Bài 4: Khu di tích K9 - Đá Chông: Nơi gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác
392 đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác toàn quốc năm 2019 có dịp về thủ đô Hà Nội sôi nổi tham gia các hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) do Trung ương Đoàn tổ chức. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu, rộng, giúp tuổi trẻ nhận thức sâu sắc hơn giá trị to lớn bản Di chúc của Người; tiếp tục rèn luyện đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, xây dựng hình mẫu thanh niên trong thời kỳ mới.
Nằm cạnh bờ sông Đà, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội hơn 70km, Khu di tích (KDT) K9 - Đá Chông (huyện Ba Vì, Hà Nội) là một trong những địa danh, di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lúc Người còn sống đến khi qua đời.
Nơi làm việc và giữ thi hài của Bác
Một ngày cuối tháng 8, nắng vàng trải nhẹ, 392 đảng viên (ĐV) trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác toàn quốc năm 2019 về KDT. Không ít bạn trẻ thắc mắc vì sao KDT này lại có tên gọi là K9?
Sau khi thắp nén hương thơm thành kính dâng lên Bác, cán bộ Đoàn 285 - Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Đoàn Văn Tuyến giải thích, vùng đất này gắn với sự kiện đặc biệt. Vào một ngày của tháng 5/1957, Bác Hồ đến thăm Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà. Bác dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đồi, nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền kề nhau. Người ngỏ ý với các cán bộ cùng đi xây dựng ở đây một nhà làm việc của Bác và Trung ương, đề phòng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Công trình này được Bác trực tiếp duyệt thiết kế, cắm cọc; Bộ Tư lệnh Công binh có nhiệm vụ khởi công xây dựng với mật danh Công trường 5. Ngày 15/3/1960, ngôi nhà 2 tầng hoàn thành, Bác lên dự khánh thành. Từ đó, nơi đây được đổi tên thành Khu căn cứ K9 (gọi tắt là K9).
Tại KDT K9 - Đá Chông, trong 9 năm (từ 1960 đến 1969), Bác Hồ và một số đồng chí trong Bộ Chính trị, Trung ương Đảng nhiều lần họp bàn việc nước. Đồng thời, Người từng tiếp đón bà Đặng Dĩnh Siêu - phu nhân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai; ông Hà Vĩ - Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và Đoàn cán bộ Quân đội Liên Xô do Anh hùng phi công vũ trụ Giec man Ti-tốp dẫn đầu.
Cán bộ Đoàn 285 - Đoàn Văn Tuyến kể tiếp: “Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Nhằm đề phòng chiến tranh có thể xảy ra trên phạm vi cả nước, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn K9 là nơi giữ gìn thi hài Bác với mật danh khu căn cứ K84. 6 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1969-1975), thi hài Bác được giữ gìn, bảo quản chủ yếu tại đây và ở Thủ đô Hà Nội”.
Khu căn cứ K84 không chỉ là nơi giữ gìn, bảo quản thi hài Bác mà còn diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như tiến hành chỉnh hình thi hài Bác, Hội đồng khoa học Liên Xô - Việt Nam đánh giá trạng thái thi hài Bác,... Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta mong đợi được đón Bác về Lăng. Đúng 16 giờ, ngày 18/7/1975, đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác được lệnh xuất phát rời K84 về Lăng của Người, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Từ đây, khu K84 trở thành căn cứ dự phòng cho Lăng Bác.
Làm theo Di chúc của Bác
Về với K9 - nơi gắn liền cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, các ĐV trẻ nhận thức rằng, việc tự giác học tập và làm theo gương Bác là niềm vinh dự, nghĩa vụ và trách nhiệm thiêng liêng.
ĐV trẻ tiêu biểu đến từ tỉnh Vĩnh Long - Cao Thị Huyền bộc bạch: “Qua những lời giới thiệu về di tích, chúng tôi càng hiểu thêm di sản mà Bác để lại nơi đây là đạo đức, tác phong, lối sống cao đẹp, giản dị. Nơi đây lưu giữ nhiều kỷ niệm mà Bác và các đồng chí Trung ương từng làm việc; tình cảm cao quý mà Người dành cho bạn bè quốc tế”.
Đến với K9 lần này, 392 ĐV trẻ thăm hỏi, tặng quà 3 Mẹ Việt Nam Anh hùng; nhiều thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ neo đơn tại huyện Ba Vì, Hà Nội. Đặc biệt, mỗi ĐV trẻ tự tay trồng 1 cây xanh, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. “Sinh thời, Bác Hồ rất yêu và gần gũi với thiên nhiên. Di chúc của Người cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục trồng cây gây rừng. Vì vậy, về thăm Bác lần này, chúng tôi trồng 392 cây trên đồi Đá Chông vừa làm kỷ niệm, vừa góp phần tạo thành rừng, phong cảnh đẹp và có lợi cho công nghiệp” - ĐV trẻ tiêu biểu đến từ tỉnh Đồng Tháp - Lê Phước Nam chia sẻ.
Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu từng khen ngợi: “Vinh quang thay K9! Suốt bao năm đón Bác đi về/Lẫm liệt thay Đá Chông! Những ngọn mác ngang trời hùng vĩ”. Bảo tồn nguyên vẹn di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9 là bảo tồn một không gian thiêng liêng, phong cách sống giản dị của Bác./.