Bài 2: Cách làm hay từ những điển hình khối bộ, ngành

Kết thúc quý III/2024, một số bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất cao, hơn mức bình quân chung của cả nước. Rõ ràng trong lúc nhiều bộ, ngành còn đang loay hoay tìm cách 'tiêu tiền' thì việc đạt tỷ lệ giải ngân cao đã cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm cũng như các giải pháp được thực hiện hiệu quả tại những bộ, ngành này.

Nguồn: Bộ NN&PTNT và Bộ GTVT. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Bộ NN&PTNT và Bộ GTVT. Đồ họa: Phương Anh

Vươn lên dẫn đầu các bộ, ngành về tỷ lệ giải ngân

Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được Chính phủ giao 9.229 tỷ đồng vốn đầu tư công (ĐTC). Tính đến hết tháng 9/2024, Bộ NN&PTNT đã giải ngân được 5.676 tỷ đồng, đạt 66% kế hoạch vốn giao. Với tỷ lệ này, hiện Bộ NN&PTNT đang dẫn đầu các bộ, ngành về tỷ lệ giải ngân cao.

Đáng chú ý, trong hơn 200 dự án ĐTC được Bộ NN&PTNT thực hiện trong năm nay, nhiều dự án đạt kết quả giải ngân ấn tượng như: Dự án thành phần số 2 công trình kiểm soát nguồn nước bờ hữu sông Vàm Cỏ Tây (đạt 100%); dự án xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực An Lạc, TP. Hồng Ngự và khu vực Tịnh Thới, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (100%); dự án kênh Hồng Ngự (trên 130%)… Đặc biệt, dự án Cống âu Nguyễn Tấn Thành vượt tiến độ 2 tháng, kịp thời phục vụ ngăn mặn từ tháng 2/2024, giúp tỉnh Tiền Giang tiết kiệm hàng chục tỷ đồng.

Đặc thù các dự án của ngành Nông nghiệp hầu hết là các công trình thủy lợi, việc thi công phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, mùa vụ. Hơn nữa, cơn bão Yagi đổ bộ vào nước ta đầu tháng 9 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh đồng bằng, miền núi phía Bắc và ngành Nông nghiệp đã chịu tổn thất lớn. Thế nhưng, với tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC 9 tháng đạt 66% đã cho thấy sự bứt phá, vươn lên của ngành khi tập trung vào các dự án trọng điểm để sớm hoàn thành, phục vụ hoạt động sản xuất.

Để có được kết quả này, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục quản lý công trình xây dựng, Bộ NN&PTNN cho biết, ngay từ đầu năm, đơn vị đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân. “Một trong những biện pháp quan trọng được Bộ NN&PTNT thực hiện hiệu quả là yêu cầu các chủ đầu tư lập phương án chi tiết và cụ thể cho từng dự án theo từng tháng, từng quý với mục tiêu giải ngân tối đa vốn kế hoạch năm 2024; tập trung trả nợ khối lượng, thu hồi tối đa số vốn đã tạm ứng hợp đồng từ năm 2023 trở về trước” - ông Nam nhấn mạnh.

Đồng thời, lãnh đạo Bộ NN&PTNN đã thường xuyên theo dõi tình hình để có chỉ đạo kịp thời cũng như tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho từng dự án; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để phân bổ vốn một cách hợp lý, hiệu quả; theo dõi sát sao tiến độ từng dự án để kịp thời điều chỉnh và xử lý những vướng mắc phát sinh, đảm bảo quá trình giải ngân diễn ra thuận lợi.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng hoàn thành, không để dồn thanh toán vào cuối tháng, cuối quý; phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình kiểm soát chi.

Một trong những giải pháp hiệu quả nữa được ông Nam nhắc tới chính là việc Bộ NN&PTNT đã tập trung tối đa nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng nhằm sớm khởi công dự án đã phê duyệt. “Trong quá trình triển khai các dự án, đơn vị tổ chức kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý chất lượng ngay từ đầu, nhất là khâu chuẩn bị kỹ thuật dự án, lường trước các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đảm bảo hạn chế tối đa phát sinh ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án” - ông Nam cho biết.

Đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án giao thông

Năm 2023, cả nước có 11 công trình giao thông trọng điểm được khánh thành, đưa vào sử dụng đã tạo nên những “huyết mạch” giao thương giúp cho nền kinh tế của cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng bứt phá. Và “chủ nhân” của những công trình này chính là Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Là bộ thực hiện nhiều dự án trọng điểm quốc gia nên hàng năm, Bộ GTVT đều được giao kế hoạch vốn rất lớn. Năm 2024, Bộ GTVT tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ giao 71.288 tỷ đồng vốn ĐTC và vừa rồi được giao thêm 1.240 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022. Tới đây, dự kiến Bộ GTVT sẽ được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung thêm 2.954 tỷ đồng cho các dự án nhóm B đang thiếu vốn. Như vậy, năm 2024, Bộ GTVT được giao khoảng 75.482 tỷ đồng.

Ngay từ đầu năm, Bộ GTVT đã ban hành chỉ thị yêu cầu các chủ đầu tư (CĐT), ban quản lý dự án (BQLDA), các cơ quan tham mưu có liên quan của Bộ cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, đồng lòng trong thực hiện nhiệm vụ được giao, trong đó lưu ý việc khẩn trương phân khai dự toán chi theo kế hoạch được giao cho các dự án…

Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GTVT cho biết, để giải ngân hết được nguồn vốn giao, Bộ GTVT thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các CĐT, BQLDA hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để đảm bảo cấp vốn kịp thời cho các dự án. Đồng thời, yêu cầu các CĐT, BQLDA căn cứ tiến độ thi công tổng thể, thi công chi tiết và thực tế điều kiện thi công để làm việc với các nhà thầu và tư vấn giám sát, từ đó lập kế hoạch giải ngân vốn từng tháng và cả năm trình Bộ GTVT chấp thuận làm cơ sở chỉ đạo thực hiện và đánh giá kết quả giải ngân cuối năm.

Các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch ĐTC của các CĐT, BQLDA để kịp thời phát hiện, xử lý các vướng mắc, chủ động đề xuất điều hòa, điều chỉnh kế hoạch giữa các dự án; kiên quyết điều chỉnh giảm kế hoạch của các dự án thực hiện chậm cho các dự án có tiến độ tốt, giải nhân nhanh. Từ đầu năm đến nay, Bộ GTVT đã điều chỉnh 4 đợt cho 35 dự án, giá trị vốn điều chỉnh gần 3.000 tỷ đồng, để bảo đảm đủ nguồn vốn cho các dự án.

Cũng theo ông Dũng, để có khối lượng giải ngân, lãnh đạo Bộ GTVT tăng cường đi kiểm tra hiện trường, trực tiếp chỉ đạo điều hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn; chỉ đạo CĐT, các nhà thầu huy động tối đa nhân lực, thiết bị, nguồn tài chính, thi công tăng ca, tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ. Kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ để có các chỉ đạo tháo gỡ, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng cho các dự án khu vực phía Nam.

Với các giải pháp đã thực hiện, đến hết tháng 9, Bộ GTVT đã giải ngân 43.188 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch, cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước (47%). Dự kiến hết năm 2024, Bộ GTVT sẽ giải ngân được khoảng 75.228 tỷ đồng, đạt 99,7% kế hoạch, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn giao.

Ông Dũng cho biết thêm, 9 tháng qua, quán triệt tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã khởi công 8 dự án đường bộ, 1 dự án cải tạo đường sắt và đã hoàn thành, đưa vào khai thác 6 dự án đường bộ (Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - Bãi Vọt; Hạng mục "Xây dựng 2 đơn nguyên cầu đô thị và tổ chức giao thông nút giao Mai Dịch" Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3 TP. Hà Nội; Cải tạo, nâng cấp QL2C tỉnh Tuyên Quang; Dự án QL37 Hải Phòng giai đoạn 1; Dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên; Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa) và 1 dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa. Đặc biệt, nhiều dự án đã đăng ký rút ngắn tiến độ từ 3 - 6 tháng, giúp tiết kiệm cho ngân sách nhiều tỷ đồng...

Phổ biến, nhân rộng những cách làm hay

Trước bối cảnh cả nước còn nhiều bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân thấp, những giải pháp, kinh nghiệm về cách thức tổ chức triển khai cũng như tinh thần trách nhiệm của các đơn vị thuộc ngành Giao thông và ngành Nông nghiệp cần được lan tỏa đến nhiều bộ, ngành, dự án đang gặp vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Vân Hà - Trung Ninh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bai-2-cach-lam-hay-tu-nhung-dien-hinh-khoi-bo-nganh-162436.html