Bài 2: Trạm y tế tuyến xã: Gần mà xa

Để y tế cơ sở là nền tảng

Do nhiều nguyên nhân, chất lượng dịch vụ y tế tuyến xã chưa đáp ứng được yêu cầu, trạm y tế (TYT) chưa thể hiện “tròn vai” là tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Trong khi đó, với nhiều người dân vùng nông thôn, người có mức thu nhập trung bình, thấp hoặc mắc bệnh thông thường thì lại có nhu cầu được khám, chữa bệnh gần nhà.

Hướng dẫn người dân đến khám bệnh tại Trạm y tế xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên)

Đầu tư cho trạm y tế chưa tương xứng

Trong những năm qua, các TYT được đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, cơ bản đáp ứng Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay, một số TYT đã xuống cấp; một số trạm được đầu tư xây mới nhưng diện tích xây dựng và số phòng làm việc không đáp ứng tiêu chuẩn. Qua rà soát, khoảng 50/155 TYT tuyến xã trong tỉnh xuống cấp hoặc thiếu phòng. Trang thiết bị chưa đầy đủ, chưa được bổ sung thường xuyên, không có kinh phí bảo dưỡng nên máy móc đa số được trang bị đã cũ, xuống cấp, lạc hậu, không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Số lượng còn thiếu nhiều so với danh mục trang thiết bị y tế được ban hành theo Quyết định số 1490/QĐ-UBND ngày 3.7.2020 của UBND tỉnh về ban hành Tiêu chuẩn định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế của các đơn vị trực thuộc Sở Y tế. Theo rà soát của Sở Y tế, TYT thuộc xã vùng 2, xã vùng 3 còn thiếu nhiều trang thiết bị thiết yếu quan trọng để khám sàng lọc, sơ cứu và điều trị. Năm 2019, tỉnh Hưng Yên có 30 TYT triển khai thực hiện thí điểm khám, chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên các kỹ thuật cận lâm sàng hiện nay chưa được triển khai do thiếu trang thiết bị như: Xét nghiệm đường máu mao mạch, định lượng protein niệu, định nhóm máu ABO, siêu âm ổ bụng, điện tim thường…

Toàn tỉnh có 155 TYT với số viên chức hiện có là 1196/1207 biên chế giao. So với quy định, dù nhân lực các TYT đủ về số lượng, nhưng về cơ cấu còn 44 TYT thiếu bác sĩ, 56 TYT thiếu dược sĩ; 42 TYT thiếu hộ sinh và 85 trạm thiếu y sĩ y học cổ truyền. Việc các trạm y tế thiếu bác sĩ khó khắc phục vì công tác tuyển dụng bổ sung hoặc cử đi đào tạo rất khó khăn. Đồng chí Phạm Khả Song, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kim Động cho biết: “Huyện đã điều chuyển bác sĩ ở TYT có 2 bác sĩ đến TYT chưa có bác sĩ, nhưng hiện một số trạm vẫn còn thiếu”. Từ năm 2019, cán bộ y tế học đường được chuyển về làm việc tại TYT. Đội ngũ này ít được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cập nhật kiến thức y khoa theo quy định nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác chuyên môn. Nhân lực chất lượng cao còn thiếu so với nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao. Sự bắt nhịp của đội ngũ cán bộ quản lý y tế chưa kịp với xu hướng mới về khoa học, công nghệ, quản trị. Theo đồng chí Đỗ Văn Ngữ, Trưởng phòng tổ chức cán bộ (Sở Y tế): TYT tuyến xã ít bệnh nhân, thiếu trang thiết bị nên đội ngũ y tế cơ sở dù đã được đào tạo nhưng không được thực hành thường xuyên, do vậy thiếu thuần thục. Thêm vào đó, từ nhiều năm nay, không tuyển được bác sĩ về tuyến xã làm việc. Ngoài ra, thầy thuốc trẻ khó phát huy năng lực chuyên môn trong điều kiện trang thiết bị thiếu thốn, trong khi họ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm ở nơi có điều kiện tốt và thu nhập cao.

Nhiều năm nay, các hoạt động y tế tuyến xã bị hạn chế do kinh phí của chương trình mục tiêu y tế bị cắt giảm mạnh. Nguồn chi thường xuyên cũng eo hẹp, chỉ bảo đảm tiền điện, nước, dịch vụ mạng internet, sửa chữa nhỏ trang thiết bị cần thiết.

Vắng bóng người dân đến khám…

Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện tại năng lực của TYT thực hiện đạt 70% danh mục kỹ thuật của tuyến xã. Tuy nhiên, số bệnh nhân đến khám tại các TYT rất thấp do nhiều nguyên nhân. Một bộ phận người dân chưa tin tưởng tuyến xã nên đi khám, chữa bệnh vượt tuyến mặc dù mắc bệnh không nghiêm trọng. Tại TYT xã Hồ Tùng Mậu (Ân Thi), từ lâu, cảnh hàng ngày vắng người đến khám, chữa bệnh không còn là chuyện lạ. Có ngày thì một vài người đến khám, thi thoảng có trường hợp đến sơ cứu vết thương do tai nạn giao thông. Một số trang thiết bị của trạm được đầu tư cách đây 5 năm, gồm một tủ lạnh, nồi hấp tiệt trùng dụng cụ y tế, bình ô - xy, bộ thiết bị tiểu phẫu... Bác sĩ Lê Xuân Thông, Trạm trưởng TYT xã Hồ Tùng Mậu cho biết: TYT chưa triển khai khám, chữa bệnh BHYT, không có danh mục thuốc khám, chữa bệnh ban đầu. Vì vậy, dù khám bệnh không thu tiền cũng không có người đến khám. Trang thiết bị không sử dụng thường xuyên nên cũng hỏng.

Khảo sát ở nhiều TYT xã, trung bình mỗi TYT một tháng chỉ có từ 100-150 người đến khám, chữa bệnh. Một số kỹ thuật trước đây vẫn triển khai thực hiện nhiều như đỡ đẻ thì nay không thực hiện. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tập trung vào một số dịch vụ như đặt dụng cụ tránh thai, tiêm phòng vắc xin cho phụ nữ mang thai… Mỗi TYT tự xây dựng danh mục thuốc khám, chữa bệnh ban đầu để phục vụ nhu cầu của người dân.

Qua tìm hiểu của phóng viên, TYT tuyến xã vắng người đến khám bệnh, không có nghĩa là người dân không có nhu cầu khám bệnh. Ông Nguyễn Trung Hưng ở xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên) mắc bệnh mãn tính không lây nhiễm, cho biết: Tôi đăng ký khám, cấp thuốc điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tuy nhiên, trong thời gian bệnh viện có ca mắc Covid-19 nên tạm thời ngừng cấp thuốc điều trị tại bệnh viện. Tôi đã ra TYT xã hỏi mấy lần nhưng trạm không có thuốc. Bác sĩ Vũ Thị Hạnh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phương Chiểu cho biết: Trước đây, TYT xã Phương Chiểu là phòng khám đa khoa khu vực thuộc Trung tâm Y tế huyện Tiên Lữ, khám, chữa bệnh BHYT, cấp thuốc điều trị ngoại trú BHYT cho người dân 8 xã của huyện Tiên Lữ rất hiệu quả. Mỗi ngày có 50-70 người đến khám, điều trị. Hiện nay, tuy không khám BHYT nhưng mỗi tháng có khoảng 500 lượt người đến khám (TYT không thu tiền), được bác sĩ kê đơn. Từ khi xã Phương Chiểu sáp nhập về thành phố Hưng Yên thì phòng khám đa khoa cũng giải thể.

Từ năm 2019, TYT phường Nhân Hòa (thị xã Mỹ Hào) đã thực hiện mô hình TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình để phục vụ người dân. Mỗi cán bộ y tế của trạm phụ trách một tổ dân phố. Nhiều người bệnh già yếu, trẻ nhỏ không đến được TYT, bác sỹ của trạm đến tận nhà khám bệnh, kê đơn thuốc điều trị; hoặc triển khai dịch vụ tắm cho trẻ sơ sinh, chăm sóc bà mẹ sau sinh, cắt chỉ, thay băng… Theo bác sĩ Đào Anh Khiêm, Trạm trưởng TYT phường Nhân Hòa: Trong khi người dân hạn chế đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến trên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với các bệnh thông thường thì đây là cách làm hiệu quả. Qua đó, người dân được khám, điều trị, hướng dẫn dinh dưỡng, hướng dẫn sử dụng thuốc, phòng bệnh… tại nhà.

Bài 1: Áp lực cơ sở y tế tuyến xã

Bài 3: Phát huy hiệu quả vai trò của y tế cơ sở

Đào Doan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202201/de-y-te-co-so-la-nen-tang-bai-2tram-y-te-tuyen-xa-gan-ma-xa-b71459d/