Bài 1: Nhận diện văn học sinh thái

LTS: Bảo vệ môi trường sinh thái (MTST) đang là vấn đề cấp thiết của toàn nhân loại. Các nhà văn với sự nhạy cảm tâm hồn, trách nhiệm công dân đã lên tiếng bằng những tác phẩm mang 'thương hiệu' văn học sinh thái, góp phần đánh thức lương tri, nâng cao hiểu biết về vấn đề sống còn của con người.

Nhân Ngày Môi trường thế giới (5-6) và Tháng Hành động vì môi trường năm 2020, Báo Quân đội nhân dân giới thiệu đến bạn đọc vệt bài về văn học sinh thái trên trang chuyên đề "Văn học thứ sáu".

Văn hào Liên Xô Maksim Gorky cho rằng: "Văn học là nhân học”. Văn học sinh thái xét về bản chất mở ra một lối đi khám phá các chiều kích tâm lý, tình cảm, hành vi của con người. Bởi lẽ, văn học sinh thái không thể ra đời nếu môi trường tự nhiên không bị xuống cấp do chính bàn tay con người can thiệp, tác động.

Chỉ có một trái đất

Qua hàng nghìn năm, khi suy tư mối quan hệ của con người với MTST, hầu hết các triết thuyết, tôn giáo đều cho rằng: Con người thống trị trái đất và muôn loài. Chính vì vậy, con người có quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên để xây dựng nền văn minh.

Ở các hình thái kinh tế-xã hội tiền tư bản chủ nghĩa, con người khai thác tài nguyên thiên nhiên và can thiệp vào hệ sinh thái ở mức độ không đáng kể, chưa làm mất cân bằng tự nhiên thông qua các hoạt động săn bắn, hái lượm, nông nghiệp. Vấn đề MTST chỉ được đặt ra từ khi chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ gắn với các cuộc cách mạng công nghiệp. Công nghiệp hóa phát triển kéo theo tiêu thụ năng lượng từ than, dầu mỏ, khí đốt ảnh hưởng đến địa tầng, chất lượng bầu không khí giảm sút... Quá trình đô thị hóa như vũ bão cùng với sự gia tăng dân số nhanh chóng tạo áp lực khủng khiếp lên MTST. Trong quá khứ, chính con người đã gây ra những thảm họa MTST như sự cố nhà máy hạt nhân, vỡ đập thủy điện, cháy rừng, nổ giàn khoan làm dầu loang… Chuyện thời sự hiện nay là đại dịch Covid-19 có một phần lỗi của con người đã xâm chiếm môi trường thiên nhiên và tiêu thụ động vật hoang dã một cách vô tội vạ.

Từ hiện thực không mấy tốt đẹp kể trên, vào thập niên 1970, sinh thái học (ecology) ra đời với tư cách một ngành khoa học độc lập. Cần phải nói thêm, thuật ngữ sinh thái học được nhắc đến lần đầu trong tác phẩm “Hình thái học sinh vật đại cương” (năm 1866) của bác sĩ, nhà sinh vật học người Đức Ernst Haeckel (1834-1919). Lúc đó, sinh thái học chỉ là một bộ môn của sinh học, nghiên cứu mối quan hệ giữa các quần thể sinh vật và môi trường sống. Về sau, khi hệ sinh thái bị mất cân bằng, sinh thái học nghiên cứu thêm mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, tìm ra các phương cách con người sống hài hòa với thiên nhiên... Chính vì vậy, sinh thái học vừa là khoa học tự nhiên, vừa là khoa học xã hội.

Sự ra đời ngành sinh thái học là kết quả quá trình “phản tư” (nhận thức lại) lâu dài của con người về vị trí của chính mình trong tự nhiên. Ngay khi các cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra, một số nhà tư tưởng đã cho rằng khai thác tài nguyên thiên nhiên theo kiểu tận diệt thì không bền vững; con người cần gần gũi, sống hài hòa với tự nhiên để tìm kiếm sự bình an trong đời sống. Vị trí chúa tể muôn loài của con người không ai phủ nhận, nhưng con người cũng là thành viên trong quần thể sinh thái, không thể đứng độc lập. Triết học sinh thái (ecological philosophy) ra đời năm 1974 quan niệm bảo vệ MTST, tôn trọng sinh mệnh mọi loài sinh vật được nâng lên thành giá trị đạo đức và văn hóa.

Vấn đề bảo vệ MTST từ nửa thế kỷ qua đã đạt được nhiều tiến bộ. Hội nghị của Liên hợp quốc về môi trường và con người khai mạc ngày 5-6-1972 (được lấy làm Ngày Môi trường thế giới) tại Stockholm (Thụy Điển) có ý nghĩa lịch sử to lớn. Hội nghị đã thừa nhận sự xuống cấp của MTST toàn cầu và nhận thấy cần phải có ngay biện pháp bảo vệ và cải thiện vì đó là “một vấn đề lớn có ảnh hưởng tới phúc lợi của mọi dân tộc và phát triển kinh tế toàn thế giới”. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Stockholm đề ra các nguyên tắc quan trọng, đặt cơ sở cho chính sách toàn cầu về bảo vệ và cải thiện môi trường sống của con người, gắn với trách nhiệm của mọi chính phủ. Nhiều hội nghị quốc tế từ đó đến nay đã đưa ra các cam kết cắt giảm khí thải nhà kính, giảm tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ nguồn nước... Ý thức sinh thái của nhân loại được nâng cao với các sáng kiến tổ chức hoạt động toàn cầu như “Giờ Trái Đất”. Trong đời sống chính trị đương đại, vấn đề MTST được đặt ra trong chương trình hành động tranh cử của các đảng phái, các “đảng xanh” có tiếng nói trọng lượng, ngày càng nhiều cử tri ủng hộ. Đáng mừng hơn, luật về MTST được quốc hội, nghị viện nhiều nước thông qua, trong đó yêu cầu phát triển kinh tế phải đánh giá tác động đến MTST, hình thành phương châm phát triển bền vững. Ý thức sinh thái ngày nay lan tỏa rộng khắp, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động của con người, như: Ô tô phải đáp ứng về tiêu chuẩn khí thải mới được lăn bánh, đánh bắt hải sản được quy định thời gian, số lượng, chủng loại nghiêm ngặt.

Hiện nay, con người chỉ có một nơi trú ẩn duy nhất là trái đất. Bảo vệ MTST chính là con người đang tự cứu mình, giữ “ngôi nhà” dung thân bền vững. Đó là lý do vì sao nhà triết học nổi tiếng người Pháp Edgar Morin gọi trái đất là "Tổ quốc của tất cả chúng ta".

Tiên phong dấn thân

Văn học sinh thái mới mẻ đến nỗi gần đây giới nghiên cứu văn học mới có tiếng nói thống nhất về khái niệm, đặc trưng của dòng văn học này. Không ít người vẫn quan niệm “văn học môi trường” (environmental literature) và “văn học sinh thái” (ecoliterature) không có sự khác biệt. Song đa phần cho rằng chữ “môi trường” có thể hiểu theo nghĩa rộng không chỉ là môi trường tự nhiên mà còn có thể là môi trường chính trị-xã hội, môi trường văn hóa, môi trường tôn giáo… Chính vì muốn nhấn mạnh đến vấn đề môi trường tự nhiên, nhất là suy tư về vị trí con người là một phần của hệ sinh thái, cũng như cách thức con người ứng xử với tự nhiên ra sao nên khái niệm “văn học sinh thái” được sử dụng nhiều hơn hẳn.

Là một hình thái ý thức xã hội, văn học có cội nguồn là đời sống, là sự phản ánh của đời sống. Sự ra đời của văn học sinh thái là tất yếu bởi hai yếu tố chính tác động lên nhà văn: Hiện thực về sự xuống cấp của hệ sinh thái làm bùng lên cảm xúc nội tâm; ý thức sinh thái tác động đến phương diện nhận thức.

Nhà văn là chủ thể sáng tạo luôn nhạy cảm với sự thay đổi môi trường xung quanh. Xa xưa, khi chưa có các luận chứng khoa học, các tác giả văn học viết và “tác giả tập thể” của văn học dân gian luôn thể hiện hai thái độ: Mê đắm vẻ đẹp đầy sức sống và run sợ trước sức mạnh của tự nhiên. Điều này dẫn đến thơ văn cổ trung đại cho ra đời rất nhiều tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, xem thiên nhiên là “bà mẹ” vĩ đại luôn tương cảm với con người. Mặt khác, các hiện tượng tự nhiên như: Lũ lụt, núi lửa, động đất, hạn hán… tạo ra cảm giác kinh hoàng, hằn lên ký ức tập thể của nhiều cộng đồng thông qua chuyện kể truyền khẩu.

Văn học cổ trung đại dẫu có những đỉnh cao vượt thời gian vẫn chưa được xem là văn chương sinh thái đích thực bởi lối viết tự nhiên, thiếu ý thức sinh thái. Mỗi lần đọc kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du (1765-1820), người đọc ấn tượng với thiên nhiên tuyệt mỹ qua tài nghệ phi phàm của đại thi hào, đến mức thuộc lòng nhiều đoạn thơ như đêm trăng mùa thu Kiều tiễn biệt Thúc Sinh. Giới phê bình văn học ngày nay thống nhất một số đặc trưng để nhận diện văn học sinh thái, trong đó không lấy tiêu chí miêu tả thiên nhiên để nhận diện mà quan trọng là nhà văn phải thể hiện ý thức tôn trọng, gìn giữ MTST, suy tư sâu sắc mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, phê phán các hành động can thiệp vào tự nhiên. Cần hết sức lưu ý phương diện này, nếu không bất cứ tác phẩm nào đề cập đến thiên nhiên cũng dán mác “văn học sinh thái”.

Trở lại với ví dụ “Truyện Kiều”, thiên nhiên trong kiệt tác này dẫu được miêu tả đẹp đẽ đến nhường nào thì cũng chỉ là công cụ biểu đạt tình cảm của thi nhân: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Đại thi hào Nguyễn Du là nhà nhân đạo vĩ đại, bậc thầy tự sự và phân tích tâm lý nhân vật nhưng không phải là nhà văn sinh thái. Đơn giản, ở thời điểm đó, nước ta thuần nông nghiệp, chưa xảy ra các thảm họa sinh thái nên Nguyễn Du không có ý thức về vấn đề sinh thái.

Các nước đi đầu trong cách mạng công nghiệp mới xem là nơi phát tích ý thức sinh thái, đặc biệt xuất hiện ở những cá nhân vừa là nhà tư tưởng, vừa là nhà văn, như: Jean-Jacques Rousseau (Pháp, 1712-1778), David Henry Thoreau (Mỹ, 1817-1862)… Thông qua những câu chuyện hấp dẫn, các văn sĩ, triết gia này thể hiện thái độ hoài nghi rằng liệu sự phát triển khoa học kỹ thuật, giàu có về vật chất có làm con người sống nhân văn hơn? Ý hướng tư tưởng của họ là con người không thể để mất đi “bản chất tự nhiên”, trong đó có việc sống hài hòa, tôn trọng thiên nhiên. Đặt trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản phát triển thần tốc, những tư tưởng này đương thời bị đánh giá là lạc lõng, thậm chí là không tưởng. Qua thời gian nhìn lại, đó là những dự cảm, dự đoán thiên tài ảnh hưởng tới văn chương sinh thái ngày nay.

Từ nửa sau thế kỷ 20, văn học sinh thái mới thực sự phát triển, tạo thành xu hướng đáng chú ý. Dưới sự tác động của trào lưu tư tưởng tiến bộ, như: Triết học sinh thái, thuyết giải phóng động vật, luân lý học tôn trọng sinh mệnh, luân lý học trái đất, thần học sinh thái… nhà văn bằng “cái nhìn xanh” đã chủ đích đưa vấn đề sinh thái hình thành dòng văn học “viết xanh”, “nghiên cứu xanh”. Các tác phẩm dù cốt truyện, lối viết đa dạng biến hóa nhưng tựu trung đều thừa nhận tầm quan trọng của sinh thái đối với sự tồn vong của con người. Văn học sinh thái đặt ra câu hỏi bản thể về vị trí của con người trong hệ sinh thái và con người sẽ ứng xử với chính nguồn sống ra sao. Giống như chiến tranh, thảm họa sinh thái là một tình huống đặc biệt, khác thường, đó là bối cảnh “xương sống” để các nhà văn đắp truyện kể lên trên. Mục đích của các nhà văn là sẽ “mổ xẻ” nhân tính thông qua cách con người đối xử với nhau và với MTST như thế nào ở thời điểm một mất một còn.

Bên cạnh dựa vào thảm họa sinh thái có thật, không ít tác phẩm văn học đã hư cấu bối cảnh thảm họa sinh thái, trong đó dự báo dịch bệnh có nguồn gốc tự nhiên khiến con người khốn đốn, khá giống với tình cảnh thế giới đối mặt với đại dịch Covid-19 hiện nay. Chính sự tiên phong dấn thân của các nhà văn ngay từ buổi ban đầu đã tạo ra uy tín cho văn học sinh thái khi đã “mổ xẻ” vấn đề sinh thái và nhân tính một cách sâu sắc. Qua đó, góp phần lan tỏa ý thức sinh thái, làm thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng trong vấn đề cấp thiết với con người đương đại.

(còn nữa)

TRẦN HOÀNG HOÀNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/bai-1-nhan-dien-van-hoc-sinh-thai-620078