Bài 1: Xác định cụ thể 'trường hợp cần thiết'

Luật Đầu tư công quy định 'Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân quyết định việc giao cho Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án…'. Do vậy, để bảo đảm quy định và nâng cao chất lượng quyết định chủ trương đầu tư, khi thực hiện cần đề nghị làm rõ xác định cụ thể trường hợp nào là 'trường hợp cần thiết', đồng thời, việc 'giao' ở đây được hiểu là phân quyền cho chính quyền địa phương. Quá trình thực hiện, lưu ý thêm các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công liên quan đến chủ trương đầu tư…

Vẫn còn thực hiện khác nhau

Đầu tư công là lĩnh vực luôn được quan tâm, có vị trí, vai trò chủ đạo góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Khoản 7, Điều 4 Luật Đầu tư công: chủ trương đầu tư là quyết định của cấp có thẩm quyền về những nội dung chủ yếu của chương trình, dự án đầu tư, làm căn cứ để lập, trình và phê duyệt quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư, quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư công. Trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp và căn cứ khoản 6, khoản 7, Điều 17 của Luật Đầu tư công.

 HĐND tỉnh Gia Lai quyết định chủ trương đầu tư dự án Đường liên huyện Chư Sê - Chư Pưh - Chư Prông. Ảnh: T. Kiên

HĐND tỉnh Gia Lai quyết định chủ trương đầu tư dự án Đường liên huyện Chư Sê - Chư Pưh - Chư Prông. Ảnh: T. Kiên

Theo đó, HĐND các cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương (trừ dự án nhóm A thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND cấp tỉnh). Tuy nhiên, quá trình thực hiện, một số địa phương còn thực hiện khác nhau chưa đúng theo các quy định như: trình tự, thủ tục UBND cấp huyện trình HĐND cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư chưa bảo đảm; nghị quyết của HĐND cấp huyện về chủ trương đầu tư chương trình, dự án chưa đầy đủ về hồ sơ, nội dung, chưa đúng theo mẫu nghị quyết về chủ trương đầu tư… Trong nội dung của một số nghị quyết chủ trương đầu tư dự án sử dụng các cụm từ: “sửa chữa”, “duy tu”, “bảo dưỡng”, hoặc tách riêng kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập để bố trí vốn là chưa phù hợp với quy định hiện hành.

Lưu ý các hành vi bị nghiêm cấm

Từ thực tế trên, để bảo đảm thực hiện đúng quy định, hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư phải đầy đủ theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6.4.2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công do địa phương quản lý tuân thủ theo quy định tại Điều 27 của Luật Đầu tư công. Cùng với đó, cần xem xét cụ thể các điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án được quy định tại Điều 18 Luật Đầu tư công, như sự phù hợp với kế hoạch, quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; nguồn vốn, khả năng cân đối vốn của dự án…

Luật Đầu tư công năm 2019 (thay thế Luật Đầu tư công năm 2014)và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, thống nhất trong quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Qua đó, khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, chậm tiến độ, nợ đọng kéo dài; đồng thời, tạo ra hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý toàn bộ quá trình đầu tư công. Ngay từ đầu giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnhGia Lai và các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnhđã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, hướng dẫn. UBND cấp huyện căn cứ nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn của HĐND tỉnh, trình HĐND cấp huyện quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của địa phương bảo đảm theo quy định.

Cơ quan ra nghị quyết (quyết định) bảo đảm các nội dung theo mẫu số 9 tại phụ lục II kèm theo của Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6.4.2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công (lưu ý hạn chế dùng các từ “thông qua”, “thống nhất” tại trích yếu của nghị quyết).

Về cơ quan lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư: Chủ tịch UBND cấp huyện giao cơ quan chuyên môn hoặc UBND cấp dưới trực tiếp lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án; nên thành lập Hội đồng thẩm định (theo thẩm quyền thành lập là của Chủ tịch UBND, không phải là thẩm quyền của UBND) để thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án.

Luật quy định “Trong trường hợp cần thiết, Hội đng nhân dân quyết định việc giao cho Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án…”. Do vậy, khi thực hiện cần đề nghị làm rõ xác định cụ thể trường hợp nào là “trường hợp cần thiết”, đồng thời, việc “giao” ở đây được hiểu là phân quyền cho chính quyền địa phương. Trong nội dung của nghị quyết (quyết định) chủ trương đầu tư dự án hạn chế sử dụng các cụm từ: “sửa chữa”, “duy tu”, “bảo dưỡng” (để theo tính chất phân loại dự án đầu tư công); đối với chương trình, dự án nhóm B, nhóm C, không được tách riêng kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập để bố trí vốn (hiện nay chưa có quy định về nội dung này).

Ngoài ra, quá trình thực hiện cần lưu ý thêm các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công liên quan đến chủ trương đầu tư: Quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Quyết định đầu tư chương trình, dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đúng với các nội dung về mục tiêu, phạm vi, quy mô, vượt tổng vốn đầu tư của chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Nguyễn Trung Kiên - Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Gia Lai

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-1-xac-dinh-cu-the-truong-hop-can-thiet-post390593.html