Bài cuối: Nói không với túi nylon và đồ nhựa dùng một lần

Ước tính trung bình mỗi gia đình người Việt đang sử dụng 1kg túi nylon/tháng; đồng thời, mỗi ngày, chúng ta ném đi hơn 500 triệu ống hút nhựa, ly nhựa ra môi trường. Và chúng phải mất khoảng 1.000 năm để tiêu hủy hoàn toàn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững của mọi quốc gia. Vì vậy, chúng ta hãy thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa khó phân hủy ngay hôm nay và bây giờ!

Trước tác hại to lớn của rác thải nhựa và túi nylon mang lại, tỉnh có nhiều biện pháp tích cực nói không với túi nylon và đồ nhựa dùng một lần. Và đây không còn là trào lưu mà là trách nhiệm không của riêng ai.

Một quán cà phê ở phường 4, TP.Tân An sử dụng ống hút thủy tinh, giấy và ly giấy nhằm giảm rác thải nhựa

Một quán cà phê ở phường 4, TP.Tân An sử dụng ống hút thủy tinh, giấy và ly giấy nhằm giảm rác thải nhựa

Đồng lòng hạn chế rác thải nhựa

Nhằm hạn chế rác thải nhựa, vừa qua, UBND tỉnh Long An có văn bản yêu cầu các sở, ngành tỉnh, địa phương tổ chức phát động phong trào chống rác thải nhựa. Theo đó, không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng 1 lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; phát động mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hành động và vận động người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”.

Thực hiện theo văn bản của UBND tỉnh, hiện nay, một số cơ quan, đơn vị như Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh, Tỉnh đoàn, Trung tâm Phục vụ hội nghị tỉnh,... đã sử dụng chai và ly thủy tinh đựng nước cho đại biểu uống trong các cuộc họp. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh cũng tích cực thực hiện theo văn bản trên.
Bí thư Huyện đoàn Cần Giuộc - Trần Hải Phú thông tin: “Vừa qua, Huyện đoàn vận động xã hội hóa 250 chai thủy tinh tặng cán bộ Đoàn làm thí điểm mô hình Nói không với rác thải nhựa. Thấy mô hình hiệu quả, các cơ sở Đoàn trong huyện mua rất nhiều chai thủy tinh tặng đoàn viên, thanh niên. Song song đó, Huyện đoàn đang đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về tác hại của rác thải nhựa và túi nylon, trong đó Huyện đoàn đang thực hiện mô hình: 20 chai nhựa đổi lấy 1 bình thủy tinh; 0,5kg túi nylon đổi lấy 1 chai thủy tinh. Số chai nhựa và túi nylon này sẽ được Huyện đoàn thiết kế xây dựng thành các bồn hoa, khu vui chơi dành cho học sinh trong các trường học”.

Cùng với các cơ quan nhà nước, đến nay, nhiều cửa hàng kinh doanh trên địa bàn TP.Tân An cùng nhập cuộc hưởng ứng phong trào sống xanh, hình thành những mô hình Nói không với rác thải nhựa. Họ tích cực hưởng ứng bằng những hành động hoặc sự thay thế nho nhỏ từ túi nylon sang túi giấy. Mặc dù 1 chiếc túi giấy có giá cao gấp 5-7 lần so với túi nylon nhưng chủ một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm ở phường 3, TP.Tân An vẫn ưu tiên lựa chọn, vì ý nghĩa tốt đẹp của nó đối với môi trường.

Nhiều hội nghị không còn sử dụng đồ nhựa dùng một lần

Nhiều hội nghị không còn sử dụng đồ nhựa dùng một lần

Anh Trần Quang Huy - chủ cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm ở phường 3, TP.Tân An, nói: “Một trong những chiến lược bảo vệ thiên nhiên của thương hiệu mình là dùng túi giấy thay thế túi nhựa. Túi giấy không chỉ tạo cho người dùng cảm giác an toàn, thân thiện mà đây cũng là cách “ghi điểm” của cửa hàng với khách hàng”.

“An tâm cho tôi, an lành cho bạn, an toàn cho môi trường khi hạn chế rác thải nhựa” - đây là phương châm của anh Ngô Minh Thắng - chủ quán cà phê nói “không” với sản phẩm nhựa tại phường 4, TP.Tân An. Trong quán, toàn bộ ly nhựa, ống hút nhựa đều bị “khai tử” hoàn toàn, thay vào đó là ly giấy, ống hút inox, thủy tinh, ống hút làm từ gạo và cỏ. Các loại sản phẩm này vừa có thể sử dụng nhiều lần, khi dùng xong có thể tái chế hoặc phân hủy, vừa bảo đảm cho sức khỏe người dùng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, ngụ xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An, chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ các quán cà phê hạn chế rác thải nhựa, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây là hành động nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn, tạo thói quen cho người dân trong việc bảo vệ môi trường”.

Dừng bán ống hút nhựa, thay vào đó là bán các loại ống hút từ chất liệu giấy, tinh bột; thay túi nylon bằng túi giấy hoặc các loại túi có thể sử dụng nhiều lần; dùng lá chuối gói một số nông sản thay cho túi nylon,... là những việc mà Co.opmart Tân An đang làm. Qua đó, chung tay cùng xã hội giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.

"Hô biến" rác thải nhựa thành tiền

Hưởng ứng hoạt động Về nguồn tại xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện phát động mô hình Vận động tiết kiệm phế liệu gây quỹ xây dựng nhà tình thương cho phụ nữ nghèo. Đây là mô hình nhằm vận động cán bộ, hội viên phụ nữ phân loại rác thải tại nguồn, chấp hành tốt việc đổ rác đúng nơi quy định, tham gia tổng vệ sinh môi trường làm sạch đường làng, ngõ xóm; đồng thời, xây dựng tinh thần “tương thân, tương ái” giữa người với người.

Hình thức hoạt động của mô hình: Mỗi phụ nữ trong gia đình tự thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt của gia đình thành 2 nhóm, trong đó, nhóm không tái chế và nhóm tái chế (vỏ lon bia, chai nhựa, giấy vụn). Sau đó, nhóm tái chế sẽ bán phế liệu góp tiền xây dựng nhà tình thương. Đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Cần Đước gây quỹ xây dựng được 1 căn nhà tình thương, trị giá 40 triệu đồng cho chị Trần Thị Kim Thoại, ngụ ấp Mỹ Điền, xã Long Hựu Tây.

Có được căn nhà khang trang là niềm mơ ước của gia đình chị Thoại nhiều năm qua. Được biết, chị Thoại bị bệnh thoái hóa cột sống; còn 2 người con của chị bị bệnh kém phát triển, do đó mọi gánh nặng kinh tế gia đình đều đè lên vai chồng chị. Chị Thoại tâm sự: “Có nằm mơ tôi cũng không dám mơ có được căn nhà khang trang như thế này đâu! Chính sự giúp đỡ của các chị em phụ nữ đã tiếp thêm động lực cho gia đình tôi vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống”.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Cần Đước thu gom chai nhựa bán lấy tiền xây nhà tình thương cho người nghèo

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Cần Đước thu gom chai nhựa bán lấy tiền xây nhà tình thương cho người nghèo

Phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” trong hội viên và cộng đồng, năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã An Thạnh, huyện Bến Lức thực hiện mô hình Chai nhựa yêu thương và vòng tay yêu thương. Ban đầu, mô hình được thực hiện thí điểm tại UBND xã An Thạnh. Hình thức hoạt động của mô hình là thu gom vỏ chai nhựa bán lấy tiền gây quỹ giúp đỡ người nghèo và kêu gọi sự giúp đỡ của mạnh thường quân, nhà hảo tâm chăm lo người nghèo. Sau thời gian thực hiện, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã nhân rộng mô hình ra toàn xã, với 7/7 ấp và 1 điểm ở xã, từ đó giúp đỡ rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Riêng năm 2019, mô hình tặng 74 phần quà, mỗi phần trị giá 300.000 đồng cho người nghèo.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã An Thạnh - Huỳnh Thị Lệ Thu cho biết: “Việc thực hiện mô hình có rất nhiều ý nghĩa như nâng cao ý thức người dân trong phân loại rác thải tại nguồn, bảo vệ môi trường, xóa dần tình trạng để rác thải nhựa không đúng nơi quy định, tiếp sức cho người nghèo vượt qua khó khăn,... Qua đó, vừa góp phần hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, vừa giúp được nhiều người nghèo”.

Hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, tận dụng các sản phẩm nhựa bán gây quỹ giúp đỡ người nghèo,... không còn là trào lưu mà là trách nhiệm của mọi người. Tưởng chừng việc không dùng 1 túi nylon, 1 ly nhựa, thậm chí là 1 ống hút nhựa có khoảng cách rất xa với việc bảo vệ môi trường, thế nhưng, nếu hàng triệu người cùng làm thì có nhiều tác động tích cực đến môi trường sống. Vậy tại sao chúng ta không hành động ngay hôm nay và bây giờ./.

Lê Ngọc

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/bai-cuoi-noi-khong-voi-tui-nylon-va-do-nhua-dung-mot-lan-a82624.html