Bài 3: Kiểm soát chặt từ khâu đăng ký kinh doanh

Để ngăn chặn việc mua, bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, Tổng cục Thuế đề xuất kiểm soát chặt chẽ thông tin cá nhân tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp. Phóng viên TBTCVN có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) xung quanh giải pháp siết chặt quản lý doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh, hạn chế các đối tượng lợi dụng chính sách mua, bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm trốn thuế.

Tăng cường kiểm soát, quản lý từ khâu đăng ký thành lập doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Tăng cường kiểm soát, quản lý từ khâu đăng ký thành lập doanh nghiệp. Ảnh minh họa

PV: Thủ tục thành lập doanh nghiệp (DN) thông thoáng và đơn giản đã tạo kẽ hở cho các đối tượng thành lập DN không có hoạt động sản xuất kinh doanh thật, mà chỉ để thực hiện hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Ngành Thuế đã có kiến nghị, giải pháp gì để ngăn chặn hành vi trên, thưa bà?

Bà Lê Thị Duyên Hải: Thực hiện quy định tại Điều 16 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC, Tổng cục Thuế đã cung cấp thông tin về cá nhân người thành lập DN, người quản lý DN vi phạm do cơ quan thuế quản lý để Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cập nhật danh sách cảnh báo trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN. Từ đó, Tổng cục Thuế đề nghị Bộ KH&ĐT chỉ đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh hướng dẫn cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) địa phương khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập DN, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN), đăng ký tạm ngừng kinh doanh của DN, có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các trường hợp vi phạm pháp luật do Tổng cục Thuế cung cấp nêu trên để yêu cầu DN báo cáo, giải trình trước khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) về ĐKDN theo quy định tại Điều 216 của Luật Doanh nghiệp.

Bỏ địa chỉ kinh doanh 6 tháng sẽ bị rút giấy phép

Ngoài kiểm soát việc thành lập DN mới, Tổng cục Thuế còn đề nghị sửa quy định tại Luật Doanh nghiệp, Nghị định về đăng ký kinh doanh để rút ngắn thời gian thu hồi Giấy chứng nhận ĐKDN của các DN trạng thái 06-NNT không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký từ 1 năm còn 6 tháng kể từ ngày cơ quan thuế thông báo mà DN không báo cáo, không giải trình với cơ quan ĐKKD và cơ quan thuế.

Cùng với đó, để ngăn chặn người nộp thuế (NNT) gian lận trong sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) thông qua công tác ĐKDN và đăng ký thuế, Tổng cục Thuế đã kiến nghị với Bộ KH&ĐT sửa đổi một số quy định về thủ tục đăng ký kinh doanh.

Thứ nhất là về quy định thành lập DN mới, Tổng cục Thuế đã đề nghị Bộ KH&ĐT và báo cáo các cấp có thẩm quyền về đề xuất sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Nghị định về ĐKDN theo hướng yêu cầu cá nhân người thành lập, đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp do các cá nhân này là người thành lập hoặc đại diện theo pháp luật đang bị cơ quan thuế thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký trước khi tham gia thành lập hoặc là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mới để gắn trách nhiệm của cá nhân là người thành lập, đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp với các vi phạm của các doanh nghiệp khác do các cá nhân này là người thành lập hoặc đại diện theo pháp luật gây ra.

Thứ hai là về kiểm soát thông tin của cá nhân tham gia thành lập, quản lý DN, Tổng cục Thuế đề nghị Bộ KH&ĐT chỉ đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh phối hợp với Tổng cục Thuế đồng bộ, chuẩn hóa và xác thực toàn bộ thông tin định danh cá nhân của các cá nhân tham gia thành lập DN, quản lý DN theo Quy chế phối hợp đã ký kết giữa Bộ KH&ĐT về việc kết nối, xác thực, khai thác và đồng bộ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐKDN, Cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử của Bộ KH&ĐT; Chuyển thông tin đã đồng bộ, xác thực định danh cá nhân của các cá nhân tham gia thành lập DN, quản lý DN cho Tổng cục Thuế để cập nhật thông tin tại cơ sở dữ liệu về đăng ký thuế đảm bảo thống nhất. Đồng thời, Tổng cục Thuế đề nghị Bộ KH&ĐT bổ sung Quy chế các quy định về định danh và xác thực điện tử theo quy định tại Nghị định số 69/2024/NĐ CP của Chính phủ khi thực hiện các thủ tục ĐKKD bằng phương thức điện tử của DN, cá nhân nhằm đảm bảo thống nhất và tính xác thực cao hơn, chặt chẽ hơn.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đề nghị Bộ KH&ĐT bổ sung Phiếu lý lịch tư pháp vào thành phần hồ sơ đăng ký thành lập DN, hồ sơ thay đổi nội dung ĐKKD của các cá nhân tham gia thành lập và quản lý DN để phù hợp với quy định tại điểm e Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp.

Thứ ba là về tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn, Tổng cục Thuế đề nghị Bộ KH&ĐT nghiên cứu, bổ sung quy định tại Luật Doanh nghiệp và Nghị định về ĐKDN để yêu cầu DN có hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế phải khắc phục các vi phạm trước khi tạm ngừng kinh doanh theo thông tin cơ quan thuế, cơ quan hải quan đã cung cấp cho cơ quan ĐKKD. Cơ quan thuế, cơ quan Hải quan sẽ truyền thông tin vi phạm pháp luật của DN cho cơ quan ĐKKD để kiểm tra và phối hợp xử lý chấp thuận/không chấp thuận hồ sơ đăng ký tạm ngừng kinh doanh cho DN.

Thứ tư là về NNT không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký. Tổng cục Thuế nhận thấy, về bản chất trạng thái 06-NNT không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký là NNT đã ngừng hoạt động nhưng không làm thủ tục ngừng hoạt động với cơ quan ĐKKD và cơ quan thuế theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý thuế. Các DN này ngoài hành vi vi phạm về ĐKDN, đăng ký thuế còn có các hành vi vi phạm như không khai thuế, nợ thuế, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, một số DN là DN “ma” bán hóa đơn đã bị cơ quan thuế, cơ quan điều tra phát hiện hoặc có dấu hiệu nghi vấn.

PV: Đối với các ngành chức năng liên quan khác thì sao, ngành Thuế đã có kiến nghị gì, thưa bà?

Bà Lê Thị Duyên Hải: Bên cạnh các ý kiến đề xuất với Bộ KH&ĐT sửa quy định về thành lập DN, chúng tôi cũng đã có đề nghị cơ quan Công an tăng cường phối hợp trao đổi cung cấp thông tin khi ban hành các thông báo, các quyết định liên quan đến các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật cho cơ quan thuế.

Đối với công tác phối hợp với cơ quan Hải quan, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố thường xuyên trao đổi thông tin, cập nhật danh sách rủi ro cao giữa cơ quan Hải quan và cơ quan thuế để đánh giá thực tế hoạt động của DN trên địa bàn, từ đó thống nhất các giải pháp quản lý ngăn chặn hoạt động gian lận về hóa đơn và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

PV: Ngoài các kiến nghị nêu trên, cần thêm giải pháp gì để ngăn chặn triệt để hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp, thưa bà?

Bà Lê Thị Duyên Hải: Bên cạnh kiến nghị sửa đổi một số quy định của pháp luật, ngành Thuế đang rà soát các quy định pháp luật về hóa đơn, đặc biệt là thủ tục đăng ký sử dụng HĐĐT, lập HĐĐT. Hiện nay, DN sau khi đăng ký thành lập, việc đăng ký sử dụng HĐĐT được thực hiện bằng phương thức điện tử, chỉ sử dụng chữ ký số cấp cho tổ chức do các tổ chức cung cấp chữ ký số cấp (chữ ký nhân danh) là chưa đảm bảo chặt chẽ, không có thông tin xác thực danh tính của người sử dụng chữ ký số, không có chữ ký số của cá nhân là người lập hóa đơn hoặc chữ ký số của người đại diện pháp luật của DN trên hóa đơn (bản chất chữ ký số nhân danh được hiểu là thay cho con dấu của tổ chức).

Vì vậy, Tổng cục Thuế đề xuất bổ sung chữ ký số trên hóa đơn phù hợp với chữ ký số đã đăng ký trên tờ khai Mẫu 01ĐKTĐ/HĐĐT và phải xác thực danh tính, xác thực điện tử khi đăng ký theo quy định tại Nghị định số 69/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

PV: Xin cảm ơn bà!

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bai-3-kiem-soat-chat-tu-khau-dang-ky-kinh-doanh-159966-159966.html