Bài 2: Chủ động chuẩn bị từ sớm

Để lễ hội truyền thống Xuân Quý Mão 2023 diễn ra đậm bản sắc, đông vui nhưng an toàn, văn minh, chính quyền và cơ quan quản lý văn hóa các cấp đã chuẩn bị nhiều phương án tổ chức và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Bài 1: Vui xuân đúng nghĩa

Trang trọng, tiết kiệm, văn minh

Sau 2 năm hầu hết chỉ tổ chức phần lễ, năm 2023, các lễ hội trên cả nước được tổ chức trở lại với cả phần lễ và phần hội, dự báo thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham dự. Bởi vậy, công tác quản lý tổ chức lễ hội đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.

Ngày 27.1, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 03/CT-TTg đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Trong đó, về việc tổ chức lễ hội, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương tăng cường công tác quản lý lễ hội theo thẩm quyền, hướng dẫn các địa phương khẩn trương đưa ra biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội trên địa bàn, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về tổ chức và tham gia lễ hội... Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Công điện số 05/CĐ-TTg ngày 8.1.2023 về tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023.

Chuẩn bị đón mùa lễ hội trở lại, ngày 29.12.2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 5256/BVHTTDL-TV về việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch mừng Xuân Quý Mão 2023. Trong đó, yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao... các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa, phù hợp với thuần phong mỹ tục; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển... Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ hoạt động đăng ký và thông báo tổ chức lễ hội trên địa bàn. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng mọi điều kiện để lễ hội diễn ra an toàn, không để xảy ra sai sót...

Hướng tới mùa lễ hội diễn ra theo hướng vui tươi, lành mạnh, an toàn, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, ngày 30.12.2022, Cục đã có Công văn số 1240/VHCS-NSVH gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao… các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2023. Cục Văn hóa cơ sở đã tổ chức các đoàn công tác tới một số địa phương có lễ hội lớn, quán triệt nội dung tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội. Qua đó, ghi nhận nhiều địa phương đã có phương án, kế hoạch chuẩn bị cho mùa lễ hội với dự báo số lượng người tham gia rất đông...

Quang cảnh Lễ khai hội Yên Tử ngày 31.1
Nguồn:nld.com.vn

Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát

Với hơn 1.200 lễ hội lớn nhỏ, Hà Nội là địa phương có nhiều lễ hội nhất cả nước, trong đó, phần lớn lễ hội diễn ra vào mùa xuân. Tăng cường công tác quản lý tổ chức lễ hội, ngày 9.1, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 14/KH-SVH&TT triển khai các hoạt động và hướng dẫn các quận, huyện, thị xã trong việc triển khai, thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2023...

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, đối với các lễ hội lớn, dài ngày, tập trung đông người, các doanh nghiệp, cá nhân tham gia dịch vụ phải ký cam kết với Ban tổ chức lễ hội, thực hiện niêm yết công khai giá bán các mặt hàng, phí phục vụ tại lễ hội. Nghiêm cấm hoạt động mê tín, dị đoan; tổ chức trò chơi có tính chất cá cược, đánh bạc dưới mọi hình thức; không lợi dụng lễ hội để trục lợi...

Công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức lễ hội cũng được chú trọng. Từ ngày 26.1 - 3.6, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội kiểm tra hoạt động của gần 30 di tích, lễ hội trên địa bàn. Việc kiểm tra đặc biệt tập trung vào các lễ hội thu hút đông khách thập phương và có nguy cơ xảy ra tiêu cực trong hoạt động tâm linh, tín ngưỡng; đồng thời đây cũng là những địa bàn thường xảy ra nạn chèo kéo, chặt chém khách khi sử dụng các dịch vụ.

Quảng Ninh có hơn 70 lễ hội lớn nhỏ diễn ra thường niên, trong đó nhiều lễ hội mùa xuân. Tại Công văn số 126/UBND-DL1 ngày 19.1, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị chỉ đạo, tập trung cao độ thực hiện công tác đón và phục vụ khách du lịch, tham quan, lễ hội bảo đảm an toàn, vui tươi, hiệu quả; có giải pháp tổ chức các điểm bán vé, phân luồng đi lại phù hợp, tránh ùn tắc. Phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống cháy, nổ; giữ gìn và bảo vệ các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và khu vực tổ chức lễ hội...

Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội cũng là chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định tại Công văn số 12/UBND-VP2 ban hành ngày 27.1. Theo đó, yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, ý nghĩa tốt đẹp của các lễ hội, việc chấp hành và thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội, bảo đảm vệ sinh môi trường trong mùa lễ hội... Với lễ hội đền Trần (diễn ra từ ngày 1 - 6.2, tức 11 - 16 tháng Giêng, nghi thức khai ấn diễn ra từ 23 giờ 15 ngày 14 tháng Giêng), dự kiến thu hút lượng khách đông hơn nhiều so với mọi năm, UBND TP. Nam Định khuyến cáo Nhân dân, du khách thập phương khi tham dự cần thực hiện đúng quy định của Ban tổ chức. Lực lượng an ninh trật tự, công an đã tập dượt, triển khai các phương án bảo đảm an ninh lễ hội...

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành, nhiều kịch bản, phương án tổ chức đã được xây dựng, mùa lễ hội năm 2023 được kỳ vọng diễn ra văn minh, an toàn.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/bai-2-chu-dong-chuan-bi-tu-som-i315053/