Bài 2: Chung sức đồng lòng 'xóa mù' bơi hiệu quả

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, hiện cả nước có khoảng 2,5 triệu trẻ em lứa tuổi tiểu học và THCS thuộc các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội có nhu cầu được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Ngoài ra, vẫn còn 894 xã đặc biệt khó khăn cần hỗ trợ tạo điều kiện cho việc học bơi, học kỹ năng an toàn cho trẻ em, cũng như chống nguy cơ đuối nước ở đối tượng mầm non. Tuy khó khăn còn nhiều, song vì sự an toàn cho trẻ, các địa phương đã chủ động thực hiện nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo để góp phần “xóa mù” bơi hiệu quả.

 Bóng chuyền dưới nước là trò chơi hấp dẫn nhiều bạn học sinh.

Bóng chuyền dưới nước là trò chơi hấp dẫn nhiều bạn học sinh.

Gỡ những "nút thắt" trong phổ cập bơi

Bơi là môn học tự chọn trong chương trình giáo dục thể chất từ nhiều năm trước và được khuyến khích tổ chức dạy cho học sinh. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy bơi cho học sinh trong các nhà trường còn gặp rất nhiều khó khăn, như: Thiếu bể bơi, thiếu giáo viên hoặc thiếu kinh phí và cơ chế duy trì, vận hành... Ông Trần Văn Lam, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: “Xã hội hóa trong phổ cập bơi cần phải tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới. Một số tỉnh, thành phố đã tạo được cơ chế xã hội hóa để đầu tư bể bơi trong trường học, giúp bảo đảm điều kiện dạy bơi cho học sinh. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, dù có nguồn vốn đầu tư xây dựng bể bơi cũng khó triển khai do vướng quy định (mang tính chất dịch vụ, kinh doanh) về cơ chế, thủ tục”.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội, thành phố hiện có 220 bể bơi cố định, 168 bể bơi lắp ghép. Trong năm 2019 đã có gần 60.000 trẻ em được học bơi (cao gấp đôi so với năm 2018). Tuy nhiên, vẫn còn hàng chục nghìn trẻ em tại Hà Nội chưa có cơ hội học các kỹ năng phòng, chống đuối nước. Cũng ở địa bàn Hà Nội, do không bố trí được quỹ đất lắp đặt bể bơi cũng như kinh phí vận hành, không ít địa phương như: Quốc Oai, Mỹ Đức, Sóc Sơn... phải tận dụng ao, hồ để dạy bơi cho trẻ, dẫn tới hiệu quả thấp. Bà Trần Thị Vân Anh, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội cho biết: “Sở đã đề nghị các quận, huyện, thị xã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hoặc lắp đặt các bể bơi di động, trong đó ưu tiên các địa phương gần vùng sông nước. Dịp nghỉ hè năm 2020 (dự kiến từ ngày 15-7 đến 30-8), chúng tôi sẽ tổ chức 30 lớp dạy bơi cho khoảng 4.500 trẻ em ở các cấp tiểu học và THCS trên địa bàn Thủ đô”.

Nhằm khuyến khích phát triển phong trào học bơi, học kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước, dịp hè hằng năm, Vụ Thể dục thể thao (TDTT) quần chúng, Tổng cục TDTT hướng dẫn các địa phương tổ chức lễ phát động trẻ em học bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước trên tất cả các bể bơi hiện có; đồng thời phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm trang bị kiến thức cho các em, như: "Rung chuông vàng" thu hút gần 5 triệu trẻ em tham gia; thi tiểu phẩm, viết bài, tuyên truyền viên, sáng tác khẩu hiệu, pa nô, tranh ảnh...; tổ chức các giải bơi, hội thi bơi...

Thay đổi để thích ứng

Ngay từ đầu năm 2016, Phòng GD&ĐT TP Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) đã thí điểm một số mô hình bể bơi di động, lắp ghép thông minh và bơm hơi tại một số trường như: Trường Mầm non Mai Thế Hệ, Trường Mầm non Tân Thành... Trong khi một số trường như: Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, Trường THCS Ninh Bình-Bạc Liêu… đã chủ động thuê các bể bơi tư nhân ở khu vực lân cận, giúp học sinh có môi trường học bơi và rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn vận hành, các mô hình bể bơi nói trên bộc lộ nhiều hạn chế khi không bảo đảm an toàn cho học sinh và vệ sinh nguồn nước. Để giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, Phòng GD&ĐT TP Ninh Bình đã phối hợp với Trung tâm Thanh thiếu nhi (TTN) tỉnh Ninh Bình mở các lớp dạy bơi. Ở Trung tâm TTN tỉnh Ninh Bình có bể bơi 1-6 đạt chuẩn về độ sâu, hệ thống làm sạch nước hiện đại, hệ thống khử mùi; đặc biệt có lực lượng cứu hộ giúp bảo đảm an toàn cho học sinh khi học bơi. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Đàm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm TTN tỉnh Ninh Bình khẳng định: “Trung tâm TTN tỉnh Ninh Bình có lực lượng giáo viên dạy bơi chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, cam kết học sinh biết bơi chỉ sau 12 buổi học. Ngoài ra, học sinh còn được trang bị kỹ năng cứu người khi gặp sự cố và khả năng xử lý nhanh nhẹn trước những tình huống bất ngờ dưới nước. Trung tâm hỗ trợ hai xe khách làm phương tiện cho các trường đưa, đón học sinh đến học bơi. Sau một thời gian phối hợp, công tác dạy bơi ở bể bơi 1-6 diễn ra hiệu quả”.

 Ngày càng có nhiều phụ huynh đưa con em tới các trung tâm dạy bơi.

Ngày càng có nhiều phụ huynh đưa con em tới các trung tâm dạy bơi.

Có một thực tế là không chỉ học sinh mà ngay cả phụ huynh giờ cũng mong có bể bơi gần nhà, gần trường. Thế nên vào tháng 6 vừa qua, khi Quỹ Cộng đồng phòng tránh thiên tai phối hợp với Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng tổ chức khánh thành công trình bể bơi phòng, chống đuối nước tại Trường Tiểu học Thái Thị Bôi (quận Cẩm Lệ) thì các học sinh, phụ huynh và người dân trên địa bàn hết sức phấn khởi. Đây là mô hình bể bơi trong nhà trường thứ 59 được TP Đà Nẵng đầu tư xây dựng trong những năm qua. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng thường xuyên phối hợp với với Trung tâm GD& ĐT ngôn ngữ ký hiệu và hỗ trợ người điếc miền Trung tổ chức dạy kỹ năng bơi, phòng tránh đuối nước cho trẻ em khiếm thính. Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị-Tư tưởng, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng cho biết: “Mỗi bể bơi trong trường học đều được cấp 96 triệu đồng kinh phí hoạt động/năm. Tất cả học sinh trong các nhà trường có bể bơi đều được học miễn phí. Mỗi năm, TP Đà Nẵng có hơn 30.000 học sinh được học bơi, được dạy kỹ năng cứu đuối an toàn. Chương trình mỗi trường học một bể bơi đang được TP Đà Nẵng triển khai hiệu quả. Đáng mừng khi có khoảng 50 bể bơi tại các doanh nghiệp, khách sạn, resort cũng kết hợp tổ chức triển khai dạy bơi cho các em trên địa bàn thành phố”.

Không có được điều kiện tốt về cơ sở vật chất để dạy bơi cho con trẻ, nhiều địa phương trong cái khó đã "ló" cái khôn. Trong hai năm trở lại đây, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Văn Sơn (Đô Lương, Nghệ An) đã tổ chức hiệu quả mô hình dạy bơi miễn phí cho trẻ em trên kênh thủy lợi. Cứ khoảng 17 giờ hằng ngày, kênh dẫn nước thủy lợi xã Văn Sơn lại đông phụ huynh và trẻ em tập trung về đây để học bơi. Anh Nguyễn Đăng Khánh, Bí thư Đoàn xã Văn Sơn cho biết: “Các bậc cha mẹ, ông bà phấn khởi lắm khi thấy con cháu không chỉ biết bơi mà còn nắm chắc những kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu đuối nếu xảy ra sự cố”.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về những mô hình hiệu quả trong công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, bà Nguyễn Thị Chiên, Phó vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng cho hay: “Để công tác phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em hiệu quả hơn nữa, báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 234/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT tích cực đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tư nhân phối hợp với các trường học đầu tư cơ sở vật chất, bể bơi và tổ chức các hoạt động dạy bơi; đồng thời đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ phổ cập bơi và học kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em thuộc diện nghèo và vùng đặc biệt khó khăn”.

Bộ trưởng Bộ VH, TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: “Để giảm thiểu tình trạng trẻ em bị đuối nước, việc phổ cập bơi và trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em là giải pháp hết sức cấp thiết. Đây là trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Bộ VH, TT&DL đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm phát triển môn bơi, coi môn bơi là một phương tiện hữu hiệu để phát triển thể lực, tầm vóc và phòng, chống đuối nước trẻ em; quan tâm bố trí kinh phí triển khai chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em trong nguồn ngân sách hằng năm của địa phương; vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn, trường học. Bên cạnh đó, nên có chế độ ưu tiên, miễn, giảm tiền thuê bể bơi, tiền học phí cho trẻ em, để tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học bơi và tập luyện bơi...”.

(còn nữa)

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG - KHOA MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-2-chung-suc-dong-long-xoa-mu-boi-hieu-qua-626236