Bài 2: Chậm 'chuyển mình'

Việc thu hút đầu tư với tầm nhìn ngắn hạn, chủ yếu thụ hưởng chính sách ưu đãi đầu tư là chính nên chưa lôi cuốn được các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực kinh tế.

Xe chở hàng hóa đậu trên một tuyến đường ở KKTCK Mộc Bài. Ảnh minh họa

Xe chở hàng hóa đậu trên một tuyến đường ở KKTCK Mộc Bài. Ảnh minh họa

Có thể nói, buổi đầu, việc quy hoạch các khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) xuất phát từ mong muốn của cơ quan quản lý, chủ yếu tập trung xây dựng khu phi thuế quan, bán hàng miễn thuế cho khách tham quan du lịch. Việc thu hút đầu tư với tầm nhìn ngắn hạn, chủ yếu thụ hưởng chính sách ưu đãi đầu tư là chính nên chưa lôi cuốn được các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực kinh tế.

Hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu

Theo một tài liệu của cơ quan chuyên môn thì tư duy, tầm nhìn quy hoạch thời điểm nhiều năm trước đây chưa gắn kết với ý tưởng và sự quan tâm của các nhà đầu tư. Do vậy, việc triển khai quy hoạch chưa có độ tập trung. Cùng với sự thay đổi khá nhanh về một số chính sách quan trọng, dẫn đến thực trạng hoạt động của nhiều doanh nghiệp tại các KKTCK thiếu tính ổn định, lâu dài- nhất là tại KKTCK Mộc Bài.

Bên cạnh đó, quy hoạch phát triển các KKTCK trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung kết nối với Campuchia- là nước có thị trường nhỏ mà chưa có sự gắn kết với trung tâm kinh tế TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ðáng chú ý là nhu cầu vốn đầu tư theo quy hoạch rất lớn, trong khi nguồn lực đầu tư từ ngân sách có hạn. Do đó, việc triển khai đầu tư hạ tầng theo quy hoạch trong nhiều năm qua còn nhiều hạn chế, chưa thể đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ; nhiều khu chức năng chưa kết nối hạ tầng- nhất là hạ tầng giao thông, chưa đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư.

KKTCK Mộc Bài là 1 trong 8 KKTCK được xây dựng theo tiêu chí lựa chọn để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách. Tuy nhiên, nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương hỗ trợ cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trong KKTCK chưa đủ để phát triển hạ tầng thiết yếu ở đây, chưa đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của một KKTCK quan trọng.

Từ năm 2013, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ dự án phát triển đô thị tiểu vùng sông Mêkông mở rộng (GMS) cho 2 tỉnh Tây Ninh và Quảng Trị. KKTCK Mộc Bài được tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn do ADB tài trợ trên 40 triệu USD gồm các dự án: đầu tư một số tuyến đường theo quy hoạch KKTCK, nhà máy cấp nước, nhà máy xử lý nước thải, phân loại rác thải. Các dự án đã và đang được triển khai thi công với kế hoạch dự kiến ban đầu là sẽ hoàn thành trong năm 2021.

Trong khi đó, sau nhiều năm triển khai thực hiện, cho đến nay, kết cấu hạ tầng ở KKTCK Xa Mát vẫn còn đơn sơ, “nghèo nàn”, thiếu thốn. Cộng với các yếu tố hạn chế, bất lợi khác, kết cấu hạ tầng “vừa thiếu vừa yếu” là một trong những nguyên nhân chính khiến KKTCK này khó có thể “chuyển mình” trong gần 2 thập kỷ qua.

Nhà máy Xử lý nước ở Mộc Bài. Ảnh Hoàng Anh - Thế Nhân

Nhà máy Xử lý nước ở Mộc Bài. Ảnh Hoàng Anh - Thế Nhân

Nhiều “bài toán” chậm được giải

Quy định về quản lý đất đai thường xuyên thay đổi là một trong những nguyên nhân gây khó khăn khi thực hiện quy hoạch, đầu tư ở các KKTCK trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như các dự án đầu tư ở Mộc Bài được triển khai khá lâu- từ lúc Luật Ðất đai 1993 kéo dài cho đến Luật Ðất đai 2013 có hiệu lực.

Trong quá trình này, chính sách ưu đãi về đất đai và yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài chính cũng thay đổi nên việc giải quyết các quy định chuyển tiếp còn nhiều vướng mắc, có không ít trường hợp phải xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương nên mất thời gian khá lâu.

Nhìn chung, tiến độ triển khai nhiều dự án trong KKTCK Mộc Bài còn rất chậm so với yêu cầu là do một số nguyên nhân chính như: một số chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính do có giai đoạn bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Việc doanh nghiệp khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng do lãi suất ngân hàng thương mại cao đã làm cho nhiều dự án phải chùn tiến độ đầu tư hoặc chấm dứt đầu tư. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp bị thua lỗ trong hoạt động kinh doanh nên không còn đủ khả năng triển khai dự án.

Ở thời “vàng son”, tại KKTCK Mộc Bài có nhiều dự án đăng ký đầu tư với sản phẩm đầu ra tương tự nhau, trong khi khả năng hấp thụ của nền kinh tế địa phương không cao dẫn đến hiệu quả của dự án thấp. Ví dụ như tại KKTCK này, trước đây có 5 dự án xây dựng khu dân cư với tổng diện tích 113,3 ha. Ðến nay, nhiều khu nhà ở, khu dân cư được đầu tư khá nhiều tiền của đã bị bỏ hoang phế. Nhiều công trình tiền tỷ đã hư hỏng, xuống cấp nặng nề theo thời gian vì không được chăm sóc, bảo quản, gây lãng phí xã hội không nhỏ.

Những năm trước đây, tỉnh ta chú trọng công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư với kỳ vọng thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực thực hiện các dự án trong KKTCK Mộc Bài để tăng nhanh năng lực sản xuất, kinh doanh cho địa phương. Tuy nhiên, có lúc tỉnh chưa thực sự quan tâm đúng mức công tác rà soát các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật về đất đai nên việc xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế; một số dự án kéo dài nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm.

Nhằm thu hút các dự án trong KKTCK Mộc Bài, tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho một số nhà đầu tư thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận với người sử dụng đất thuộc phạm vi dự án để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, sau một thời gian tương đối dài, chủ đầu tư của các dự án không hoàn thành việc tự thỏa thuận với người sử dụng đất, không liên hệ với cấp có thẩm quyền để lập lại phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và thu hồi đất theo quy định.

Số diện tích đất đã nhận chuyển nhượng với các hộ dân thuộc dự án không liền thửa với nhau mà nằm rải rác dạng “da beo”. Sau khi tự thỏa thuận đền bù, nhà đầu tư giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân. Việc này gây khó khăn trong việc xử lý thu hồi các dự án chậm triển khai.

Tại các KKTCK, tỷ lệ lao động qua đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của kinh tế cửa khẩu, đây là một thách thức không nhỏ đối với tỉnh ta thời gian tới. Ðiều này dẫn đến tình trạng là sau nhiều năm triển khai thực hiện quy hoạch, cho đến nay, chúng ta vẫn thiếu hụt phần lớn nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng yêu cầu đi lên của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập.

Ðình Chung

(còn tiếp)

Ngày 13.8.2009, Nghị định số 69/2009/NÐ-CP của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư được ban hành và có hiệu lực. Trong đó, ngoài đền bù về đất, nhà đầu tư còn phải hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm bằng 1,5 lần giá đất do Nhà nước quy định. Nhiều nhà đầu tư không đáp ứng được phần vốn chi hỗ trợ đền bù 1,5 lần giá đất nên không tiếp tục đền bù và dừng thực hiện dự án.

Có một thực trạng khác là do trước đây chưa có quy định về ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nên có tình trạng nhà đầu tư xin nhiều dự án mà không đưa đất vào sử dụng kịp thời.

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-2-cham-chuyen-minh-a136359.html