Bài 4: 'Sao vuông' xung kích

Trong 'cơn bão' Covid-19 ở Hải Dương, gần 1.000 chốt kiểm soát phòng dịch và hàng trăm khu cách ly, tổ giám sát Covid cộng đồng được thành lập, đòi hỏi nguồn nhân lực khổng lồ. Khối lượng công việc rất lớn và khẩn trương ấy sẽ không thể hoàn thành tốt nếu thiếu sự xung kích tham gia của lực lượng dân quân, tự vệ (DQTV)...

Một ngày bám chốt...

Sáng 25-2, có mặt tại “điểm nóng” huyện Kim Thành, Thượng tá Vũ Đăng Khoa, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện thông báo nhanh với chúng tôi: Tính đến 6 giờ sáng nay, toàn huyện có 25 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 1.026 trường hợp F1 đã được tập trung cách ly, trong đó hoàn thành cách ly 225 người. Ban CHQS huyện cũng tăng cường thêm lực lượng DQTV cho 7 chốt phòng dịch của tỉnh. Hiện DQTV của huyện đang phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở 75 chốt phòng dịch, 13 điểm cách ly với tổng quân số 214 đồng chí. Lực lượng chức năng đã lấy hơn 35.000 mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân các xã: Kim Liên, Kim Anh, Ngũ Phúc và thị trấn Phú Thái. Cả hệ thống chính trị địa phương đang dốc sức triển khai đồng bộ các giải pháp khoanh vùng, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh; trong đó, lực lượng quân sự, DQTV tham gia rất tích cực...

Lực lượng dân quân huyện Kim Thành (Hải Dương) tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Lực lượng dân quân huyện Kim Thành (Hải Dương) tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Có mặt tại các điểm chốt phòng dịch, khu vực cách ly tập trung trên địa bàn huyện Kim Thành, chúng tôi nhận thấy lực lượng quân đội, công an, DQTV, y tế cùng các tổ chức đoàn thể phối hợp với nhau khá nhịp nhàng. Trong sự phối hợp ấy, gần 1.000 chốt kiểm soát phòng dịch sẽ khó hoạt động hiệu quả nếu thiếu sự hỗ trợ của những chiến sĩ “sao vuông”. Dù là lực lượng không chuyên, nhưng ai cũng nhiệt thành, tận tâm, trách nhiệm với công tác PCD.

Gần một tháng kể từ khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại tỉnh Hải Dương (27-1), anh Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1989, ở thôn Bằng Lai, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành) ngày nào cũng có mặt ở các chốt phòng dịch của xã. Thật không ngờ người thanh niên vóc dáng nhỏ bé này chứa trong mình nguồn năng lượng dồi dào, khí thế mạnh mẽ, trái ngược hoàn toàn với dáng vẻ bên ngoài. Nhiệm vụ của anh là hỗ trợ lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát, nhắc nhở người dân thực hiện các quy định phòng dịch của địa phương. “Những ngày đầu, bà con chưa hiểu nên vẫn có biểu hiện thờ ơ trong công tác PCD. Giờ thì khá rồi, tất cả đều chấp hành tự giác”, anh Hiếu cho hay.

Những chốt phòng dịch cấp xã được bố trí 12 người, trong đó luôn có hai chiến sĩ DQTV được chia thành 4 ca/ngày. Các chốt hoạt động 24/24 giờ. Hết ca làm việc, anh Hiếu trở về đơn vị, tranh thủ nghỉ ngơi cho ca trực tiếp theo. Cảnh giác với nguy cơ có thể bị lây nhiễm dịch, anh luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với mọi người theo đúng quy định phòng dịch.

Tại chốt B, ga Phú Thái, huyện Kim Thành, anh Phạm Văn Khôi, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thị trấn Phú Thái cùng lực lượng chức năng kiểm soát người và phương tiện đi qua, tiến hành phun khử khuẩn các phương tiện. Từ ngày 16-2 đến nay, tình hình dịch có chiều hướng phức tạp, anh trực chỉ huy ở cơ quan, không về nhà. Những chốt nào thiếu người trực thì anh tham gia hỗ trợ.

Đến khu cách ly tại Trường Tiểu học Phú Thái (thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành), chúng tôi lại càng thấm thía sự hy sinh của lực lượng DQTV. Tại đây, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Mến, sinh năm 1987. Chị Mến có 3 người con, nhỏ nhất mới 20 tháng tuổi. Trước Tết, chồng chị tranh thủ về nhà nội ở Nam Định, với ý định đón 4 mẹ con về ăn Tết. Chẳng may dịch Covid-19 bùng phát, nên anh chị xa nhau từ đó đến giờ. Vậy nhưng, khi được giao nhiệm vụ tham gia lực lượng PCD Covid-19, chị Mến vẫn hoàn thành tốt các công việc.

Và phút trải lòng...

Hăng hái là thế, nhưng các chiến sĩ “sao vuông” cũng vẫn là người cha, người mẹ, người con trong gia đình. Tham gia công tác PCD, trong lòng không khỏi có những tâm tư. Dịch bệnh khiến những chiến sĩ “sao vuông” vất vả thêm nhiều và họ đã phải gác lại bao nỗi niềm riêng...

Chiến sĩ dân quân Nguyễn Thị Mến.

Chiến sĩ dân quân Nguyễn Thị Mến.

- Chị tham gia PCD thế này đồng nghĩa với việc đến khi nào dịch được khống chế và sau đó phải cách ly ít nhất hai tuần nữa mới được về nhà. Chưa kể chính tại đây, ở phòng 13 đã phát hiện hai ca dương tính với virus SARS-CoV-2, có nguy cơ lây nhiễm. Vậy các con chị ở nhà ăn uống, sinh hoạt ra sao?, chúng tôi hỏi chị Nguyễn Thị Mến.

- Mẹ tôi năm nay 72 tuổi nhưng may vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Con út của tôi vốn sinh non, chỉ uống được sữa ngoài nên mẹ có thể thay tôi chăm sóc cháu. Gia đình tôi có 10 bác tham gia du kích, thanh niên xung phong, trong đó có hai bác là liệt sĩ. Mẹ tôi cũng từng là thanh niên xung phong nên khi biết tôi có ý định xung phong đi chống dịch, mẹ rất ủng hộ. Sống trong một gia đình như thế, lại có sự ủng hộ của mọi người, tôi có thêm động lực lớn để quyết tâm đóng góp sức mình vào công cuộc chóng lại đại dịch.

Tinh thần xung kích ấy cũng được chúng tôi cảm nhận khi trò chuyện với anh Nguyễn Văn Hiếu. Anh kể: “Tôi tham gia PCD đợt này là lần thứ 2. Đợt 1 vào đầu năm ngoái, tôi tham gia gần 1 tháng. Tôi còn trẻ, lại là lực lượng dân quân thì phải có trách nhiệm đóng góp cho xã hội, cho quê hương”.

Tại khu vực cách ly ở Trường Tiểu học Kim Anh (xã Kim Anh), chúng tôi gặp chiến sĩ dân quân Nguyễn Văn Đức và tổ công tác đang triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nhắc nhở công dân cách ly thực hiện nghiêm các quy định PCD. Chúng tôi hỏi chuyện, anh Đức cho biết, vợ anh mới sinh con đầu được hơn 5 tháng. Dù gia đình còn nhiều khó khăn nhưng anh Đức xác định rõ trách nhiệm của người chiến sĩ dân quân, đồng thời cũng nhận được sự động viên, ủng hộ rất cao từ gia đình.

Một trong những nguồn động viên lớn để các chiến sĩ “sao vuông” thêm an tâm, phát huy tốt tinh thần xung kích là quá trình thực hiện nhiệm vụ, họ luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ của rất nhiều người. Ai có bánh tặng bánh, ai có hoa quả tặng hoa quả. Cứ đều đặn trưa và tối họ lại nhận được những suất cơm nóng, đầy đủ dinh dưỡng từ bà con trong xã cung cấp miễn phí và cả những lời thăm hỏi, động viên chân thành. Điều đó khiến không chỉ dân quân Nguyễn Văn Đức mà tất cả những đồng chí DQTV đang gồng mình chống dịch ở Hải Dương đều cháy bỏng quyết tâm tích cực trong công việc, góp phần chiến thắng đại dịch.

Theo Đại tá Hồ Sỹ Quyện, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Hải Dương: Toàn tỉnh đã huy động 2.276 đồng chí DQTV tham gia công tác PCD, trong đó 81 chiến sĩ DQTV thực hiện nhiệm vụ tại các khu cách ly. DQTV là lực lượng tại chỗ, có vai trò rất quan trọng trong công tác PCD ở cơ sở. Tại các khu cách ly tập trung, DQTV tích cực tham gia quản lý, duy trì thực hiện các chế độ quy định; canh gác bảo đảm an toàn, giám sát giãn cách, phục vụ ăn nghỉ, phối hợp thực hiện khử trùng, khử khuẩn, ghi chép, theo dõi người ra, vào khu cách ly... Tại các chốt phòng dịch, anh em là lực lượng quan trọng tham gia trực, chốt chặn tại những chốt giao thông quan trọng, các địa bàn phong tỏa, các trường học, cơ sở khám, chữa bệnh có bệnh nhân nhiễm Covid-19 và người nghi nhiễm... Bên cạnh đó, lực lượng DQTV còn tham gia vận chuyển, lắp đặt cơ sở vật chất trong các bệnh viện dã chiến, tuyên truyền PCD, truy vết “các F” và xử lý những tình huống đột xuất trong PCD của địa phương...

ĐÔNG SƠN - VIỆT HUY - HÀ HIẾU

(còn nữa)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/bo-doi-cu-ho-tren-tuyen-dau-chong-dich/bai-4-sao-vuong-xung-kich-652637