Bài 2: Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư

Nửa đầu nhiệm kỳ ĐH Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh 2020-2025 là giai đoạn vô cùng khó khăn, bởi từ cuối năm 2019 đến hết năm 2022 cả nước dồn sức chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên với ý trí, nghị lực và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, người dân địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong việc phát huy những tiềm năng, thế mạnh, khai thác hiệu quả các nguồn lực… Bắc Ninh cùng cả nước đã từng bước vượt qua khó khăn thách thức.

Hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Nếu như những năm 1998, Bắc Ninh chỉ khởi đầu với KCN Tiên Sơn, thì đến nay tỉnh đã có tổng số 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 12/16 KCN đã đi vào hoạt động. Các KCN được thành lập có diện tích đất công nghiệp đã cho thuê khoảng 2.481,57ha. Tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất công nghiệp cho thuê theo quy hoạch đạt 60,04 %.

Tại các KCN Bắc Ninh đã hiện diện nhiều tập đoàn danh tiếng thế giới

Tại các KCN Bắc Ninh đã hiện diện nhiều tập đoàn danh tiếng thế giới

Ông Nguyễn Đức Long - Phó trưởng Ban quản lý các KCN Bắc Ninh – cho biết: Trong 9 tháng năm 2023, các KCN tỉnh Bắc Ninh đã thu hút được 91 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh đạt 1.308,34 triệu USD (79 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh là 1.172,48 triệu USD; 12 dự án trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh là 3.124,8 tỷ đồng tương đương 135,86 triệu USD).

Lũy kế đến nay, đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 1.900 dự án (1.310 dự án FDI, 590 dự án DDI), tổng vốn đạt 24.747,28 triệu USD (vốn FDI là 21.544,03 triệu USD; vốn trong nước là 73.674,73 tỷ đồng tương đương 3.203,25 triệu USD). “So với kế hoạch năm 2023, số dự án cấp mới đến nay đã đạt 91% (91/100 dự án) và tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh đạt 109,02% (1.308,34/1.200 triệu USD)”, ông Long chia sẻ.

Đối với dự án hạ tầng KCN: Đến nay đã có 24 dự án hạ tầng KCN (FDI: 3 dự án; Trong nước: 21 dự án) được Quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh 2.118,45 triệu USD, trong đó có 3 dự án FDI với tổng với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh 263,91 triệu USD; 21 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh là 35.875,10 tỷ đồng tương đương 1.854,54 triệu USD.

Tại các KCN Bắc Ninh đã hiện diện các tập đoàn danh tiếng thế giới như Samsung, Microsoft, Canon, Suntory PepsiCo, Foxconn… Mỗi KCN có một vài tập đoàn đầu tư quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, thương hiệu khu vực và toàn cầu để kéo theo chuỗi các nhà đầu tư vệ tinh tạo giá trị gia tăng cao, tạo lập ngành công nghiệp phụ trợ.

Để tiếp tục thu hút đầu tư, Bắc Ninh còn đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các địa phương, đơn vị thông qua việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa tỉnh Bắc Ninh và Thủ đô Hà Nội về việc trao đổi hợp tác kết nối giao thông và không gian đô thị; Chương trình hợp tác phát triển giữa hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh; ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Bắc Ninh và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Tập đoàn Viettel…

Đặc biệt Bắc Ninh thành lập 10 Đoàn công tác của tỉnh tìm hiểu cơ hội hợp tác và xúc tiến đầu tư tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ (Mỹ, Châu âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông …).

Các đại biểu thảo luận tại phiên trao đổi trong Chương trình gặp gỡ Hàn Quốc khu vực Bắc Bộ

Các đại biểu thảo luận tại phiên trao đổi trong Chương trình gặp gỡ Hàn Quốc khu vực Bắc Bộ

Điểm nhấn trong hoạt động thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của Bắc Ninh những tháng đầu năm nay phải kể đến Chương trình gặp gỡ Hàn Quốc khu vực Bắc Bộ, do UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức; hay Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước và hợp tác xã, hộ kinh doanh; hội nghị xúc tiến đầu tư với gần 100 doanh nghiệp và các hiệp hội, nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử đến từ Trung Quốc và Đài Loan…

Triển khai hiệu quả các nghị quyết

Sự có mặt của các dự án FDI đã đóng vai trò chủ đạo trong tăng trưởng công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh. Thời gian qua, Bắc Ninh trở thành một trong những địa phương đi đầu của cả nước về phát triển công nghiệp.

Báo cáo một số kết quả nổi bật trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2023 cho thấy, hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển tốt, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 19,8% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch tăng 55%; vận tải hành khách tăng 69,9%, vận tải hàng hóa tăng 20,9%. Thu hút FDI tăng gấp 3,1 lần về dự án cấp mới và gấp 5,1 lần về vốn đăng ký; thành lập mới doanh nghiệp tăng 30,9%...

Để có được kết quả nêu trên, Bắc Ninh đã tập trung triển khai hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023. Kịp thời ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND tỉnh ngày 03/01/2023, Chương trình hành động số 18/CTr-UBND ngày 18/01/2023; Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 16/02/2023; Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 13/7/2023 và nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển.

Đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh. Khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu…

Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc và triển khai có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Quốc hội, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch 5 năm 2021-2025…

Nhờ đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 ước đạt 142.289,2 tỷ đồng, tăng 7,39% so với năm 2021; thu nhập bình quân đầu người 65,3 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục dịch chuyển đúng hướng, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ lệ 76,5%; dịch vụ chiếm 17,2%; thuế sản phẩm chiếm 3,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,5%.

Bắc Ninh có 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 12/16 KCN đã đi vào hoạt động

Bắc Ninh có 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 12/16 KCN đã đi vào hoạt động

Về thu ngân sách nhà nước ước đạt 30.372 tỷ đồng, đạt 99,4% dự toán; trong đó thu nội địa 22.772 tỷ đồng, đạt 97,9% dự toán; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 7.600 tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán năm. Tổng chi ngân sách địa phương ước 20.163 tỷ đồng, tăng 10,7% so với dự toán. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước 91,7 tỷ USD, đạt 99,6% kế hoạch, tăng 10,2% so với năm 2021, trong đó xuất khẩu hàng hóa ước 48,4 tỷ USD, tăng 7,9%, nhập khẩu ước 43,3 tỷ USD, tăng 13%.

Dù còn những khó khăn phía trước, song phải khẳng định, sau 26 năm chia tách, đến nay, Bắc Ninh đã khẳng định vị thế mới của tỉnh trong công cuộc phát triển của đất nước, trở thành một trong những “đầu tàu’’ kinh tế quan trọng của cả nước.

Kết quả này có được ngoài sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, còn thể hiện ý trí, nghị lực và quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương trong việc phát huy những tiềm năng, thế mạnh, khai thác hiệu quả các nguồn lực, từng bước vượt qua khó khăn thách thức. Thành quả đó là minh chứng đậm nét nhất “đo lường” tính hiện thực và sức sống của các nghị quyết – quyết sách chính trị quan trọng của tỉnh Bắc Ninh.

Bài 3: Vững bước trên con đường mới

Thanh Tâm - Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-2-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-xuc-tien-dau-tu-275629.html