Bài 3: Hướng về phía mặt trời!

Đến vùng biên giới Ia H'Đrai - huyện trẻ nhất của tỉnh Kon Tum, chúng tôi phải đi qua những con dốc cao thăm thẳm, đường mòn hun hút trong rừng, đi cả ngày đường mới gặp một bóng người. Gọi là thôn, là làng, nhưng từ nhà này cách nhà kia đến vài cây số, từ đầu thôn đến cuối thôn cách nhau đến mấy chục cây số, từ thôn lên huyện hàng trăm cây số... đã khiến những người lạc quan nhất cũng phải chùn chân khi đến với huyện biên giới này. Phải làm gì để 'giữ chân' người dân ở lại? Trải qua 7 năm kể từ khi huyện Ia H'Đrai được thành lập, lời giải cho bài toán đó đã có: Người dựa vào người; dựa vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua những 'cánh tay nối dài' của Đảng để vượt qua khó khăn. Ở nơi đó, người dân luôn tự nhủ: Hãy hướng về phía mặt trời, về Đảng, bóng tối sẽ bỏ lại phía sau.

Bài 1: Chuyện cổ tích dưới chân núi Chư Gor Tong, Chư Mom Ray
Bài 2: Nền móng vững chắc vươn mình nơi đại ngàn Trường Sơn
Bài cuối: Khắc ghi lời thề sắt son

Để đất lạ hóa quê hương

Sau hơn 40 phút băng qua cung đường còn “ngai ngái” mùi nhựa đường, bao quanh bởi những rừng cao su bạt ngàn, đều tăm tắp, chúng tôi đã đến được với thôn 3 thuộc xã biên Ia Đal, huyện Ia H’Đrai, vùng đất có đường biên giới dài 47,5km giáp với Vương quốc Campuphia.

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trương Thị Linh thăm, tặng quà một số điểm dân cư, đơn vị thuộc Chi nhánh 716. Ảnh: Thanh Mai

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trương Thị Linh thăm, tặng quà một số điểm dân cư, đơn vị thuộc Chi nhánh 716. Ảnh: Thanh Mai

Khi đến với vùng đất hoang vu hẻo lánh này, nhiều người mang theo giấc mơ sẽ đổi đời. Song vì điều kiện sống khắc nghiệt và vì nhiều lý do khác, họ cứ lần lượt đến rồi đi. Điều này đã thay đổi từ khi Chi bộ thôn 3 được thành lập vào năm 2016. Ngay sau khi ra đời, Chi bộ thôn 3 nhanh chóng bắt tay thực hiện “sứ mệnh” của mình. Từ một thôn chỉ có 50 hộ cách đây 8 năm về trước, đến nay thôn 3 đã có trên 300 hộ đến từ khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc.

Trong căn nhà sàn khang trang, ông Lê Văn Hào, Bí thư kiêm Trưởng thôn kể cho chúng tôi nghe về hành trình của ông đến với vùng đất Ia Đal này. “Ngày tôi vào vùng đất này, bốn bề xung quanh chỉ là một vùng đất hoang vu, trống huơ, trống hoác, dân cư vô cùng thưa thớt. 7 năm là khoảng thời gian tôi đã nỗ lực hết sức lực của mình để xây dựng cuộc sống mới trên quê hương mới. Ngoài nhà cửa khang trang, kinh tế đã ổn định, điều vui mừng lớn nhất của tôi hiện nay là gia đình đã đoàn viên sau nhiều năm xa cách; diện mạo thôn 3 đã được vẽ lên bằng những nét tươi mới sống động. Sau những vất vả, đất mới đã cho chúng tôi những trái ngọt đầu tiên”, ông Hào bồi hồi chia sẻ.

Với đặc điểm dân cư đa vùng miền, đa dân tộc, đa màu sắc văn hóa… nên yếu tố đầu tiên Chi bộ đặt ra đó chính là đoàn kết. Chính yếu tố đoàn kết đã giúp cho Chi bộ thôn 3 luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. Trên mặt trận kinh tế, ngoài thu nhập chính là cây cao su, thôn 3 cũng đã đưa vào nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới mang lại giá trị kinh tế cao. Thu nhập bình quân của người dân tăng lên 29 triệu đồng/năm; văn hóa giáo dục, y tế được quan tâm. An ninh chính trị được giữ vững. Công tác phát triển Đảng có nhiều điểm sáng. Hiện, Chi bộ có 7 đảng viên, trình độ đảng viên từ lớp 12 trở lên…

Từ điểm tựa vững chắc là các Chi bộ, ngày càng nhiều người đã biến nơi họ đến thành quê hương thứ hai. Câu chuyện về đảng viên, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Cương (Chi nhánh 716, Binh đoàn 15) - Trưởng thôn 6 (xã Ia Đal, huyện Ia H’Đrai) là một điển hình.

Ở trong thôn, không ít những cặp vợ chồng vào vùng đất này làm công nhân cao su, hành trang của họ chẳng có gì ngoài cái nghèo, cùng những đứa con nheo nhóc, không ít người nung nấu ý định kiếm tiền rồi trở về quê sinh sống. Để động viên người dân, anh Cương xem họ như người thân trong nhà và vận động các gia đình nhập hộ khẩu, ra xây dựng nhà ở riêng để được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước và hỗ trợ từ Chi nhánh 716 rồi từ từ ổn định, phát triển kinh tế.

Sau nhiều lần vận động, đôi vợ chồng trẻ đầu tiên cũng xin nhập hộ khẩu và chuyển ra ở riêng. Cũng từ đó, nhiều căn nhà mới mọc lên. Nhiều anh em, họ hàng ở quê của các hộ dân cũng vào đây sinh sống theo. Giờ đây, thôn 6 có 84 hộ với hơn 342 khẩu. Các hộ đoàn kết, cùng nhau xây dựng quê hương mới, không còn có tư tưởng trở về quê sinh sống.

Đó cũng là câu chuyện của gia đình anh A Gih (26 tuổi, làng Ia Dơr, xã Ia Tơi). Năm 2019, cả gia đình đã quyết định di chuyển từ xã Sa Bình, huyện Sa Thầy đến điểm dân cư 64 để sinh sống. Tại đây, anh được chính quyền địa phương hỗ trợ 15 triệu đồng và cấp 400m2 đất ở, 600m2 đất sản xuất. Bên cạnh đó, Công ty Duy Tân đã nhận anh làm công nhân và đào tạo nghề cạo mủ cao su, giao khoán 1,5ha cao su để anh chăm sóc. Anh A Gih vui mừng cho biết, từ một hộ gia đình còn nghèo khó, anh đã có đất ở và công việc ổn định khi đến nơi ở mới. Kết hợp với việc trồng lúa nước, chăm sóc cây cao su, anh có thu nhập bình quân hàng tháng được hơn 5 triệu đồng. Giờ đây, anh A Gih đã có “của ăn, của để”, con cái được đến trường học tập đầy đủ nên anh dự định sẽ bám trụ lâu dài tại mảnh đất mới này…

Nắng vẫn bỏng rát trên gương mặt! Cái khắc nghiệt về thiên thiên hôm nay có lẽ cũng chẳng thể làm khó hơn được họ. Từ những vùng đất hoang vu nơi biên giới đã hiện hữu với những làng quê mới dựng của người Gia Rai, Mường, Tày, Nùng, Thái.

Phấn đấu là huyện kiểu mẫu vùng biên

Chia sẻ về những gian nan mà huyện trẻ nhất của cả nước Ia H'Đrai đã trải qua, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trương Thị Linh bồi hồi nhớ lại: Ngày 11.3.2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 890/NQ-UBTVQH13 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sa Thầy để thành lập huyện Ia H'Đrai. Gần 3.000 ngày gian khó nhất của một chặng đường đã lùi lại phía sau, nhưng chắc chắn sẽ không một ai quên được xuất phát điểm của huyện Ia H'Đrai lúc đó, là địa bàn biên giới, dân cư thưa thớt, ở xa trung tâm xã, có nơi 40 - 50km (như thôn 9, xã Ia Tơi; thôn 8, xã Ia Đal; làng thanh niên lập nghiệp, xã Ia Dom…). Hạ tầng cơ sở nghèo nàn, gần như là con số không. Điện lưới chỉ đến được một số điểm dân cư, còn lại hầu hết là không có điện. Về giáo dục, y tế gần như là "vùng trắng"… Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động rất thiếu, phải thực hiện kiêm nhiệm, kiêm chức giữa các cơ quan Đảng và chính quyền...

7 năm trôi qua, nhiều người sẽ ngỡ ngàng vì sự khởi sắc của huyện non trẻ nhất nước này. Mạng lưới giao thông được đầu tư mở rộng, nâng cấp, nhựa hóa; điện - đường - trường - trạm cơ bản đáp ứng yêu cầu; thương mại, dịch vụ từng bước hình thành và phát triển, như nhà hàng, quán xá... Khu trung tâm huyện được đầu tư khang trang. Nhiều khu vực dân cư mới được hình thành với nhà cửa khang trang, tạo nên sức sống mới của vùng biên…

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cũng rất ấn tượng. 9 tháng năm 2022, nền kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng nhanh, cơ cấu các ngành hợp lý, tổng giá trị sản xuất gần 7,5 nghìn tỷ đồng. Công tác xây dựng nông thôn mới được huyện chỉ đạo khẩn trương triển khai; các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới được củng cố, nâng cao; phấn đấu cuối năm 2022 hoàn thành 15 thôn đạt chuẩn nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã Ia Dom duy trì xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã Ia Đal đạt chuẩn 14 tiêu chí, xã Ia Tơi đạt chuẩn 13 tiêu chí...

Vùng đất biên cương H'Đrai vẫn còn đó những gian nan, nhưng với những kết quả đã đạt được, chúng ta có niềm tin rằng: Bằng sức trẻ của mình, Ia H'Đrai sẽ sớm "đi tắt đón đầu", sớm hiện thực hóa khát vọng trở thành huyện kiểu mẫu ở vùng biên. Chia tay vùng đất giàu sức trẻ này, một bài học kinh nghiệm sâu sắc đã được khắc ghi: Khi người dân đồng lòng, đoàn kết hướng về phía mặt trời, về Đảng, bóng tối sẽ bỏ lại phía sau.

BÁCH HỢP – THANH MAI

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/bai-3-huong-ve-phia-mat-troi-i305303/