Bài 2: Chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn

Với cách tiếp cận mang 'màu sắc riêng', thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương là sự năng động, sáng tạo, kết nối và đổi mới không ngừng. Xây dựng TPTM của tỉnh nhằm hướng đến một nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN), cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

Nhân lực - vấn đề then chốt

Ông Phan Thanh Nam, Trưởng phòng Bưu chính viễn thông kiêm Giám đốc Trung tâm Thông tin điện tử tỉnh Bình Dương trao đổi với chúng tôi: “Các mục tiêu và định hướng chung của đề án TPTM Bình Dương gồm 46 hành động cụ thể thuộc 14 chương trình, chia thành 4 lĩnh vực chính: Con người, công nghệ, DN và các yếu tố nền tảng. Đề án TPTM Bình Dương quy tụ nhiều nguồn lực cả trong và ngoài nước, hướng đến những giá trị mới của nền kinh tế khu vực và toàn cầu, trong đó, con người là trọng tâm”.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xác định là “xương sống” tác động mạnh mẽ để tạo bước đột phá trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... Việc hiện thực hóa mô hình “ba nhà” tạo tiền đề tốt cho tỉnh phát triển nguồn nhân lực. Trong bước đột phá này, nhân lực chính là lực lượng lao động, năng lực làm việc, khả năng hợp tác, trình độ giáo dục, kỹ năng và sự phù hợp giữa công việc với con người. Mục tiêu dài hạn của tỉnh là phấn đấu trở thành địa phương có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, đào tạo, phát triển và giữ chân nhân tài để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng kinh tế. Việc nâng cao chất lượng, tạo bước phát triển mới cho nguồn nhân lực thực hiện theo hai chiều: Cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường và thu hút nguồn nhân lực có tiềm năng. Tổng công ty Becamex IDC đã hợp tác với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Quốc tế miền Đông (EIU) trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho TPTM.

 Nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Quốc tế miền Đông.

Nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Quốc tế miền Đông.

TS Ngô Minh Đức, Phó hiệu trưởng EIU, tâm đắc: “EIU đã đào tạo nhân lực theo nhu cầu thực tiễn, đạt chuẩn quốc tế, trở thành một lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất thu hút đầu tư nước ngoài. EIU đã lập trung tâm kết nối cộng đồng, hướng dẫn sinh viên kiến thức, kỹ năng mềm, khởi nghiệp và khả năng tự hoàn thiện, tự nghiên cứu các vấn đề thực tiễn đáp ứng các yêu cầu của DN. Ngoài các DN đặt hàng tuyển dụng, còn gần 5.000 DN nằm trong hệ thống do Becamex IDC tạo lập tại các khu công nghiệp là địa điểm rất tốt để sinh viên EIU đến thực hành và làm việc trực tiếp”.

Bên cạnh đó, EIU liên kết, hợp tác mạnh mẽ với các DN, các đại học nước ngoài, như: Đại học Yamaguchi (Nhật Bản), Đại học Unimore (Italy), Đại học Quốc gia Jeju (Hàn Quốc), Đại học Portland (Hoa Kỳ)… để thu hút nhân lực chất lượng cao và công nghệ mới, góp phần cùng Becamex IDC thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của tỉnh.

Ứng dụng và phát triển công nghệ

Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã chú trọng thu hút nhiều trung tâm nghiên cứu công nghệ, triển khai ứng dụng các công nghệ mang tính khả thi cao, phù hợp thực tiễn của địa phương. Tỉnh triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu chung về dịch vụ công của tỉnh, hệ thống thông tin địa lý (GIS), hệ thống trung tâm điều hành TPTM, phát triển hệ thống chính quyền điện tử, cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của người dân và DN, tạo động lực phát triển KT-XH.

Bên cạnh đó, Bình Dương quan tâm phát triển các ngành có lợi thế so sánh, giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp chế tạo, hàm lượng kỹ thuật cao, tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy dịch vụ gắn với phát triển công nghiệp, đô thị… Tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động hệ thống phòng thí nghiệm chế tạo (Fab lab), phòng thí điểm thực tiễn (Living lab), phòng thí nghiệm chiếu sáng Philips EIU... Trong đó, phòng thí nghiệm chiếu sáng (Lighting lab) là sự hợp tác giữa Becamex IDC, EIU và Tập đoàn Philips Lighting (Hà Lan), được xem như phòng thí nghiệm tiền đề trong chuỗi kế hoạch xây dựng TPTM Bình Dương. Ngoài mục đích phục vụ công tác giảng dạy, Lighting lab còn là điểm đến cho DN có nhu cầu nghiên cứu về khoa học kỹ thuật chiếu sáng, tiến hành các nghiên cứu ứng dụng hệ thống chiếu sáng TPTM, ứng dụng IoT vào hệ thống chiếu sáng để điều khiển, giám sát và quản lý năng lượng.

Ông Đặng Tấn Đức, trợ lý Ban tổng giám đốc Tổng công ty Becamex IDC, chia sẻ: Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để triển khai xây dựng khu công nghiệp khoa học công nghệ nhằm tạo ra giá trị gia tăng mới cho Bình Dương. Khu này gắn liền với cụm đại học và đô thị đại học, tạo tiền đề quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào công nghệ cao, dịch vụ hàm lượng chất xám cao; là cơ sở quan trọng cho việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo tiền đề cho sản xuất công nghệ cao trong tương lai.

Kết nối doanh nghiệp

Phát triển mạng lưới DN, nâng tầm thu hút đầu tư của tỉnh cả về lượng và chất là một trong 4 lĩnh vực quan trọng thực hiện đề án TPTM Bình Dương. Nhiều năm qua, tỉnh liên tục trong tốp dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, Bình Dương có hơn 3.600 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 33 tỷ USD với hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư. Hiện tại, tỉnh lựa chọn thu hút vào các lĩnh vực khoa học công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, mang lại năng suất lao động và giá trị lớn hơn.

Trong xây dựng TPTM, Becamex IDC đóng vai trò “hạt nhân”, như một công cụ đặc biệt, dẫn dắt nhiều thành phần kinh tế cùng đóng góp trong xây dựng và thực hiện đề án. Becamex IDC hiện là đối tác của nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia trong nhiều lĩnh vực để trao đổi nguồn nhân lực, phát triển khu công nghiệp công nghệ khoa học và phát triển TPTM. Để có nguồn vốn, công nghệ xây dựng TPTM, Becamex IDC đẩy mạnh gia tăng dịch vụ, kết hợp với các trung tâm dịch vụ lớn nhất khu vực và trong nước, góp phần thu hút các tập đoàn lớn đến với Bình Dương, tạo nhiều chương trình kết nối chặt chẽ giữa Nhà nước, viện, trường, DN để tạo nguồn lực và thu hút nguồn đầu tư lớn.

Thạc sĩ Nguyễn Diên Hồng Hạnh, Giám đốc Vườn ươm DN Becamex cho biết: “Vườn ươm dưới sự hỗ trợ của chính quyền và DN đặt tại EIU đã đi vào hoạt động theo mô hình quốc tế. Đây là vườn ươm tiên phong tại Bình Dương, thu hút được nhiều DN công nghệ vào hoạt động. Qua đó, một số DN đã được thành lập, trong đó có cả DN của sinh viên kết hợp với giảng viên, DN của Hoa Kỳ.

Hiện, tỉnh Bình Dương đã hoàn thành xây dựng hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu DN và triển khai cổng thông tin về chuỗi cung ứng trong khu vực, là cơ sở nền tảng để giúp cho việc quản lý DN hiệu quả hơn; tương lai có thể trở thành cơ sở dữ liệu mở trong một số lĩnh vực cụ thể giúp các DN thuận tiện kết nối, nghiên cứu, phân tích đầu tư.

Bài và ảnh: HÙNG THÀNH KHOA

(còn nữa)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-2-chu-dong-sang-tao-bam-sat-thuc-tien-603477