Bài 3: Miệt mài 'đãi cát tìm vàng' (tiếp theo và hết)

Thể thao Việt Nam tuy còn khó khăn nhưng đã biết phát huy sức mạnh tổng hợp của các tỉnh, thành phố, ngành, qua đó có được sự đầu tư mạnh mẽ và phong phú hơn là chỉ dựa vào 'bầu sữa' không đủ của Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT).

Sự khổ luyện, dấn thân cùng khát khao chiến thắng mãnh liệt của đội ngũ huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) Quân đội đã góp phần làm rạng danh thể thao nước nhà. Để có được các VĐV tài năng, các đoàn/đội/trung tâm TDTT Quân đội đang ngày đêm tìm kiếm, đào tạo đội ngũ kế vận, với mong muốn duy trì, phát huy sức mạnh thể thao Quân đội.

Hữu xạ tự nhiên hương

Vui mừng sau khi đội nhà đoạt chức vô địch Giải bóng chuyền trẻ Cúp câu lạc bộ (CLB) quốc gia năm 2022, Trung tá Đào Đình Thiếu, Chính trị viên CLB Bóng chuyền nữ Bộ tư lệnh Thông tin cho chúng tôi hay: “Những năm qua, việc tìm kiếm VĐV năng khiếu rất khó khăn khi ngày càng có nhiều CLB tuyển chọn, mức độ cạnh tranh cao. Tuy nhiên, nhờ bề dày truyền thống cùng thành tích đáng nể, nhiều gia đình, phụ huynh đã chủ động liên hệ và tìm đến CLB để gửi gắm con em. Tháng 6-2022, khi đội trẻ CLB thi đấu giải hạng A tại Quảng Ngãi, gia đình cháu Nguyễn Phạm Diễm Thịnh (sinh năm 2011) tại huyện đảo Lý Sơn đã tìm đến chúng tôi. Sau đó, cháu Diễm Thịnh được tuyển chọn nhờ chiều cao tốt (1,67m) và có thể đạt đến chiều cao tối đa hơn 1,8m. Gia đình cháu Trịnh Ngọc Mai (sinh năm 2010) ở thị trấn Việt Quang (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) sau khi đọc được thông tin tuyển sinh VĐV năng khiếu của CLB đã nhanh chóng tìm đến lãnh đạo đội bóng. Nhờ sở hữu chiều cao 1,72m và có tố chất, cháu Ngọc Mai cũng đã được tuyển chọn. Trong năm 2022, CLB Bóng chuyền nữ Bộ tư lệnh Thông tin đã tuyển sinh 10 VĐV năng khiếu từ 32 VĐV đăng ký ban đầu. Nhiều bố mẹ, ông bà vì mến mộ và tin tưởng vào truyền thống, danh tiếng của CLB nên đã chủ động liên hệ, ứng tuyển cho con cháu”.

Tuyển thủ quân đội Nguyễn Tiến Trọng, đương kim vô địch SEA Games nhảy xa nam. Ảnh: NGỌC TÚ.

Tuyển thủ quân đội Nguyễn Tiến Trọng, đương kim vô địch SEA Games nhảy xa nam. Ảnh: NGỌC TÚ.

Ở khu vực trung tâm như TP Hồ Chí Minh, việc tuyển chọn các tài năng trẻ thể thao vô cùng vất vả. Đội boxing của Trung tâm TDTT Quốc phòng 2 (Quân khu 7) thường tuyển chọn VĐV ở Quảng Ngãi, Bình Định, Đồng Nai. Trong khi đó, ở Đoàn Thể thao Bộ đội Biên phòng, nhiều khi HLV trở về tay trắng khi đi tìm VĐV năng khiếu. Việc tuyển chọn VĐV hóa ra như “mò kim đáy bể”. Tìm hiểu việc đi tìm các cháu có năng khiếu thể thao với Thiếu tá QNCN Phạm Đình Khỏe, HLV đội bóng chuyền năng khiếu (Đoàn TDTT Bộ đội Biên phòng), chúng tôi mừng cho anh khi vừa tìm được hai VĐV năng khiếu ở Nam Định là cháu Đinh Gia Bảo (sinh 2007, cao 1,88m) và cháu Đỗ Xuân Hùng (sinh 2008, cao 1,87m). Trước mỗi chuyến đi, HLV Phạm Đình Khỏe lại lên mạng, tra Google xem huyện, xã, địa phương nơi mình chuẩn bị đến có trường học nào, rồi một mình một xe máy lặn lội vào Nghệ An, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái... Mỗi chuyến đi thường kéo dài 7-10 ngày. Ưng thuận cháu nào, thầy Khỏe tìm đến gia đình, trò chuyện, thuyết phục phụ huynh cho các cháu về đoàn thử việc. Từ đầu năm đến giờ, trong các chuyến đi tìm kiếm tài năng trẻ, thầy Khỏe đã phát hiện 7 cháu có năng khiếu, hiện đang tập luyện, thử việc ở đoàn.

Với CLB Bóng chuyền nữ Bộ tư lệnh Thông tin, các đội ở Trung tâm TDTT Quân đội, Trung tâm TDTT Quốc phòng 2... có mối quan hệ tốt với cơ sở “vệ tinh” nằm ở các tỉnh, thành phố nên việc tìm kiếm VĐV năng khiếu thuận lợi hơn. Nhiều địa phương, thậm chí ở ngay Thủ đô Hà Nội, còn “trải thảm đỏ” mời các thầy, HLV ở trung tâm về dạy bảo, huấn luyện cho các em nhỏ, thanh niên trong xã.

Còn đó những băn khoăn

Qua các cuộc trò chuyện với HLV, lãnh đạo một số đoàn/đội/trung tâm TDTT Quân đội, chúng tôi nhận thấy các anh đang có những mối bận tâm, đó là về chế độ đãi ngộ, đầu tư cho VĐV, việc thuê chuyên gia, trang bị cơ sở vật chất.

Kình ngư Trần Hưng Nguyên ghi dấu ấn ở SEA Games rồi nhưng để tuyển thủ người Quảng Bình này có thể làm “dậy sóng” đường đua xanh ở đấu trường ASIAD, lại rất cần sự quan tâm, đầu tư chuyên biệt như Ánh Viên. Còn hiện tại, cơ sở vật chất ở Trung tâm TDTT Quốc phòng 5 tuy vẫn đáp ứng được yêu cầu tập luyện của đội bơi, đội lặn nhưng nhiều hạng mục đã xuống cấp. Khu nhà ở 3 tầng của VĐV, phòng có điều hòa phòng không. Phụ huynh lên thăm con em thấy phòng nóng quá, hò nhau góp kinh phí mua điều hòa cho các cháu dùng. Lãnh đạo trung tâm cũng muốn các VĐV có điều kiện ăn nghỉ tốt nhưng ngặt nỗi thiếu kinh phí nên chưa thể lắp điều hòa hết cho các phòng.

Ở Trung tâm TDTT Quốc phòng 2 (Quân khu 7), điều kiện ăn ở của VĐV được bảo đảm ở mức tốt nhất. Tin mừng khi đội xe đạp vừa được nhà tài trợ hỗ trợ mua xe mới cho cua-rơ luyện tập, thi đấu nhưng không phải đội/đoàn/trung tâm thể thao Quân đội nào cũng có được may mắn như vậy.

Chế độ đãi ngộ chưa hấp dẫn cũng khiến thể thao Quân đội bị “chảy máu” tài năng. Có giải đấu, do không đủ người nên có đội bóng chuyền phải mượn người từ đơn vị khác mới đủ lực lượng thi đấu. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Hoàng Văn Khương, Đoàn trưởng Đoàn TDTT Bộ đội Biên phòng chia sẻ: “Cả đoàn hiện chỉ có 6 VĐV là quân nhân chuyên nghiệp, còn lại là 11 chiến sĩ và lao động hợp đồng, nên lúc nào chúng tôi cũng lo lắng việc không giữ được quân. Không có đủ lực lượng nòng cốt thì rất khó duy trì việc tập luyện, thi đấu, duy trì thành tích”.

Dẫu còn một số khó khăn nhưng tại SEA Games 31, các VĐV Quân đội đã giành được 49 huy chương, trong đó có 26 huy chương vàng (HCV), 15 huy chương bạc, 8 huy chương đồng, góp phần vào thành công chung của Đoàn thể thao Việt Nam. Nổi bật có kình ngư Trần Hưng Nguyên giành 4 HCV, phá 2 kỷ lục tại đại hội ở nội dung 400m hỗn hợp và 4x200m tự do tiếp sức; chân chạy Nguyễn Văn Lai giành 2 HCV nội dung 5.000m và 10.000m; tuyển thủ Kim Anh Kiệt giành HCV, phá kỷ lục đại hội nội dung lặn 1.500m vòi hơi chân vịt.

Tại buổi lễ tuyên dương Đoàn thể thao Quân đội tham gia SEA Games 31, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Quá trình chuẩn bị và thi đấu các đồng chí đã thể hiện được phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận thể thao, lòng tự tôn dân tộc, thi đấu vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc”.

Biểu dương những thành tích của thể thao Quân đội tại SEA Games 31 nhưng Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cho rằng: “Các HLV cần phải tiếp tục học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, huấn luyện nghiêm túc, khoa học; các VĐV cần tập luyện chăm chỉ, tích cực hơn nữa, thường xuyên rèn luyện phẩm chất “thắng không kiêu, bại không nản”, để vươn tới những thành tích mới, kỷ lục mới”.

Đồng chí Tổng Tham mưu trưởng yêu cầu: “Các cơ quan, đơn vị chức năng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, tìm ra những nguyên nhân dẫn đến thi đấu một số nội dung chưa đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, thi đấu, nuôi dưỡng, bảo đảm chế độ chính sách để tiếp tục phát triển thể thao thành tích cao Quân đội vững chắc, toàn diện, đúng hướng, hiệu quả. Đồng thời nghiên cứu quy hoạch phát triển TDTT Quân đội nói chung, trong đó có thể thao thành tích cao lên tầm cao mới. Trước mắt tập trung mọi nguồn lực, chuẩn bị lực lượng tham gia Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 năm 2022; SEA Games 32 năm 2023 để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao”.

HLV kỳ cựu Lê Công phân tích: Thuê chuyên gia giỏi, có trình độ là xu hướng tất yếu của thể thao thế giới. Nhưng trong hoàn cảnh còn khó khăn, chúng ta phải huy động sức mạnh nội lực, kích thích tinh thần cống hiến, khổ luyện. Tôi vẫn thường khuyên bảo học trò hồi còn dẫn quân thi đấu: “Các con hãy thi đấu vì người hâm mộ. Hãy vững tin đến giây phút cuối cùng, cố gắng giành lấy chiến thắng, mang vinh quang về dâng hiến cho Tổ quốc; có như thế mới xứng đáng với thế hệ cha ông đã hy sinh, đổ bao xương máu để giành lấy độc lập cho dân tộc, cho nước nhà”.

CƯỜNG HÙNG TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/bai-3-miet-mai-dai-cat-tim-vang-tiep-theo-va-het-709914