Bài 2: Tạo điều kiện 'lách luật' chuyển trường

Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho rằng, họ là chỉ là đơn vị tham mưu ý kiến cho những trường hợp đặc biệt còn quyết định vẫn thuộc về các trường cho và nhận học sinh trong quá trình luân chuyển.

Trường nói làm theo ý kiến của Sở

Theo tài liệu phóng viên có được, hồ sơ xin chuyển trường của hầu hết các học sinh thể hiện nơi cư trú, quá trình học tập từ Tiểu học lên THCS đều ở TP Thanh Hóa; bố mẹ công tác trên cùng địa bàn cư trú; đơn trình bày nguyện vọng chuyển trường đều với mong muốn được về gần nhà để thuận tiện đi lại, không có bất cứ nguyên nhân đặc biệt nào được quy định tại Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BGDĐTđược Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 3/8/2022.

 Đơn xin chuyển trường của một học sinh dù 2 trường chỉ cách nhau chưa tới 1km

Đơn xin chuyển trường của một học sinh dù 2 trường chỉ cách nhau chưa tới 1km

Đơn xin chuyển trường của nhiều học sinh thể hiện thời gian xin chuyển trong các tháng 7,8,9/2024 tức là chỉ ngay sau khi bước vào năm học mới.

Cụ thể, học sinh T.B.Q. (sinh năm 2009) có đơn xin chuyển từ Trường THPT Nguyễn Mộng Tuân về Trường THPT Nguyễn Trãi ngày 17/7/2024 tức là khi chưa bước vào năm học mới.

Tương tự, học sinh L.B.C. (sinh năm 2009) có đơn xin chuyển từ trường THPT Nguyễn Trãi đến Trường THPT Hàm Rồng ngày 16/8/2024 với lý do để thuận tiện cho việc học tập.

Lý giải cho việc nhận học sinh ở nơi có điểm chuẩn thấp về, hiệu trưởng các trường tiếp nhận học sinh về cho biết, do có ký nháy từ Sở Giáo dục và Đào tạo nên phải xử lý. Vì đều là những trường hợp “đặc biệt” nên quá trình tiếp nhận không xét các điều kiện, tiêu chí.

Khi hỏi về việc tiếp nhận học sinh chuyển về, hiệu trưởng các trường đều chung quan điểm, tất cả các trường hợp đều có ký nháy của Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trong đơn xin chuyển trường của học sinh nên đều phải tiếp nhận, không ai dám từ chối việc tiếp nhận.

Sở bảo trách nhiệm thuộc về các trường

Trao đổi với phóng viên, bà Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa xác nhận có tình trạng học sinh ngay sau khi trúng tuyển chưa được bao lâu thì xin chuyển trường và những trường hợp đặc biệt đều có chữ ký của Ban Giám đốc.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Căn cứ Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BGDĐT được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 3/8/2022, các học sinh chuyển trường chỉ cần có sự đồng ý của 2 nhà trường. Tuy nhiên có những hoàn cảnh đặc biệt thì Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa sẽ có ý kiến.

Nhiều năm trước có tình trạng chuyển nhiều, mất cân đối sĩ số nên Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường phải báo cáo. Và yêu cầu học sinh phải học hết kỳ 1 hoặc hết năm mới được chuyển nhưng vài năm nay vướng chương trình 2018, học môn tự chọn nên Ban Giám đốc có hội ý cho về từ đầu sẽ tốt hơn.

Liên quan đến trách nhiệm khi để học sinh vừa trúng tuyển ở nơi điểm thấp đã được chuyển về nơi có điểm đầu vào cao, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa khẳng định: "Trách nhiệm thuộc về Hiệu trưởng của các nhà trường".

"Cơ bản hiệu trưởng nhà trường phải giữ học sinh, Sở chỉ cho ý kiến tham mưu, trách nhiệm phải thuộc về các trường", bà Thanh thông tin thêm.

Phía nhà trường cho rằng việc luân chuyển học sinh đều nhận bút phê từ lãnh đạo Sở, nhưng lãnh đạo Sở lại khẳng định chỉ đưa ra ý kiến tham mưu. Câu chuyện trách nhiệm đang bị đùn đẩy như một quả bóng, dẫn đến tình trạng nhiều phụ huynh đã tìm cách "đi vòng" để đưa con em mình vào những trường tốt hơn mà không cần phải nỗ lực học tập như các học sinh khác.

Minh Quang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bai-2-tao-dieu-kien-lach-luat-chuyen-truong-post317394.html