Bài 3: Cần lực đẩy cho ngành công nghiệp môi trường Việt Nam
Chi phí cao, cơ sở hạ tầng còn thiếu, các doanh nghiệp rất cần những chính sách đóng vai trò 'lực đẩy' để ngành công nghiệp môi trường Việt Nam phát triển.
Đối mặt với tình trạng ô nhiễm trầm trọng từ nguồn nước, nguồn đất đến không khí, các chuyên gia nhận định, nếu chúng ta không có sự thay đổi về nhận thức, tư duy, vẫn tiếp tục với thói quen cũ, sử dụng bao bì nilon và chai nhựa thì tình trạng môi trường sẽ trở nên nguy cấp, ảnh hưởng trầm trọng đến an sinh và cuộc sống xã hội
Nguy cơ hiện hữu
Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa gia tăng nhanh chóng, năm 2014 khoảng 1,8 triệu tấn/năm, 2016 khoảng 2 triệu tấn thì hiện nay khoảng 3,27 triệu tấn/năm. Trung bình mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.
Với lượng rác thải khổng lồ như vậy nhưng việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn rất hạn chế. Ước tính, mới có khoảng 11-12% lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
Đối với nhựa phát sinh từ sinh hoạt, tiêu dùng thì hầu hết chưa được phân loại tại nguồn. Chất thải nhựa không có giá trị hoặc có giá trị tái chế thấp (hộp xốp các loại, ống hút nhựa...) bị thải ra môi trường hoặc đưa vào bãi rác, lò đốt. Việc xử lý chất thải như vậy đã, đang gây ô nhiễm môi trường, để lại hậu quả khó lường đối với sức khỏe con người và vạn vật trên trái đất.
Trong Báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 25/7/2022, Việt Nam đứng vào hàng là một trong những quốc gia phát sinh rác thải nhựa lớn nhất thế giới với ước tính khoảng số lượng khoảng 3,1 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường mỗi năm.
Nghiên cứu cũng dự báo tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn khi đô thị hóa, cùng với sự gia tăng dân số nhanh chóng và phát triển kinh tế mạnh mẽ, sẽ dẫn đến khối lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng nhanh. "Đến năm 2030, sau chưa đầy 15 năm, lượng chất thải phát sinh của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ 27 triệu lên 54 triệu tấn", báo cáo viết.
Mặc dù các mục tiêu trong Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam” là khá rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, quá trình thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn khi “vấn nạn” sử dụng túi nilon truyền thống vẫn còn rất phổ biến. Đặc biệt chi phí đầu tư cho phát triển bền vững thường đắt hơn
Ông Joshua Breidenback – Giám đốc sáng tạo của Rice Studios đã từng nhận định:“Mọi giải pháp ngoài nhựa đều đắt hơn. Nên các thương hiệu luôn biện minh cho chi phí cao hơn như là một phần trong ngân sách tiếp thị của họ".
Chi phí cao, cơ sở hạ tầng còn thiếu và điều này phụ thuộc rất nhiều vào các quy định định của nhà nước và yêu cầu của các đối tác sẽ có tác động mạnh mẽ thực sự trong tương lai khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc.
Cần lực đẩy cho ngành công nghiệp môi trường
Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong bảo vệ môi trường cũng như ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng, như Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Tuy nhiên, theo PGS. TS. Nguyễn Lê Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải Đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải ngày càng được hoàn thiện, song vẫn chưa đầy đủ hoặc còn những bất cập nhất định. Chất thải nhựa là loại chất thải chiếm lượng lớn trong tổng số lượng chất thải phát sinh, có những tác động rất nguy hại tới môi trường, nhưng chưa có các quy định cụ thể để quản lý loại chất thải này, đặc biệt là loại nhựa sử dụng một lần.
Hệ thống chính sách hỗ trợ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn trong đó có chất thải nhựa cơ bản đã được xây dựng, bao gồm: Chính sách phân loại chất thải rắn tại nguồn tạo nguồn nguyên liệu đầu vào; chính sách hỗ trợ sản xuất (ưu đãi mặt bằng, vay vốn, giảm thuế,...); chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm (trợ giá và khuyến khích tiêu dùng sản phẩm tái chế)… nhưng hệ thống chính sách này vẫn chưa đầy đủ và còn một số bất cập.
Để khắc phục những bất cập hiện nay, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng-Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần có lộ trình, giải pháp thu hút đầu tư và công nghệ các lĩnh vực: Giảm thiểu, phân loại tại nguồn, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế các thành phần rác thải nhựa; sử dụng vật liệu thay thế túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần; công nghệ tái chế rác thải túi nilon, rác thải nhựa...
Liên quan đến vấn đề này nhiều chuyên gia khuyến nghị cần có quy định về tái chế, tài chính cho tái chế một cách cụ thể hơn chứ không chung chung như hiện nay để dễ quản lý, giám sát.
Những sản phẩm không tái chế được không cho đầu tư, không duyệt dự án. Cần xây dựng những quy định trên cơ sở phù hợp. Khuyến khích cho doanh nghiệp làm tái chế để doanh nghiệp nào cũng muốn làm tái chế vì tái chế có mang lại lợi nhuận.
Bài 4: Kinh nghiệm nào cho Việt Nam