Bài 3: Chiến thắng ngoạn mục của y tế Việt Nam

Thời điểm này, bà Shan Coralie Barker và chồng là ông Dixong John Garth đã về lại ngôi nhà thân yêu của mình ở nước Anh. Đó là điều mà họ không dám nghĩ đến kể từ khi vợ chồng cùng nhiễm Covid-19 và đã ở trong tình trạng nguy kịch.

Thế nhưng, điều kỳ diệu đã xảy ra. Họ được các bác sĩ Việt Nam nỗ lực cứu chữa. Trong đại dịch Covid-19, ngành y tế Việt Nam đã góp phần đưa nước ta thành "cánh đồng bình yên" giữa tứ bề giông bão.

Các thầy thuốc Việt Nam đã cứu sống chúng tôi

Đầu tháng 3-2020, bà Shan Coralie Barker, 67 tuổi, cùng chồng từ Anh sang Việt Nam thăm con trai nhưng chưa kịp gặp con thì cả hai đều có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và được chuyển vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chữa trị. Bà chia sẻ: "Tôi dần bị nặng, ho nhiều, khó thở... Tôi đã nghĩ mình sẽ chết. Nhưng các bác sĩ Việt Nam đã cứu sống tôi". Sau quá trình điều trị tích cực, bà Shan Coralie Barker dần hồi phục và có kết quả âm tính 3 lần liên tiếp, được công bố khỏi bệnh. Đó là điều may mắn vì bà là bệnh nhân lớn tuổi, nguy cơ tử vong rất cao. Tuy nhiên, chồng của bà còn có diễn biến nặng hơn, suy hô hấp, phải thở máy. Là người có kinh nghiệm hơn 40 năm làm y tá tại Anh, khi biết chồng mình được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực, bà Shan Coralie Barker biết như thế là rất nguy kịch. Nhưng bằng nỗ lực không ngừng, các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã giành giật sự sống cho chồng bà-một bệnh nhân 74 tuổi, có tiền sử ung thư máu 10 năm-tức là ông có rất nhiều yếu tố nguy hiểm khiến có thể ra đi vì Covid-19.

"Các bác sĩ Việt Nam thật tuyệt vời, họ đã cứu sống vợ chồng tôi. Chúng tôi thật may mắn vì được điều trị ở Việt Nam, với những y sĩ, bác sĩ rất phi thường. Từ đáy lòng mình, chúng tôi chân thành cảm ơn các bạn. Cảm ơn đất nước Việt Nam", bà Shan Coralie Barker nghẹn ngào khi đón chồng từ phòng bệnh ra.

Chứng kiến niềm vui ngày ra viện của vợ chồng bệnh nhân người Anh, bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng mừng rơi nước mắt. "Những nỗ lực của chúng tôi đã được đền đáp, người bệnh được chữa khỏi và đoàn tụ với gia đình. Điều đó càng khích lệ chúng tôi cố gắng giành giật sự sống cho người bệnh", bác sĩ Khiêm chia sẻ.

Các y sĩ, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thực sự là những chiến sĩ ra trận. Biết Covid-19 rất nguy hiểm và nhiều y sĩ, bác sĩ trên thế giới đã hy sinh, nhưng không vì thế mà bác sĩ Việt Nam do dự tiếp nhận bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khẳng định: "Thế giới cũng chưa sản xuất được các bộ đồ bảo hộ nào bảo đảm giúp nhân viên y tế ngăn ngừa lây nhiễm 100% với Covid-19. Ví dụ khẩu trang N95 có độ an toàn cao nhất cũng chỉ ngăn được 95% số giọt nhỏ mang mầm bệnh, còn 5% vẫn lọt qua. Song không vì thế mà chúng tôi bỏ chạy! Chúng tôi luôn sẵn sàng".

 Đều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: TUẤN DŨNG

Đều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: TUẤN DŨNG

Quyết tâm chính trị, cách thức tổ chức và chuyên môn tốt

Từ xưa tới nay, chúng ta thường thấy y tế Việt Nam phải học hỏi các quốc gia phát triển trong cách thức phòng, chống, điều trị các loại dịch, bệnh. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trung bình ở Việt Nam chỉ có 8 bác sĩ/10.000 dân. Đây là tỷ lệ rất thấp so với mức trung bình 33 bác sĩ/10.000 dân ở các nước phát triển. Thế nhưng, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, các nước có hệ thống y tế hàng đầu thế giới, như: Mỹ, Anh, Pháp, Italy... đã phải có cái nhìn khác về trình độ chuyên môn của đội ngũ y tế Việt Nam. Hệ thống y tế Việt Nam đã phát huy hiệu quả cao đến mức chuyên gia từ các quốc gia tiên tiến nhất thế giới cũng phải ngỡ ngàng. Ngay mô hình xây dựng các trung tâm kiểm soát và phòng, chống dịch (PCD) bệnh (CDC), Việt Nam cũng học hỏi từ Hoa Kỳ và các nước châu Âu, thế nhưng hiệu quả hoạt động của nó lại cao hơn nguyên bản nhiều lần trong đợt dịch này. Dường như hệ thống y tế của Việt Nam có một sức mạnh tiềm ẩn nào đó mà các nước phát triển phải giải mã.

Trong cuộc họp báo trực tuyến mới đây về hợp tác giữa CDC của Hoa Kỳ với khu vực Đông Nam Á, TS John MacArthur, Giám đốc Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Thái Lan, đánh giá cao cách Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19. TS John MacArthur cho biết: “Các cộng sự của tôi ở Hà Nội nhận định hệ thống y tế công cộng của Việt Nam rất mạnh. Chính phủ Việt Nam rất nghiêm túc trong PCD, đã huy động toàn bộ hệ thống ứng phó với dịch bệnh ở mức cao nhất. Đó là vì sao Việt Nam đang có những thành công”. Ông MacArthur cũng nêu một số yếu tố giúp ích cho nỗ lực chống dịch của Việt Nam như dựa vào bằng chứng khi quyết định chính sách và tạo nguồn lực cần thiết cho việc truy vết tiếp xúc cũng như năng lực phòng thí nghiệm đủ mạnh để kiềm chế dịch bệnh. Chính những yếu tố này giúp Việt Nam tận dụng tối đa khoảng "thời gian vàng" trong chống dịch. Điều này những nước có trình độ phát triển hơn Việt Nam nhiều lần đã không làm được. Ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam thì cho rằng, cộng đồng quốc tế đang rất mong Việt Nam chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ thành công của mình.

Nói về quyết tâm chính trị, cùng với việc có những cách thức kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh rất hiệu quả thì Chính phủ Việt Nam luôn chỉ đạo ngành y tế phải hết mình chăm sóc, cứu chữa cho tất cả bệnh nhân; tập trung những bác sĩ giỏi nhất, phương pháp tốt nhất để cứu các bệnh nhân nặng, không buông xuôi, không từ bỏ. Thậm chí, trong một số cuộc họp, Thường trực Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia PCD Covid-19 đã nghe báo cáo và chỉ đạo cụ thể việc cứu chữa từng ca bệnh nặng. Bệnh nhân 91 là phi công người Anh bị bệnh nặng đến mức gần như hỏng phổi, phải thở bằng phương pháp ECMO rất tốn kém trong thời gian dài, nhưng bệnh viện vẫn nỗ lực cứu chữa, tính toán việc ghép phổi cho bệnh nhân. Một bệnh nhân người nước ngoài còn được hết lòng chăm sóc, cứu chữa như vậy, đủ thấy chính sách nhân văn của Việt Nam, tâm đức của ngành y tế Việt Nam.

Yên tâm điều trị, yên tâm chữa bệnh

Một trong những yếu tố góp phần tạo nên thành công trong điều trị Covid-19 tại Việt Nam là việc điều trị miễn phí. Cụ thể, với bệnh nhân Covid-19, nếu tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị, nếu không tham gia BHYT cũng được ngân sách nhà nước chi trả, trong đó bao gồm cả những phương pháp điều trị rất tốn kém, như: Máy thở, ECMO, các thuốc kháng sinh đặc biệt. Không chỉ việc miễn phí điều trị mà người từ vùng dịch về phải thực hiện cách ly tập trung cũng được hoàn toàn miễn phí. Điều đó giúp người từ vùng dịch yên tâm thực hiện cách ly, người bệnh yên tâm điều trị, bác sĩ yên tâm chữa trị cho bệnh nhân. Việc cứu chữa bệnh nhân chỉ còn là dùng phương pháp nào cho hiệu quả, chứ không phải là có tiền để điều trị không.

Để có được chính sách tốt áp dụng để điều trị dịch Covid-19 là do ngay trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (ban hành năm 2007) quy định bệnh truyền nhiễm nhóm A được miễn phí điều trị. Trong lúc dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, càng cho thấy chính sách BHYT, bảo hiểm xã hội của Đảng, Nhà nước ta có giá trị nhân văn, nhân đạo to lớn, góp phần bảo đảm chăm sóc sức khỏe nhân dân và ổn định, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta trong những thời điểm dịch bệnh hoành hành.

Sức mạnh của y tế cơ sở và khả năng tự chủ xét nghiệm

Trong điều trị cho bệnh nhân Covid-19, việc phân tuyến điều trị của Việt Nam rất hiệu quả. Ngành y tế đã thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ" (điều trị tại chỗ, nguồn lực tại chỗ, cách ly tại chỗ và vật tư tại chỗ). Chính việc tin tưởng, tăng cường năng lực cho các bệnh viện tuyến cơ sở khiến bệnh viện ở tuyến huyện cũng có thể điều trị thành công cho bệnh nhân Covid-19. Phân tích về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: "Việt Nam tập trung giám sát, phát hiện sớm ca bệnh để điều trị tại chỗ; thực hiện giám sát, xét nghiệm sàng lọc; tổ chức cách ly y tế theo các lớp; điều trị trên toàn tuyến, tránh tình trạng tập trung về tuyến Trung ương gây đông đúc, quá tải lại càng nguy hiểm. Bên cạnh đó, phác đồ điều trị của Việt Nam liên tục được cập nhật, bổ sung trên cơ sở rút kinh nghiệm thực tế điều trị và cập nhật kinh nghiệm của thế giới".

Y tế Việt Nam có bản lĩnh chống dịch bệnh và được rèn luyện hằng năm trong việc đối phó với các dịch bệnh truyền nhiễm. Hệ thống y tế dự phòng cũng như hệ thống kiểm dịch biên giới của Việt Nam hoạt động tích cực từ giai đoạn đầu tiên. Cùng với đó, những kinh nghiệm từ PCD SARS năm 2003 cũng hỗ trợ rất nhiều cho chúng ta trong PCD Covid-19. Và một trong những kinh nghiệm sống còn của dịch SARS năm 2003 là chúng ta không sử dụng khu cách ly đóng kín mà sử dụng các khu cách ly mở.

Suốt thời gian qua, ngành y tế tập trung xây dựng tuyến y tế cơ sở mạnh, giờ đã mang lại "trái ngọt". Điều đó được chứng minh tại Trung tâm Điều trị Covid-19 đặt ở Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà (xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Đây là cơ sở y tế tuyến huyện đầu tiên điều trị thành công bệnh nhân nhiễm Covid-19. Đã có 5 trường hợp nhiễm Covid-19 được trung tâm điều trị khỏi. Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hồng Nhung của Phòng khám Đa khoa Quang Hà tâm sự đầy tự hào: “Trung tâm của chúng tôi vốn chỉ là phòng khám đa khoa nhỏ cấp huyện nhưng bây giờ đã trở thành trung tâm điều trị Covid-19, được cả nước biết tới. Và tôi tin thế giới cũng biết đến trung tâm, biết đến những con người nhỏ bé như chúng tôi. Chúng tôi rất tự hào và đó là động lực giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn”.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp tập hợp đội ngũ chuyên gia y tế đầu ngành và các bệnh viện xích lại gần nhau hơn, gần như không có khoảng cách giữa trong Nam, ngoài Bắc, giữa tuyến trên, tuyến dưới. Người bệnh điều trị tại tuyến dưới cũng được chăm sóc sức khỏe như tuyến trên, bởi khi cần thiết, các chuyên gia đầu ngành sẵn sàng cùng hội chẩn phương án điều trị cho bệnh nhân bằng hình thức trực tuyến.

Chiến thắng của ngành y tế Việt Nam trong đại dịch Covid-19 còn do khả năng tự chủ trong khâu xét nghiệm. Ngành y tế Việt Nam đã tự sản xuất được bộ test xét nghiệm và sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 đạt tiêu chuẩn của WHO và EU, có thể sử dụng trên phạm vi toàn cầu. Chính vì chủ động nghiên cứu, sản xuất được bộ test và sinh phẩm xét nghiệm nên chúng ta có cơ sở để mở rộng đối tượng xét nghiệm. Đến ngày 27-4, Việt Nam đã xét nghiệm được khoảng 212.000 mẫu bệnh phẩm, tỷ lệ phát hiện dương tính khoảng 0,13%, là một trong những quốc gia có tỷ lệ phát hiện dương tính trên tổng số mẫu xét nghiệm cao nhất thế giới, do khâu phân loại người nghi nhiễm rất tốt. Hiện cả nước có 112 phòng xét nghiệm Realtime-PCR có năng lực xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 (công suất tối đa khoảng 27.000 mẫu/ngày), trong đó 52 phòng đã được phép xét nghiệm khẳng định Covid-19 (công suất tối đa khoảng 14.300 mẫu/ngày). Do bộ test có chất lượng tốt, đã có 20 quốc gia đàm phán mua. Trước mắt, bộ test sẽ xuất khẩu sang Iran, Phần Lan, Malaysia, Ukraine.

Với sự hoạt động hiệu quả ngay từ những ngày đầu xảy ra đại dịch Covid-19, chúng ta tin tưởng rằng, hệ thống y tế Việt Nam có đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để vượt qua thách thức ngặt nghèo này. (còn nữa)

GIA MINH - QUANG PHƯƠNG - CHIẾN THẮNG - THU HƯƠNG - VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-viem-phoi-do-virus-ncov/bai-3-chien-thang-ngoan-muc-cua-y-te-viet-nam-619013