Bài 3: Cuộc sống của nhân dân chính là cuộc sống của đảng viên

QĐND Online - Từ mô hình ở làng Breng 3 có thể thấy rõ, việc phân công cán bộ, đảng viên tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa đối tượng đã giúp cả hai bên cùng thấu hiểu nhau hơn. Từ chỗ hiểu rõ hoàn cảnh, nguyên nhân, điểm mạnh, yếu của từng đối tượng mà địa phương đã có cách làm, hướng đi rất cụ thể giúp từng đối tượng lầm đường lạc lối sớm trở về với cộng đồng, sống cuộc sống lương thiện.

Chia sẻ thêm về điều này, Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 153 và Quyết định 44, công tác quản lý, giáo dục đối tượng FULRO tại cộng đồng đạt nhiều kết quả tích cực. Xác định công tác quần chúng là vấn đề nền tảng, cốt lõi trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với phương châm: Tất cả vì nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng thế trận an ninh nhân dân đảm bảo giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, các đơn vị đã tổ chức lực lượng, bố trí cán bộ trinh sát thường xuyên có mặt, bám sát các địa bàn trọng điểm, phối hợp với công an các huyện, thị xã, các đơn vị liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức công tác vận động quần chúng tích cực tham gia các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; bên cạnh đó, định kỳ, đột xuất tổ chức hàng trăm đợt phát động đưa những người lầm đường mà chưa tiến bộ ra kiểm điểm trước nhân dân, điều này giúp các đối tượng chưa có thay đổi nhận thức sẽ từng bước có chuyển biến tích cực hơn, nhận rõ bộ mặt của các thế lực thù địch.

Tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp; phát huy được vai trò của hệ thống chính trị; huy động được sự tham gia của các lực lượng, trong đó đã tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo quần chúng, chức sắc tôn giáo, người có uy tín, thân nhân gia đình đối tượng; giải quyết có hiệu quả yếu tố địch từ bên trong, cơ bản loại trừ các điều kiện mà FULRO, “TLĐG” và các đối tượng phản động có thể lợi dụng móc nối, lôi kéo, tác động để tái hoạt động trở lại; đặc biệt chủ động phát hiện, đấu tranh với số đối tượng nhen nhóm kích động trên không gian mạng.

Song song với các biện pháp nghiệp vụ, các cơ quan chức năng ở tỉnh Gia Lai còn phải thực hiện cải cách hành chính, công khai minh bạch mọi thông tin, đổi mới tác phong làm việc của cán bộ, công chức... tạo niềm tin với nhân dân, không để các sự việc nhỏ tích tụ, rồi bùng phát, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền nhằm kích động, lôi kéo người dân vào các hoạt động phi pháp, gây mất ổn định, gây rối trật tự an ninh.

Đời sống tín ngưỡng của nhân dân luôn được đảm bảo ở mức tốt nhất.

Đời sống tín ngưỡng của nhân dân luôn được đảm bảo ở mức tốt nhất.

Việc hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ của công an, quân đội, lực lượng cốt cán cơ sở, chức sắc tôn giáo... cùng tích cực tham gia công tác vận động, chung tay quản lý, giáo dục, thuyết phục đã giúp phần lớn các đối tượng càng sớm hiểu rõ sự sai trái của mình; nhận rõ bản chất xấu xa của FULRO, TLĐG; nhận thức rõ mình tham gia là vi phạm pháp luật nên đã từ bỏ hẳn ý định tham gia; đồng thời nhiều người còn tích cực vận động người khác không tham gia các tổ chức phản động này. Nhiều đối tượng từng tham gia TLĐG, FULRO đã có những chuyển biến tư tưởng từ tiêu cực thành tích cực, trở thành những người tốt, có ích cho gia đình, xã hội.

Đa số các đối tượng thuộc diện quản lý, giáo dục đều tin tưởng, chấp hành đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, an tâm làm ăn sinh sống trên địa bàn, số lượng cần phải quản lý ngày càng giảm rõ rệt. Đây cũng thể hiện rõ cách làm đúng đắn, hiệu quả của các cơ quan liên ngành. Mô hình quản lý này cần được nhân rộng, bởi nó đóng góp tích cực trong quản lý tình hình trật tự an ninh trên một địa bàn vốn đã từng rất "nóng".

Phân tích nguyên nhân, Đại tá Đậu Văn Minh, Trưởng phòng PA02, Công an tỉnh Gia Lai cho rằng, mặc dù ta đã chủ động đẩy mạnh công tác đấu tranh, trấn áp các đối tượng cầm đầu, cốt cán, phá rã tổ chức của chúng khi hình thành trong nội địa, tuy nhiên, các đối tượng này vẫn còn một số phần tử lẩn khuất trong rừng hoặc trà trộn trong dân và một số trốn được ra nước ngoài... Chúng mong muốn sau sẽ từng bước tập hợp được lực lượng để tái tổ chức tụ tập, tạo ra các cuộc biểu tình khi có các đoàn công tác, các tổ chức của nước ngoài đến địa phương nhằm đưa ra yêu sách, kiến nghị. Cách đây ít năm, thậm chí FULRO và TLĐG còn hình thành nên những bộ khung ngầm với việc phân chia cấp bậc, vị trí cụ thể cho từng người từ cấp tỉnh, tới cấp huyện, xã, thôn, làng. Tuy nhiên, chúng ta đều nắm bắt được thông tin, âm mưu, ý đồ, từ đó có biện pháp khiến chúng không thể hoạt động.

Trước thực tế vẫn còn phức tạp như trên, các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai đã chủ động phối hợp với nhau để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra kế hoạch, chủ trương chỉ đạo, đồng thời vận dụng linh hoạt các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc, công tác tôn giáo và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhằm giữ vững an ninh trật tự trên toàn địa bàn tỉnh.

Những bài học đã được trao đổi cụ thể giữa các lực lượng, công tác phối hợp với quần chúng nhân dân, những người có uy tín ở địa phương được đặc biệt nhấn mạnh. Trong khi thường xuyên phải chăm lo một cách hiệu quả tới đời sống nhân dân cũng như có chính sách phù hợp với các đối tượng lầm đường lạc lối. Tất cả các biện pháp được thực hiện cùng lúc đã giúp cuộc đấu tranh với những mầm mống phản động đạt được kết quả đáng kể.

Ngoài ra phải đưa một lượng lớn cán bộ, đảng viên tích cực bám nắm cơ sở, nắm dân, sát dân, biết lắng nghe dân, thường xuyên đối thoại, đặt người dân đúng vào vị trí vừa là chủ thể, vừa là lực lượng to lớn của sự nghiệp cách mạng, khơi dậy trong nhân dân tinh thần yêu nước, yêu quê hương qua hành động thực chất... Sự gần gũi của cán bộ, đảng viên ở cơ sở đã gặt được quả ngọt khi số lượng những người lầm đường lạc lối nhận thức đầy đủ, thấy rõ trách nhiệm của mình để không bị kẻ thù lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc, thậm chí có người trở thành đảng viên ngày một đông lên. Họ lại chính là thế hệ tiếp theo trở thành những người gương mẫu, những nhân vật cốt cán trong thôn đi vận động thế hệ trẻ chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, xây dựng cộng đồng ấm no, đoàn kết.

Là người gắn bó nhiều năm với công tác an ninh tại địa bàn Gia Lai, Đại tá Đậu Ngọc Minh cho rằng, kết quả chúng ta đạt được cũng chỉ là bước đầu, trong những năm tới, mặc dù xu thế ổn định vẫn là cơ bản, song, tình hình dịch bệnh phức tạp, kinh tế của một bộ phận không ít người dân vẫn còn khó khăn; các mối quan hệ quốc tế cũng liên tục thay đổi, vì thế, để duy trì sự ổn định lâu dài, để các thế lực phản động, các thế lực thù địch không thể lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá, hậu thuẫn cho FULRO, TLĐG, tái phát triển lực lượng ngầm để chống phá, móc nối, lôi kéo biểu tình, quấy phá, bạo động... điều quan trọng nhất là củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ đảng, giải quyết xử lý tốt các vụ việc từ chi bộ thôn, làng, không để lây lan, kéo dài, tạo thành điểm nóng. Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của cấp ủy đảng các cấp. Đồng thời phải phát huy được sức mạnh của toàn dân, các cơ quan ban ngành, với vai trò nòng cốt là lực lượng vũ trang.

Đời sống nhân dân được nâng lên, có công không nhỏ của những cán bộ luôn bám sát địa bàn.

Đời sống nhân dân được nâng lên, có công không nhỏ của những cán bộ luôn bám sát địa bàn.

Công tác này phải gắn chặt với các chính sách phát triển kinh tế-xã hội thiết thực tới từng hộ dân. Hiện nay mặc dù còn khó khăn nhưng so với mặt bằng chung các địa phương ở Gia Lai đã có sự thay đổi rất lớn, bộ mặt của nông thôn, tình hình kinh tế, an ninh chính trị tại các điểm nóng trước đây nói chung là ổn định. Một số đối tượng cầm đầu cốt cán đã trong tầm kiểm soát và không còn dám hoạt động công khai như trước.

Tuy nhiên, nói không có nguy cơ thì là không hẳn vì chúng vẫn lén lút hành động đưa người qua biên giới, lợi dụng những đám ma, đám cưới hay các hội, lễ để tiếp cận và lôi kéo nhân dân. Trong khi đó, lực lượng FULRO ở nước ngoài vẫn gọi điện về để chỉ đạo để thành lập TLĐG. Để tạo thành thế trận vững chắc ngăn ngừa nguy cơ từ khi chưa hình thành, các tổ chức đảng phải vững mạnh hơn với lực lượng cốt cán là các đảng viên đang tham gia công tác chính quyền, người có uy tín với nhân dân là vô cùng quan trọng.

Ngoài ra, để ngăn chặn âm mưu của các thế lực phản động như FULRO, TLĐG, các tà đạo khác có thể sẽ nổi lên, công tác đấu tranh phải đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện của tỉnh ủy, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp. Phải nhận thức đúng đối tượng đấu tranh, đối tượng cần tuyên truyền, vận động và trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương đối với công tác này. Coi trọng việc củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia trong suốt quá trình đấu tranh với các thế lực phản động, lấy cảm hóa, giáo dục thuyết phục là chính; bồi dưỡng các nhân tố tích cực tham gia đấu tranh trực diện ngay trong lòng địch. Cùng với đó, phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt ở địa phương, người có uy tín, chức sắc tôn giáo... cùng nhau cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống xâm nhập, tái hoạt động trở lại của các đối tượng phản động, tà đạo...

Chăm lo sức khỏe và đời sống tinh thần cho nhân dân.

Chăm lo sức khỏe và đời sống tinh thần cho nhân dân.

Theo Đại tá Đậu Ngọc Minh, cần có sự vị tha với các đối tượng đã từng có giai đoạn lầm lỡ; quản lý tốt tư tưởng, có nhiều việc làm thiết thực để giúp các đối tượng này vươn lên trong cuộc sống, không còn mặc cảm. Tuy nhiên, với những kẻ ngoan cố, có ý định tái vi phạm hoặc có hành vi chống đối, cần kiên quyết xử lý, đồng thời vận động gia đình, những người có uy tín ở thôn, làng, các chức sắc tôn giáo cùng tham gia giáo dục để các đối tượng nhận ra mình sai ở đâu, để từ đó khắc phục.

Với các cơ quan công quyền, cần tập trung thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc nổi lên trong vùng đồng bào dân tộc như tranh chấp đất đai, quy hoạch phát triển, dự án sản xuất... Chỉ có làm tốt những gì đã hứa với nhân dân, đồng bào dân tộc thì chúng ta mới có niềm tin của nhân dân.

Cũng bàn về vấn đề này, theo ông Ksor HYao, để làm cho một vài người nhận thức ra vấn đề đã khó, làm cho hàng trăm người cùng nhận thức ra vấn đề không phải dễ, nếu như người đi vận động không thực sự gương mẫu trong cả lối sống, trong sản xuất, trong quan hệ. Ông HYao kể rằng: "Việc vận động phải tiến hành mọi lúc, mọi nơi; phải biết phối kết hợp, lồng ghép các nội dung, từ các cuộc họp. Với đồng bào dân tộc thiểu số không thể nói dài dòng được, chỉ nói từ 5 đến 7 phút thôi, mình phải chuẩn bị nội dung, chương trình nói sao cho phù hợp với nhận thức, trình độ của bà con. Nếu mình nói quá trình độ, nhận thức cũng không được, phải làm sao nói họ hiểu nhưng phải rất ngắn gọn, rõ ràng. Họ nghe, rồi họ suy nghĩ, thậm chí chờ đợi, và khi họ đã tin rồi thì sẽ không bao giờ làm trái với những điều họ đã tin theo.

“Công tác vận động, tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tất nhiên cũng rất khác với miền xuôi. Với những nhà đã khá giả rồi thì không nói, với những nhà còn khó khăn, đôi khi tôi phải bỏ tiền túi của mình để mua một chút bánh kẹo cho con nhà người ta để mình tạo thiện cảm để mà nói chuyện hay tư vấn giúp người ta. Một số người được tôi tư vấn nay đã trở thành hộ khá giả, giờ gặp nhau vui lắm, tôi nói gì cũng được họ trân trọng”, ông HYao cho biết.

Ông HYao còn đặc biệt nhấn mạnh, để ổn định tình hình, đảng viên ở chi bộ thôi chưa đủ, còn cần sự hợp lực của các lực lượng khác như quân đội, công an, các tổ chức xã hội thông qua các hoạt động và các chính sách thiết thực. “Tôi nhận thấy khoảng 10 năm trở lại đây, tình hình ở thôn của tôi nói chung, ở toàn tỉnh Gia Lai đã có bước chuyển tích cực. Tổng kết nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh 2015-2020, điều đáng mừng nhất là ở Gia Lai thời điểm hiện nay cả 2.157 thôn, làng, tổ dân phố đều có chi ủy, số lượng đảng viên ngày càng tăng, đấy là điều cực kỳ quan trọng, là cốt lõi để tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”.

Người dân Gia Lai với đời sống văn hóa tinh thần.

Người dân Gia Lai với đời sống văn hóa tinh thần.

Chỉ đạo thực hiện: Đại tá NGÔ ANH THU, Phó tổng biên tập

Tổ chức thực hiện: NGUYỄN XUÂN HÒA- NGUYỄN VĂN MINH

Nội dung: NGUYỄN XUÂN HÒA

Ảnh: XUÂN HÒA - BÌNH ĐỊNH - DUY HIỂN - LÊ LÂM - DUY BẮC

Kỹ thuật, đồ họa: KHÁNH HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/da-phuong-tien/longform/bai-3-cuoc-song-cua-nhan-dan-chinh-la-cuoc-song-cua-dang-vien-664413