Bài 2: Để hoàn thành hỗ trợ 80.000 hộ gia đình trong năm 2019

Theo Bộ Xây dựng, sau 6 năm triển khai thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công (NCC) về nhà ở, đến nay, cả nước đã đạt 80% kế hoạch.

(Tiếp theo và hết)

Hiện toàn quốc còn gần 80.000 hộ gia đình NCC trong diện được hỗ trợ về nhà ở từ nay đến hết năm 2019 theo Nghị quyết số 46/NQ-CP của Chính phủ. Để thực hiện được mục tiêu này, các bộ, ngành, địa phương đang triển khai tích cực, khẩn trương nhiều giải pháp để “về đích” đúng kế hoạch và bảo đảm các quy định hiện hành.

Nhận rõ những khó khăn, bất cập

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, quá trình triển khai Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ cơ bản là thuận lợi, song cũng còn những khó khăn, bất cập. Đó là, số lượng NCC với cách mạng cần hỗ trợ về nhà ở lớn và liên tục biến động theo hướng tăng; nhiều địa phương hằng năm vẫn tiếp tục rà soát, bổ sung số liệu các hộ gia đình NCC cần hỗ trợ về nhà ở, nên việc tổng hợp, báo cáo của các bộ, ngành gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), sau khi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thẩm tra đề án hỗ trợ nhà ở của 63 tỉnh, thành phố tính đến ngày 31-5-2017 (sau thời điểm Bộ Xây dựng tổ chức sơ kết việc thực hiện Quyết định 22) thì vẫn còn nhiều địa phương đề nghị bổ sung số lượng hộ NCC cần hỗ trợ về nhà ở.

Cũng theo cơ quan chức năng, quá trình triển khai thực hiện, một số địa phương thực hiện quy trình rà soát, xét duyệt đối tượng và cấp vốn còn chậm; thực hiện chế độ báo cáo thiếu kịp thời, chưa đầy đủ; việc rà soát, kiểm tra, xác định đối tượng và hiện trạng về nhà ở một số nơi làm thiếu chặt chẽ, chưa bám sát quy định của trên.

 Đại diện chính quyền địa phương và nhà tài trợ trao quyết định tặng nhà cho gia đình người có công ở huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: ĐỨC THẮNG.

Đại diện chính quyền địa phương và nhà tài trợ trao quyết định tặng nhà cho gia đình người có công ở huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: ĐỨC THẮNG.

Theo bà Phan Thị Thúy Linh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đã Nẵng: Khó khăn, bất cập không nhỏ là việc bảo đảm kinh phí. Trong giai đoạn 1, việc cấp kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương còn chậm và phải chia thành nhiều đợt, dẫn đến việc thực hiện kéo dài so với kế hoạch ban đầu. Trong giai đoạn 2 (từ tháng 7-2017 đến hết năm 2018), việc cấp kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cũng còn chậm. Một số địa phương chưa nắm rõ quy định về cách thức giải ngân kinh phí trong giai đoạn 2 (thực hiện theo Nghị quyết số 63/NQ-CP) do vốn hỗ trợ cấp từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Kinh phí từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ nhà ở cho NCC theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ còn thấp so với thời giá hiện tại và thấp hơn so với kinh phí mà các doanh nghiệp, các tổ chức, các quỹ khác... hỗ trợ khi xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, nên một số gia đình NCC có hoàn cảnh khó khăn chần chừ trong triển khai thực hiện và có sự so bì về mức hỗ trợ giữa các đối tượng.

Tìm hiểu tại các địa phương chúng tôi thấy, khá nhiều hộ gia đình NCC thuộc diện được hỗ trợ giai đoạn 2 chưa được cấp kinh phí, nhưng do nhà ở bị hư hỏng, xuống cấp cần phải sửa chữa, xây dựng mới, hoặc do quan niệm "được tuổi" làm nhà, nên đã tự bỏ kinh phí, hoặc vay mượn từ gia đình, họ hàng, ngân hàng... để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, rồi đề nghị Nhà nước hoàn trả kinh phí hỗ trợ để trả nợ. Một số trường hợp NCC thuộc diện được hỗ trợ, nhưng đã chết, hiện vợ (hoặc chồng), con đang sinh sống tại nơi ở đó cũng đề nghị được hỗ trợ. Một số hộ gia đình NCC thuộc diện được hỗ trợ theo đề án, đã được địa phương phê duyệt, nhưng do nhiều nguyên nhân nên muốn chuyển đổi hình thức hỗ trợ từ xây mới sang sửa chữa, cải tạo và ngược lại. Không ít trường hợp NCC thuộc diện được hỗ trợ, trong thời gian chờ kinh phí từ ngân sách Trung ương cấp, đã tự ứng trước kinh phí để xây dựng nhà, nhưng không báo cáo UBND cấp xã để kiểm tra, lập danh sách theo quy định; hoặc sau đó đã chuyển đi nơi khác sinh sống; bán, nhượng nhà cho người khác... làm phát sinh những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Trao đổi với phóng viên, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục NCC, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: "Việc triển khai Quyết định 22 và Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25-7-2017 của Chính phủ về hỗ trợ nhà ở (giai đoạn 2) cho NCC ở một số địa phương có thời điểm còn chậm, đạt tỷ lệ chưa cao, còn do nguyên nhân khách quan, như: Bão, lũ, nước lớn… Đặc biệt, với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, khó khăn về kinh tế, nguồn hỗ từ địa phương hạn hẹp, nên hộ gia đình NCC không có thêm kinh phí kết hợp với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở...

Chủ động gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ

Để tiếp tục đẩy nhanh thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với NCC, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cật trong tổ chức thực hiện, ngày 27-6-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP. Nghị quyết số 46/NQ-CP cũng quy định việc kéo dài thời hạn giải ngân vốn đã bố trí trong năm 2018 để thực hiện chính sách hỗ trợ NCC về nhà ở được thực hiện theo quy định tại Điều 76, Luật Đầu tư công và Điều 1, Nghị định số 120/NĐ-CP ngày 13-9-2018 của Chính phủ.

Đầu tháng 7-2019, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 1586/BXD-QLN gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm tiếp tục khẩn trương triển khai thực hiện, hoàn thành chính sách hỗ trợ nhà ở cho NCC đến hết ngày 31-12-2019 theo quy định. Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các bộ: Tài chính, LĐ-TB&XH, Kế hoạch và Đầu tư trong việc đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện chính sách.

Các cơ quan chức năng cũng đề nghị Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, chỉ đạo đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và HĐND các cấp chủ động kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho NCC tại địa phương theo đúng quy định của Quyết định 22, Nghị quyết số 63/NQ-CP, Nghị quyết số 46/NQ-CP và văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành, để việc thực hiện chính sách đạt hiệu quả cao hơn. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ đạo các thành viên của MTTQ Việt Nam tích cực phối hợp với UBND các cấp, sở, ngành, đoàn thể liên quan tham gia công tác tuyên truyền và giám sát việc thực hiện chính sách này... Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai thực hiện chính sách theo đúng quy định, vận động các nguồn lực xã hội hóa từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để tham gia hỗ trợ thêm về kinh phí, nhân lực nhằm nâng cao chất lượng nhà ở cho các hộ gia đình NCC. Kết hợp việc hỗ trợ theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ với việc hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết (trong đó có đối tượng được hỗ trợ là NCC với cách mạng) và nhân rộng mô hình này thành phong trào chung của cả nước.

Để bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, giảm các thủ tục cho NCC được hưởng chính sách, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hỗ trợ nhà ở cho NCC, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09 hướng dẫn thi hành Quyết định 22; Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 98 về hướng dẫn việc quản lý, cấp phát và thanh, quyết toán vốn hỗ trợ nhà ở. Quy định tại các văn bản trên đáp ứng yêu cầu dễ áp dụng, nhưng vẫn bảo đảm việc hỗ trợ đúng đối tượng, không để “kẽ hở” cho một số đối tượng lợi dụng chính sách để trục lợi; không làm thất thoát nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước; không để phát sinh các trường hợp tranh chấp, khiếu kiện, bảo đảm công bằng cho các đối tượng NCC được hưởng chính sách.

Kinh nghiệm của TP Đà Nẵng và một số địa phương thực hiện tốt chính sách này là cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, bảo đảm đúng theo quy định. Các gia đình được hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa nhà cần tuân thủ thiết kế, hoặc ý kiến tư vấn của cơ quan chức năng với các hạng mục cần sửa chữa; sử dụng kinh phí đúng mục đích, tập trung đầu tư cho các công trình cần sửa chữa, để sau khi hoàn thành, nhà ở phải thực sự cải thiện điều kiện sinh hoạt của gia đình, chống chịu được thiên tai, bão lũ.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, cùng với huy động nhiều nguồn lực để thực hiện, như: Hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, địa phương, cộng đồng, dòng họ; hộ gia đình tham gia đóng góp và tự tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà ở, để phù hợp với điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình NCC, các địa phương có thể áp dụng 3 mẫu nhà ở điển hình, kèm theo dự toán kinh phí đầu tư xây dựng, dự trù vật liệu chủ yếu, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương, do sở xây dựng địa phương thiết kế, bảo đảm tiết kiệm kinh phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nhà cho NCC sau khi được hỗ trợ sửa chữa, xây mới.

Nhóm phóng viên CTĐ, CTCT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-2-de-hoan-thanh-ho-tro-80-000-ho-gia-dinh-trong-nam-2019-583340