Bài cuối: Để Hà Nội là thành phố xanh đáng sống

Những năm gần đây, trong quy hoạch, Hà Nội chú trọng đẩy mạnh yếu tố 'xanh' để tăng mảng xanh cho đô thị. Trong đó, việc mở rộng các không gian xanh công cộng ở nhiều nơi đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của đô thị, hướng đến xây dựng Hà Nội trở thành nơi đáng sống.

Hiệu quả xuất phát từ cộng đồng

Mới đây, một khoảnh đất rộng tới 1.500m2, bị bỏ hoang nhiều năm như một bãi rác tại bờ vở sông Hồng (Hà Nội) đã được cải tạo thành một không gian công cộng đa chức năng, với màu xanh ngập tràn. Bắt đầu từ cuối năm 2021, dự án cải tạo môi trường bờ vở sông Hồng nhanh chóng đạt mục tiêu dọn hơn 200 tấn rác tại khu vực bờ vở phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), tạo diện mạo mới hoàn toàn cho bãi rác tự phát từng bị ô nhiễm nặng nề. Đến nay, sau dọn rác, dự án chuẩn bị bước sang giai đoạn tổng kết với những cây xanh, công trình xanh được xây lên.

Việc mở rộng các không gian xanh công cộng góp phần làm thay đổi bộ mặt của đô thị. Ảnh:K.Tiến

Việc mở rộng các không gian xanh công cộng góp phần làm thay đổi bộ mặt của đô thị. Ảnh:K.Tiến

Chị Lê Thị Hương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ: “Dự án thành công vì đã tạo ra một nền tảng để nhiều người yêu Hà Nội và các tổ chức, doanh nghiệp, chính quyền và đặc biệt là sự tham gia của người dân để chung tay biến khu vực này thành một hệ sinh thái xã hội. Nơi mà mỗi bên đóng góp một phần dựa trên vai trò và năng lực của mình để mở rộng thêm không gian xanh cho Hà Nội”.

Không chỉ ở bờ vở sông Hồng, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn Hà Nội cũng đã có nhiều sáng kiến, hoạt động trong công tác bảo vệ môi trường ở khu dân cư thông qua việc cải tạo các bãi rác ô nhiễm, trồng cây tạo mảng xanh, được tổ chức đến khu phố. Điều đáng mừng, Thành phố luôn lấy nhân dân làm trung tâm triển khai, để chính nhân dân là người tham gia thực hiện và là đối tượng thụ hưởng. Cùng với những dự án lớn của Thành phố, hiện có nhiều nỗ lực của các tổ chức xã hội và cộng đồng người dân trong việc kiến tạo và mở rộng không gian công cộng.

Tại tổ dân phố số 4 (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), thời gian qua, người dân cũng đã chung tay xây dựng thêm không gian xanh. Nhiều tuyến đường, trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn đã phủ bóng cây xanh, trở thành tiểu công viên, khu dân cư xanh - sạch - đẹp, không khí trong lành…

Hay tại huyện Thạch Thất, năm 2023, huyện phấn đấu trồng 10.000 cây xanh phân tán và một số loại cây ăn quả; bảo vệ và chăm sóc diện tích rừng hiện có, trồng mới và trồng bổ sung rừng. Mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, gia đình đều hưởng ứng chăm sóc tốt số cây hiện có, dành diện tích hợp lý để trồng cây xanh bảo vệ môi trường; góp phần thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV: Xây dựng huyện Thạch Thất phát triển nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh; đến năm 2025 tỷ lệ cây xanh đạt 12m2/người.

Nhiều cá nhân trên địa bàn Thủ đô cũng đã góp phần “phủ xanh” không gian đô thị. Trong đó, phải kể đến ông Trịnh Nhân Kỳ ở thôn Yên Trường, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã nỗ lực gìn giữ, phát triển cảnh quan và không gian xanh nơi làng quê. Trước quá trình đô thị hóa, cây xanh trở nên hiếm dần, cổ thụ chỉ còn một vài cây, những bức tường cây thì biến mất, ông ao ước có thể tự tay mình trồng và chăm sóc, tạo nên một hình cổng cây lớn. Đến nay, công trình cây tuyệt mỹ của ông Kỳ đã có độ tuổi 30 năm, làm đẹp nhà, đẹp làng và là điểm đến của nhiều khách phương xa.

Phủ kín không gian xanh

Trên thực tế, theo các chuyên gia, không gian xanh đô thị không chỉ có cây xanh đường phố, công viên, mặt nước mà cần phải có cái nhìn bao quát hơn với các hành lang xanh, vành đai xanh, đô thị sinh thái, khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, vùng trồng hoa, vùng bảo tồn cây xanh. Thời gian qua, việc phê duyệt một số đồ án quy hoạch phân khu đô thị quan trọng đã tạo ra cơ hội phát triển không gian xanh đô thị. Trong số này, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã định hướng sông Hồng là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa, lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm.

Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm: “Tiềm năng lớn nhất của sông Hồng nếu có định hướng quy hoạch tốt là quỹ đất, trong đó với riêng khu vực bãi giữa, bãi bồi trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là hơn 300ha. Tại khu vực nội đô lịch sử, mỗi người dân hiện được hưởng thụ bình quân 5-5,5m2 không gian xanh. Nếu khai thác được quỹ đất bãi làm không gian xanh, tỷ lệ trên sẽ được nâng lên tới gần 8m2/người”.

Trước đó, trao đổi về việc phát triển không gian xanh đô thị, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính cho rằng, các giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh, mặt nước thành phố Hà Nội có thể đến từ việc cần phải hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về quản lý hồ và cây xanh; xây dựng luật về cây xanh đô thị; hạn chế những yếu kém trong quản lý cây xanh đô thị bằng cách đánh giá lại công tác quy hoạch cây xanh đô thị.

Theo đó, quy hoạch không gian xanh phải được xem là một thành phần không thể thiếu trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các giải pháp quy hoạch không gian xanh cần được xem xét kỹ hơn về các yếu tố thiên nhiên và làm rõ vai trò điểm nhấn để tạo bản sắc trong đô thị. Đặc biệt, công tác quy hoạch, bảo vệ và bảo tồn cây xanh, mặt nước cần có sự tham gia của cộng đồng. Vì đây là một hoạt động bảo vệ môi trường đô thị, cần phải xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực. Bên cạnh đó, để nâng cấp không gian xanh hiện có, theo nhiều chuyên gia, Thành phố cần sớm khôi phục các dòng sông và hình thành các không gian xanh dạng tuyến.

Xanh hóa không gian công cộng bằng yếu tố cây xanh, mặt nước và phục hồi hệ sinh thái đô thị là giải pháp tối ưu Thành phố đang hướng tới nhằm khôi phục các giá trị tự nhiên. Thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” cũng như hướng tới thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố đặt ra, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 trồng gần 2,9 triệu cây xanh. Con số này sẽ góp phần làm tăng tỷ lệ cây xanh lên 8-10m2/người và nâng tỷ lệ che phủ của rừng từ 5,67% lên 6,2% vào năm 2025.

Sự thiếu hụt không gian xanh tại Hà Nội là trở ngại rất lớn cho chiến lược xây dựng Thủ đô “Xanh - thông minh - hiện đại”. Do đó, việc phát triển về quy mô và nâng cao chất lượng không gian xanh cho Hà Nội đang được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần sự tham gia từ các cấp, ngành tới sự hưởng ứng của các tổ chức và cộng đồng xã hội.

Tuấn Dũng - Kim Tiến

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bai-cuoi-de-ha-noi-la-thanh-pho-xanh-dang-song-158448.html