Bài 3: Tạo động lực để đổi mới, bứt phá
Từ giải pháp cụ thể cùng sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân các dân tộc trong huyện, nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Bá Thước đã có những bước 'chuyển mình' đáng ghi nhận, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục hoạch định những mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo, phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện khá của khu vực miền núi xứ Thanh.
Huyện Bá Thước phấn đấu trở thành huyện khá của khu vực miền núi
Thị trấn Cành Nàng nhìn từ trên cao. Ảnh: Thế Anh (Trung tâm VH-TT-DL Bá Thước)
“Chuyển mình” mạnh mẽ
Mỗi một nhiệm kỳ đại hội là một chặng đường đánh dấu sự trưởng thành, phát triển đi lên. Đối với huyện Bá Thước, trong 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện đã phát huy sự đoàn kết thống nhất, vững tin, đồng lòng hoàn thành tốt các nhiệm vụ, bộ mặt nông thôn miền núi từng bước được “thay da, đổi thịt”, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong huyện được cải thiện đáng kể.
Đồng chí Trương Văn Lịch, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bá Thước đánh giá: Nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Bá Thước đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. 30/34 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đạt và vượt mục tiêu đề ra. Các chương trình phát triển kinh tế – xã hội đều gắn với hiệu quả bền vững. Nổi bật đó là tốc độ tăng giá trị sản xuất cao nhất từ trước đến nay (ước đạt 16,1%); kết cấu hạ tầng (trụ sở các xã, hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế xã) được đầu tư; hoạt động kinh doanh dịch vụ có bước phát triển vượt bậc, cả số lượng và chất lượng, đặc biệt là dịch vụ nhà hàng, trung tâm tổ chức sự kiện... Khu Du lịch sinh thái Pù Luông được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh, du lịch sinh thái cộng đồng có bước phát triển mạnh, tạo dấu ấn quan trọng trong phát triển kinh tế chung của địa phương... Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 31,6 triệu đồng, gấp 2,18 lần so với năm 2015. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ, sáng tạo, đạt nhiều kết quả tốt. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm.
Những thành tựu nổi bật mà huyện đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua được ghi nhận và đánh giá cao nhờ có những định hướng đúng đắn từ các chương trình trọng tâm và các khâu đột phá mà Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXII đã lựa chọn. Từ đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cũng như “dồn” các nguồn lực đầu tư cho phát triển, tạo sự thúc đẩy mạnh mẽ, đánh dấu bước “chuyển mình” của huyện Bá Thước trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Trong đó, tổng huy động vốn đầu tư phát triển thời kỳ 2016 - 2020 đạt được 5.741 tỷ đồng (vượt 4,4% so với kế hoạch đề ra). Trong đó vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chiếm 20,2%. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, huyện đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư, cam kết đầu tư vào lĩnh vực du lịch và nông nghiệp.
Huyện đã chỉ đạo dồn điền đổi thửa, thực hiện thí điểm thành công tại xã Lương Trung và triển khai kế hoạch tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện chuyển đổi 1.137,3 ha đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang các cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản hiệu quả kinh tế cao hơn. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển dịch, hình thành các vùng sản xuất tập trung, như: Trồng mía đường ở xã Lương Trung, Lương Nội; trồng mía tím ở xã Điền Lư, Điền Trung; trồng sắn ở xã Thiết Ống, Kỳ Tân; vùng rau sạch tập trung ở xã Điền Lư; trồng mướp đắng lấy hạt ở xã Lũng Cao, Cổ Lũng; phát triển vật nuôi có lợi thế như: Nuôi vịt bản địa tại các xã cụm Quốc Thành, bò Úc ở xã Lương Trung... Tổng đàn gia súc, gia cầm và các con nuôi có lợi thế tăng cả về số lượng và chất lượng, góp phần chủ yếu vào tăng trưởng của ngành chăn nuôi giai đoạn 2015 - 2020. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện tăng từ 191 ha năm 2015 lên ổn định ở mức 250,2 ha với 757 hộ nuôi thủy sản năm 2020. Sản lượng thủy sản tăng nhanh từ 909 tấn năm 2015 lên 1.300 tấn năm 2020. Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản từ 58 triệu đồng/ha năm 2015 lên 80 triệu đồng/ha năm 2020.
Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), mặc dù còn nhiều gian nan, nhưng giai đoạn 2015 - 2020, toàn huyện đã huy động 2.055 tỷ đồng, lồng ghép các chương trình dự án, Nhân dân đóng góp tiền, công sức, tập trung xây dựng NTM. Bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc. Toàn huyện xây dựng thành công 4 xã đạt chuẩn xã NTM (hiện còn 3 xã vì xã Tân Lập đã được sáp nhập vào thị trấn Cành Nàng), đạt 15% tổng số xã trên địa bàn và 67 thôn đạt chuẩn thôn NTM, đạt 36,6% tổng số thôn, bản trong huyện.
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đã được khai thác hiệu quả. Số lượng homestay, nhà nghỉ trong khu vực chiếm hơn 80% số lượng cơ sở lưu trú trên toàn huyện; thu hút lượng lớn khách du lịch, tập trung hơn 90% khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng. Các mô hình trồng cây dược liệu tại các xã khu Quốc Thành như: Giảo cổ lam, nấm lim xanh... bước đầu đã có kết quả. Hiện tại trên địa bàn huyện đã xuất hiện một số đại lý thu mua các cây dược liệu. Đây là điều kiện để thúc đẩy việc trồng, chế biến dược liệu trên địa bàn huyện, phục vụ du lịch và góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân.
Đó là những thông tin, số liệu minh chứng một phần cho những dấu ấn đáng khích lệ mà huyện Bá Thước đã đạt được trong nhiệm kỳ, tạo động lực quan trọng để cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong huyện tiếp tục nỗ lực, vượt qua khó khăn để vươn tới những mục tiêu nhiệm vụ mới ở tầm cao hơn.
Phấn đấu thành huyện khá của khu vực miền núi
Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Bá Thước đang tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho một nhiệm kỳ mới đã và đang được hoạch định để sẵn sàng bước sang một giai đoạn mới.
Theo đó, mục tiêu chung mà huyện đặt ra đó là tiếp tục huy động hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội nhanh, toàn diện và hiệu quả, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Phát triển dịch vụ, du lịch, kết cấu hạ tầng. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Xây dựng quốc phòng - an ninh vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đó là phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, phấn đấu vươn lên thành huyện khá của khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa.
Đáng chú ý, chương trình phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và phát triển du lịch tiếp tục được lựa chọn là một trong 2 chương trình trọng tâm với những định hướng nổi bật như: Đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, tích tụ tập trung đất đai, tùy theo lợi thế của từng vùng, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Quan tâm phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hộ, kinh tế tư nhân trong phát triển nông nghiệp, phát triển sản xuất phải gắn với thu mua chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng NTM gắn với việc phát huy, tôn tạo các lợi thế của tự nhiên, các di tích lịch sử, di sản văn hóa bản địa, văn hóa ẩm thực, thu hút và phát triển du lịch cộng đồng ở nông thôn, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 60% xã đạt chuẩn NTM, 59% số thôn trên địa bàn đạt chuẩn NTM.
Huyện lựa chọn chương trình xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới là một chương trình quan trọng. Đồng thời đặt ra 3 khâu đột phá, đó là: Phát triển sản phẩm nông nghiệp lợi thế phục vụ phát triển du lịch; xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút đầu tư, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân.
Xây dựng Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy Bá Thước đã nhiều lần tổ chức lấy ý kiến góp ý nhằm tập trung trí tuệ, thảo luận, tìm ra những giải pháp hữu hiệu, hướng đi phù hợp, sát thực tế. Theo đó, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cũng được đặt ra, trọng tâm sẽ là phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, nâng cao tính cạnh tranh các ngành kinh tế, các sản phẩm chủ lực của địa phương; tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực kinh tế; ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ. Đối với lĩnh vực văn hóa – xã hội, đó là nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội; giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc; nâng cao đời sống Nhân dân. Đồng thời, tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên, khoáng sản; làm tốt công tác bảo vệ môi trường; tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Chặng đường phía trước còn không ít khó khăn, trở ngại trước yêu cầu phát triển mới, nhưng tin tưởng rằng với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, huyện Bá Thước sẽ tạo bước phát triển mới, đưa huyện Bá Thước thoát nghèo bền vững, trở thành huyện khá của khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa.