việc thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam trong các năm 1986-1990.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đó cũng đặc biệt quan tâm và trong chuyến công tác tại Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, Đại tướng yêu cầu Phó tổng giám đốc phụ trách địa chất Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro Ngô Thường San báo cáo thực trạng của mỏ Bạch Hổ.
Áp lực Vietsovpetro không có dầu đã giảm xuống khi phía Bắc mỏ Bạch Hổ tìm thấy dầu, cụ thể là ở mỏ Rồng, Đại Hùng… nhưng sản lượng vẫn không cao. Trong khi đó, muốn phát triển mạnh phía Bắc thì cần thêm cơ sở hạ tầng nhưng thời điểm đó phía Liên Xô không cung cấp kịp chân đế và các block kiến trúc bên trên. Tổng giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro Ph.G. Arjanov chỉ đạo cho Chánh kỹ sư G.V.Puri làm việc với Viện của Ucraina tổ chức “cưa” chân đế giàn MSP-2 và chuyển lên phía Bắc, tận dụng block của giàn MSP-2... và phải hoàn thành trước mùa biển động.
Để tiếp tục thăm dò, đánh giá trữ lượng, giếng BH-6 được khoan với nhiệm vụ khoanh ranh giới phát triển tầng Oligocen về phía Nam, chiều sâu thiết kế giếng khoan 3.700m, khoan thẳng đứng. Giếng được khởi công khoan vào lúc 20 giờ ngày 16/8/1986 và kết thúc vào 16 giờ ngày 5/5/1987, chiều sâu cuối cùng 3.533m. Lần thử vỉa cuối cùng ngày 3/6/1987 đã xác định có dầu. Khi đó, cả Vietsovpetro đã ngỡ ngàng và vỡ òa khi phát hiện dòng dầu có lưu lượng đạt tới gần 500 tấn/ngày ở vỉa đáy của giếng BH-6.
Rất nhiều nhà khoa học dầu khí đã ngay lập tức đặt ra câu hỏi: Dầu từ đâu? Có hai ý kiến, thứ nhất: Dầu từ Oligocen, lý do là về năng lượng vỉa, lưu lượng khá giống số liệu tầng Oligocen được phát hiện tại giếng BH-4; thứ hai: Đó là tầng sản phẩm mới, móng phong hóa.
Thế nhưng, nếu khẳng định dầu từ trong móng, có nghĩa là phủ định sự có mặt của dầu trong Oligocen tại giếng BH-6, đồng nghĩa với việc thăm dò tầng Oligocen không hoàn thành, nay phát sinh thêm một “đối tượng mới” sẽ làm chậm tiến độ tính trữ lượng và thời hạn hoàn thành “Sơ đồ khai thác thử công nghiệp mỏ Bạch Hổ”.
Cuối cùng, phương án duy nhất là xem tầng móng phong hóa và tầng Oligocen là một đối tượng khai thác và có sự liên thông giữa lớp phong hóa của móng và lớp trầm tích đáy của Oligocen.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/bai-1-menh-lenh-cua-trai-tim-512934.html