Bài 1: Thông điệp mạnh mẽ của Đảng

Ranh giới không thể bước qua

Lời Tòa soạn: Thời gian qua, bên cạnh sự ủng hộ, nhất trí, đồng lòng của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân, trong dư luận đã nảy sinh một số ý kiến “lạc dòng” nhằm ngăn trở công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta. Vậy nên, việc lan tỏa thông điệp mạnh mẽ của Đảng; nhận diện và phản bác các luận điệu thù địch; nhìn thẳng vào những vấn đề cần kíp đang đặt ra, bật chuông cảnh báo toàn hệ thống để phòng, chống “từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc” là rất cần thiết.

Bài 1:

Thông điệp mạnh mẽ của Đảng

Nan lồng thể chế đã được đan chặt, vạch đỏ kỷ luật Đảng đã được kẻ ra tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên “thoát vai”, không còn giữ bản chất trong sạch, liêm khiết của người cộng sản, sa vào “vũng bùn” tham nhũng, tiêu cực. Quyết tâm và những chuyển biến rõ rệt của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua một lần nữa khẳng định mạnh mẽ rằng, không ai có thể bẻ cong lồng thể chế, chạm vạch đỏ kỷ luật Đảng.

Không ai có thể chạm “vạch đỏ” kỷ luật Đảng, bẻ cong “nan lồng” thể chế

“Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các cấp đã thi hành kỷ luật 141 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 31 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương…”. Đây là số liệu được Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông cung cấp tại cuộc họp báo chiều 14.8.2024 thông tin về kết quả phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đây là những con số “biết nói” khẳng định phương châm “không dừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quan điểm này tiếp tục được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định tại họp báo quốc tế ngày 3.8.2024 sau khi được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là thời gian tới công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được tiếp tục triển khai mạnh mẽ với các mục tiêu, quan điểm, phương châm, nhiệm vụ, giải pháp như trong thời gian qua. Trong đó, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm “không dừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo. Ảnh: Trí Dũng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo. Ảnh: Trí Dũng

Chìa khóa để giữ gìn Đảng trong sạch, vững mạnh là phải thiết lập nên “lồng” thể chế đủ mạnh mẽ để “nhốt” quyền lực. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục ban hành nhiều văn bản, như: “Quy định số 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên trong giai đoạn mới”[1]… Với những văn bản này, Đảng và Nhà nước ta đã tiếp tục hoàn thiện hệ thống “vạch đỏ” kỷ luật, “đan nan lồng thể chế”, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm một bộ phận cán bộ, đảng viên sa ngã bởi những “viên đạn bọc đường”.

Rõ ràng, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang diễn ra ngày càng sâu rộng ở nhiều cấp độ khác nhau và ngày càng siết chặt kỷ luật Đảng, hình thành cơ chế, ý thức “không dám tham nhũng”, “không thể tham nhũng”, “không muốn tham nhũng”.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý nếu không đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết, không hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, để xảy ra bất kỳ vi phạm nào về trách nhiệm nêu gương, vi phạm những điều đảng viên không được làm đồng nghĩa với việc cố tình chạm “vạch đỏ” kỷ luật Đảng.

Nhận diện rõ những luận điểm sai lầm, cáo buộc phi lý

Bên cạnh sự cổ vũ, nhất tâm ủng hộ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực tế cho thấy, vẫn còn một số ý kiến trái chiều, tỏ ra nghi hoặc về cuộc chiến chống “giặc nội xâm” của Đảng và Nhà nước ta. Nguy hiểm hơn, một số phần tử cơ hội, phản động đã đưa ra cáo buộc phi lý, cố tình điều hướng dư luận.

Việc mạnh tay xử lý nghiêm minh, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước với những cán bộ bị thao túng bởi “đồng hào có ma” thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta trong trận chiến “sinh tử” này.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Đảng ta ban hành nhiều văn bản cốt để “tạo lá chắn”, giúp cán bộ cấp cao “hạ cánh an toàn”, giúp Đảng giữ hình ảnh trong mắt công chúng, giúp các đảng viên cao cấp mắc sai phạm thoát khỏi truy tố hình sự”. Cá biệt có quan điểm cho rằng: “chống tham nhũng đã tạo nên cơn địa chấn chính trị, đưa Việt Nam bước vào trạng thái không bình thường mới ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, gây tác động xấu đến dư luận”; và đã đến lúc “hãm phanh”, “giảm tốc” trong chống tham nhũng (?).

Nghiêm trọng hơn, một số phần tử cơ hội, thù địch còn đơm đặt: “Chống tham nhũng là công cụ để thanh trừng, đấu đá nội bộ, hạ bệ những kẻ ngáng đường trước thềm Đại hội XIV của Đảng” (?)…

Vậy đâu là sự thật?

Ban hành “lá chắn” giúp cán bộ cấp cao “hạ cánh an toàn” (?): “Hạ cánh an toàn” là cách ví von về việc cán bộ lãnh đạo, quản lý về hưu theo chế độ, rũ bỏ trách nhiệm đối với những sai phạm khi còn đương chức… Tuy nhiên, thực tế, “cánh cửa” dẫn vào đường băng “hạ cánh” nhằm “tránh án, né kỷ luật” đã được “khép chặt” với quy định tại Điều 3, Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3.11.2021 của Bộ Chính trị, đó là “không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm”.

Do đó, cần phân định rõ giữa trường hợp cán bộ chủ chốt các cấp có vi phạm về “những điều đảng viên không được làm”, “trách nhiệm nêu gương” hoặc chịu trách nhiệm với cương vị thủ trưởng khi để cán bộ thuộc quyền vi phạm pháp luật với hành vi tham nhũng, nhận hối lộ. Tuyệt đối không được mơ hồ, đánh đồng giữa vi phạm kỷ luật Đảng với hành vi vi phạm pháp luật của Nhà nước.

Như vậy, việc ban hành hàng loạt văn bản, điển hình như Quy định số 41-QĐ/TW một lần nữa thể hiện quyết tâm chính trị cao độ trong việc siết chặt kỷ luật Đảng, kỷ cương hành chính.

Còn với luận điệu, “chống tham nhũng lấy ai để làm việc (?)”, thì dân gian đã có câu: “Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”. Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của hơn 100 triệu dân, trong đó hơn 5,4 triệu đảng viên làm nòng cốt. Trong vòng 10 năm, “Đảng ta đã tiến hành kỷ luật hơn 8.760 đảng viên do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng”[2].

Con số này thoạt nghe có thể gây giật mình, nhưng cần khẳng định rằng đây là thiểu số, chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Còn đại bộ phận cán bộ, đảng viên đều đang rất nhiệt tâm vì sự nghiệp của Đảng, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Tỷ lệ đó cũng đập tan luận điệu xuyên tạc, “vơ đũa cả nắm” của các thế lực thù địch. Chúng ta “trọng tài”, nhưng song hành với “trọng đức”.

Với luận điệu “Chống tham nhũng làm nhụt chí, chùn bước những người dám nghĩ, dám làm…”, thực tế cho thấy, việc tập trung chống tham nhũng, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, liêm chính, công bằng, văn minh sẽ truyền cảm hứng để những cán bộ giỏi, có năng lực nỗ lực cống hiến nhiều hơn nữa. Chỉ khi đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới có được khối óc của cán bộ, đảng viên và có được trái tim đồng thuận của Nhân dân.

Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, như phát biểu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 ngày 30.6.2022, đó là “chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm" và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm”. Và đối với những phần tử này, theo V. I. Lenin cần phải “đuổi cổ ra khỏi Đảng những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hóa, không trung thực, nhu nhược”[3].

Với luận điệu “đã đến lúc hãm phanh, giảm tốc trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”: thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy, tham nhũng vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”, đang “diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong dư luận xã hội”. Do đó, không thể có câu chuyện “hãm phanh”, hay “giảm tốc” trong công cuộc này. Bởi lẽ, chống tham nhũng giống như “chèo thuyền ngược dòng”, “không tiến ắt sẽ lùi”. Nếu lơ là sẽ tạo điều kiện cho tham nhũng trỗi dậy, phủi sạch mọi nỗ lực trước đó. Vậy nên, việc đòi “rút củi” để giảm nhiệt trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là đi ngược lại với quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta cũng như nguyện vọng của Nhân dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên chân chính.

Với luận điệu, “nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, những người dám nghĩ, dám làm, làm chậm sự phát triển đất nước (?): thực tế thời gian qua cho thấy, chính tham nhũng, tiêu cực đã làm xói mòn trật tự kinh tế, làm tăng chi phí, tăng gánh nặng cho doanh nghiệp. Và nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của Nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh".

Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang góp phần đưa nền kinh tế vào quỹ đạo phát triển lành mạnh, loại bỏ những chi phí “bôi trơn”, xóa bỏ tình trạng “móc ngoặc”, “lợi ích nhóm”… Đây chính là tiền đề quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, là nguồn năng lượng tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế. Nói cách khác, việc loại bỏ kịp thời “virus” tham nhũng, tiêu cực đã và đang tạo môi trường trong sạch, công bằng, chuẩn mực để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

Mặt khác, thực tế cho thấy, những kết quả cụ thể trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam đã và đang nhận được sự hoan nghênh, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Như nhận định của Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Anh Kenneth Atkinson, đó là: “Những hành động mạnh mẽ này của Việt Nam rất đáng hoan nghênh. Đây là một động thái tích cực và hy vọng rằng sẽ được duy trì. Điều này cũng giúp tăng hiệu quả trong hoạt động và quản lý doanh nghiệp của chúng tôi”[4].

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh quan điểm, chủ trương nhất quán trọng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Phiên thứ 26 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó là “phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội”.

Vậy nên, những luận điệu, cáo buộc không có căn cứ, như “chống tham nhũng cản trở phát triển kinh tế” là vô cùng nguy hiểm, là mưu đồ thâm độc của những phần tử cơ hội với động cơ xấu nhằm phá hoại công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta.

Tương tự, với luận điệu “chống tham nhũng là đấu đá, thanh trừng nội bộ trước thềm Đại hội XIV… (?), thực tế, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đề cao văn hóa liêm chính là nội dung quan trọng mang tính chất “bản lề” đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức cương quyết khi bác đơn xin miễn tử, y án tử hình đối với ông Trần Dụ Châu, nhằm ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh tham nhũng. Nói cách khác, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, không phải đến nay mới làm hoặc đẩy mạnh, tất cả vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng và tinh thần thượng tôn pháp luật.

Nhìn thẳng vào sự thật, “hầu hết các đối tượng bị xử lý đều đã nhận thức rõ sai phạm của mình và tâm phục, khẩu phục, tỏ rõ sự ăn năn, hối cải, xin lỗi Đảng, Nhà nước và Nhân dân” nên không có chuyện những người bị xử lý là “nạn nhân” của cuộc “tranh giành quyền lực”, “đấu đá nội bộ”.

[1]. Tổng cục Thống kê (2024), “Văn bản của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

[2]. Hoàng Đăng Quang: Kết quả nổi bật trong củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên, Tạp chí Xây dựng Đảng số ra ngày 11.2.2024.

[3]. V.I.Lênin (1978), Toàn tập, tập 44, Nxb Tiến bộ, Moscow, tr.154.

[4]. Đài Truyền hình Việt Nam VTV online (2022), Quốc tế đánh giá cao nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.

ThS. Trương Thị Điệp, Phó Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị TP. Đà Nẵng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-1-thong-diep-manh-me-cua-dang-post393384.html