Bài cuối: Giữ phụ nữ ở lại với làng

'Thực tế, nhiều phụ nữ ở vùng cao rất khổ, là nạn nhân của bạo lực gia đình nhưng chính quyền, các tổ chức đoàn thể, họ hàng, hàng xóm lại không ra tay giúp đỡ bởi người vùng cao vẫn coi đó là chuyện riêng của mỗi gia đình. Đây là quan điểm cần phải thay đổi, cần được tuyên truyền, chấn chỉnh. Các cấp, các ngành phải vào cuộc vì đây là quyền bình đẳng, là quyền con người, có như thế mới góp phần giảm thiểu được tình trạng phụ nữ vì quá khổ mà bỏ đi khỏi địa phương' - ông Lý Seo Dìn, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy nói.

Cuộc trốn chạy khỏi những đỉnh núi

>>> Bài 1: "Nả ơi..."

>>> Bài 2: Những hành trình đầy nước mắt

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến một cuộc trốn chạy của những người phụ nữ khỏi làng bản, một trong những nguyên nhân trực tiếp là cuộc sống gia đình không hạnh phúc, người phụ nữ bị bạo hành, ngược đãi. Kết hợp với đói nghèo, thất học, thất nghiệp, thiếu hiểu biết xã hội nên nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân cho các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo dẫn đến việc phụ nữ bỏ đi “ôm” theo giấc mộng đổi đời.

Chia sẻ về hoàn cảnh của những phụ nữ trong xã đã bỏ đi, chị Vàng Thị Dí, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sán Chải (Si Ma Cai) cho rằng, có người tự đi vì không chịu được chồng của mình, cũng có người đi chợ, đi chơi hội thì bị dụ dỗ nên bỏ đi, nhưng cũng phải không hạnh phúc với cuộc sống gia đình thì mới trở thành nạn nhân để những đối tượng khác dụ dỗ. Suy cho cùng, nếu cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, chẳng có phụ nữ nào muốn bỏ gia đình, bỏ quê hương để đi cả.

Tư vấn pháp luật và tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình tại xã Trịnh Tường (Bát Xát).

Tư vấn pháp luật và tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình tại xã Trịnh Tường (Bát Xát).

Chia sẻ của chị Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sán Chải cũng giống như lời khẳng định, nói hộ nỗi lòng của những phụ nữ vùng cao. Những năm gần đây, tỷ lệ phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương đã giảm nhiều so với giai đoạn trước. Để có kết quả này, chính quyền các cấp, các ngành đã tích cực vào cuộc để tuyên truyền nâng cao nhận thức, phòng, chống việc phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, dự án được lồng ghép triển khai hướng đến đối tượng là phụ nữ, giúp phụ nữ làm chủ kinh tế, nâng quyền bình đẳng so với đàn ông trong gia đình. Ngoài ra, chất lượng cuộc sống khu vực miền núi, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt cũng góp phần không nhỏ để giữ chân phụ nữ vùng cao ở lại với bản làng.

Bà Hà Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nhận định: Tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương những năm gần đây tuy đã giảm nhưng vẫn là nhiệm vụ quan trọng, cần được quan tâm chỉ đạo, tuyên truyền thường xuyên nhằm phòng, chống việc phụ nữ bỏ đi, hỗ trợ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ. Vấn đề cốt lõi nhất là phải hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tăng quyền cho phụ nữ, giúp phụ nữ có tiếng nói bình đẳng. Thế nhưng, có một thực tế đầy cay đắng tại khu vực vùng cao, câu chuyện về “bình đẳng giới” luôn được cho là chuyện của “mấy bà phụ nữ”, thậm chí chính quyền xã còn thờ ơ với vấn đề này. Hội nghị tuyên truyền, tập huấn về bình đẳng giới hầu như chỉ có phụ nữ tham gia, trong khi đó, để đảm bảo quyền bình đẳng giới thì phải có sự tham gia từ 2 giới.

Chung nhận định đó, ông Lý Seo Dìn, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho rằng: Để phụ nữ vùng cao bị bạo hành, chính quyền địa phương ở đâu, tổ chức đoàn thể đâu, tại sao không vào cuộc? Đặc biệt, trong các buổi tuyên truyền về bình đẳng giới, ông nào hay đánh vợ thì bắt phải đến nghe, thậm chí phải cho đi lao động công ích, phải đưa vào quy ước, hương ước thôn bản, xử phạt để răn đe. Phụ nữ vùng cao chịu rất nhiều bất công, việc đảm bảo quyền bình đẳng, bảo vệ phụ nữ là trách nhiệm của cả cộng đồng, cả xã hội.

Tại các bản làng, kinh tế của các hộ gia đình dựa chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, phụ nữ hầu hết phụ thuộc vào chồng, không có tiếng nói trong gia đình. Những năm qua, thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới, nhiều dự án đã được triển khai hướng đến đối tượng là phụ nữ, nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm thiểu sự phụ thuộc vào đàn ông cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống tại khu vực nông thôn. Các dự án như hỗ trợ phụ nữ làm giàu từ lợn đen triển khai tại huyện Mường Khương có 924 phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia; dự án sản xuất và chế biến quế có 953 phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia; dự án thúc đẩy bình đẳng giới thông qua hiệu quả sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch; dự án phát triển chuỗi du lịch cộng đồng… đã và đang góp phần hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Phụ nữ vùng cao tham gia trò chơi dân gian tại lễ hội.

Phụ nữ vùng cao tham gia trò chơi dân gian tại lễ hội.

Năm 2019, chủ đề hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ được lựa chọn là: “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Các cấp hội đã tập trung các hoạt động, trong đó hướng đến nội dung phòng, chống phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương. Để bảo vệ hội viên, hội phụ nữ các cấp tăng cường phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, nhắc lại nhiều lần bằng nhiều thứ tiếng, tuyên truyền tại các buổi chợ phiên.

Năm 2011, có 700 phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, đến hết tháng 12/2016 giảm còn 406 trường hợp. Tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương không rõ nguyên nhân tuy đã giảm nhưng vẫn xảy ra rải rác, chủ yếu ở khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2018, toàn tỉnh có 42 phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, 6 tháng đầu năm 2019 có thêm 15 phụ nữ bỏ đi.

Hội cũng thường xuyên tổ chức hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, tuyên truyền về kỹ năng đi xa an toàn, để phụ nữ hỗ trợ lẫn nhau, quan tâm nhau, phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bỏ đi để ngăn chặn kịp thời. Các mô hình phụ nữ giúp phụ nữ, các câu lạc bộ “phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em”, câu lạc bộ “đàn ông thân thiện”… được thành lập tại nhiều thôn, bản. Việc tham gia phong trào hội, tham gia các câu lạc bộ giúp phụ nữ giao lưu, chia sẻ, giúp đỡ, bảo vệ nhau trong cuộc sống thường ngày. “Việc phát triển kinh tế, tăng thu nhập, tăng quyền bình đẳng cho phụ nữ, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho phụ nữ vùng cao có thể coi là “chìa khóa” để giảm thiểu tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương” - bà Hà Thị Khánh Nguyệt nhấn mạnh.

Để giữ phụ nữ ở lại với bản làng, ở lại với những đỉnh núi thì chính những bản làng ấy, đỉnh núi ấy phải là nơi an toàn, nơi đáng sống, nơi bình yên để phụ nữ có thể gắn bó lâu dài sống cuộc đời hạnh phúc. Khi không còn định kiến, không còn những nỗi đau, vật cản từ thể xác đến tinh thần, những phụ nữ từ những ngôi làng xa xôi có thể nhìn thấy xa hơn, rộng hơn, cuộc sống cũng vì thế mà bình đẳng, ấm no và hạnh phúc hơn. Trốn chạy vốn dĩ không phải là giải thoát nếu như vấn đề cốt lõi nhất là phát huy sức mạnh nội tại của phụ nữ không được cải thiện. Đó không phải là câu chuyện riêng của những phụ nữ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà là trách nhiệm chung của cộng đồng, của toàn xã hội.

Thúy Phượng - Hữu Huỳnh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/bai-cuoi-giu-phu-nu-o-lai-voi-lang-z62n20191101164939455.htm