Bài cuối: Không để ai bị bỏ lại phía sau

Tiếp xúc với tấm gương bình dị mà cao quý như bà Nguyễn Thị Gái ở Hà Nội hay doanh nhân đầy khát vọng sẻ chia Nguyễn Văn Thời ở Thái Nguyên và nhiều tấm gương tiêu biểu khác trong đồng bào Công giáo, tôi đều nhận ra điểm chung: Họ luôn ý thức rằng, trước khi là người Công giáo, họ đã là người Việt Nam. Là người Việt Nam, ai cũng khắc sâu truyền thống 'Thương người như thể thương thân', vì vậy, trong hành trình sống 'tốt đời, đẹp đạo', họ không bao giờ để ai bị bỏ lại phía sau.

Trong những gương điển hình tiêu biểu được khen thưởng tại Hội nghị thi đua toàn quốc biểu dương Người tốt việc tốt trong đồng bào Công giáo lần thứ V, giai đoạn 2015-2020, tôi thực sự ấn tượng với những việc làm đầy bác ái của bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Công ty TNHH Tâm Hương (tỉnh Khánh Hòa).

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Linh mục Trần Xuân Mạnh - Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tặng Bằng khen tới các gương Người tốt, việc tốt tiêu biểu trong đồng bào Công giáo. Ảnh: K.A

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Linh mục Trần Xuân Mạnh - Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tặng Bằng khen tới các gương Người tốt, việc tốt tiêu biểu trong đồng bào Công giáo. Ảnh: K.A

Với tâm nguyện được sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, với mong muốn thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân Công giáo, Công ty TNHH Tâm Hương của bà Hương đã xây dựng trên 300 căn nhà tình thương, tình nghĩa, đại đoàn kết và sửa chữa hàng trăm căn nhà khác cho người nghèo, người có công; ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, quỹ người nghèo; thăm tặng quà mẹ Việt Nam Anh hùng, người già neo đơn tỉnh Khánh Hòa... với tổng số tiền trên 50 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng đã đầu tư trên 1 tỷ đồng làm đường và cầu để phục vụ đi lại của người dân trong vùng.

Bà Hương chia sẻ: “Là công dân của nước Việt, tôi luôn mong muốn đất nước bình an, phát triển dân giàu nước mạnh. Mỗi người có một số phận, hoàn cảnh riêng, nhưng điều quan trọng đó là biết chia sẻ cho nhau, biết nhường cơm sẻ áo, người gặp may mắn nhiều giúp người may mắn ít để cùng nhau an ủi, thắp sáng tình người, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, để xứng đáng là người Công giáo tốt và cũng là người công dân tốt”.

Khiêm tốn khi nhắc đến những việc làm thiện nguyện trong suốt 18 năm qua, doanh nhân Phạm Ngọc Gác (ở Giáo xứ Bình Thủy - thành phố Cần Thơ) cho rằng: Nhiều người làm tốt hơn mình rất nhiều, mình chỉ là góp hạt cát để xây lên ngôi nhà cho người nghèo khó. Nói như vậy, nhưng thời gian qua, ông đã dành trên 10 tỷ đồng, xây dựng 43 nhà tình nghĩa tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Hậu Giang, thành phố Cần Thơ, xây 2 cây cầu bê tông, tham gia khuyến học với hàng trăm học bổng, máy vi tính, dụng cụ học tập cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó học giỏi…

Hưởng ứng các phong trào thi đua do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động, 5 năm qua (2015-2020), trên khắp cả nước đã xuất hiện ngày càng nhiều người tốt, việc tốt điển hình tiên tiến, xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh các hoạt động từ thiện, nhân đạo, chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước… Những việc làm cụ thể, thiết thực của đồng bào Công giáo là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước và truyền thống đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc.

Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19” của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thời gian qua, đồng bào Công giáo trong cả nước đã tham gia ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời lan tỏa nhiều hành động đẹp. Ủy ban Bác ái - Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và các giáo phận đã, tham gia ủng hộ bằng cả tiền và hiện vật. Trong đó, tổ chức nhiều hoạt động phát quà, cơm, cháo miễn phí cho người nghèo; người có hoàn cảnh khó khăn; người bán vé số, lượm ve chai; người lang thang, cơ nhỡ... bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; tích cực vận động giáo dân tham gia quyên góp ủng hộ nhân dân khẩu trang y tế, nước diệt khuẩn, vitamin C...

Theo thống kê sơ bộ, các tổ chức, cá nhân trong các tôn giáo đã ủng hộ hơn 15 tỷ đồng tiền mặt cùng nhiều nhu yếu phẩm, vật tư y tế có giá trị khác. Mặc dù đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào Công giáo là người dân tộc thiểu số cũng đã quyên góp, ủng hộ gần 100 triệu đồng để phòng, chống dịch Covid-19.

“Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” luôn là định hướng và là động lực thúc đẩy người Công giáo dấn thân. Ảnh: K.A

“Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” luôn là định hướng và là động lực thúc đẩy người Công giáo dấn thân. Ảnh: K.A

Nói về phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo, đặc biệt là những hoạt động từ thiện nhân đạo, Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh - Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cho biết: Trong hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nói riêng và phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo nói chung, “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” luôn là định hướng và là động lực thúc đẩy người Công giáo phải thật sự dấn thân vào các mặt của đời sống xã hội, đồng hành với mọi giới đồng bào trong cộng đồng dân cư. Với tình yêu thương, phục vụ tha nhân, làm gương sáng cho mọi người và làm sáng danh Thiên Chúa, trên tinh thần “Người Công giáo tốt cũng phải là công dân tốt”, đồng bào Công giáo đã thể hiện đức tin qua những việc làm thiết thực, ý nghĩa nhất.

Điều này lý giải vì sao trong 5 năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn chủ quan và khách quan, khó khăn về sự biến đổi khí hậu, bệnh dịch, lạm phát, khủng hoảng kinh tế… nhưng đồng bào Công giáo vẫn vươn lên tâm huyết trong hoạt động từ thiện nhân đạo, kiên định trong giữa gìn an ninh xã hội, bảo vệ Tổ quốc, hăng say lao động, tìm tòi, học hỏi, sáng tạo, mạnh dạn trong phát triển kinh tế. “Người Công Giáo làm việc thiện không vì mục đích được trả ơn, cũng không vì khoe khoang, ham danh, mà làm với tinh thần “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của phúc âm”, Linh mục Trần Xuân Mạnh nhấn mạnh.

Ghi nhận và đánh giá cao những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo Việt Nam trong 5 năm (2015-2020), đặc biệt là những gương điển hình tiên tiến được biểu dương tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương nhấn mạnh: Đây là những tấm gương sáng, biểu hiện sinh động cho sự dấn thân phục vụ, đồng hành cùng dân tộc, “Sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” theo tinh thần Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam và Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa năm 2010; thể hiện sâu sắc trên thực tế tấm lòng "kính Chúa yêu nước", sống "tốt đời, đẹp đạo" của đồng bào Công giáo Việt Nam.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bai-cuoi-khong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau-113169.html