Bài cuối: Phát huy phẩm chất người Mông

Cộng đồng người Mông thường sinh sống ở những nơi núi cao, biệt lập, không chỉ đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt mà còn phải đối mặt với thú rừng nguy hiểm. Phải chăng, từ điều kiện sinh sống ấy đã tạo cho người Mông những phẩm chất tốt đẹp, dũng cảm và bền bỉ để họ đủ sức sinh tồn và phát triển?

Người Mông ơn Đảng

>>> Bài 1. Kỳ tích Bản Phố

>>> Bài 2. Chuyện đánh Pháp trên đỉnh Khau Co

>>> Bài 3. Lập bản mới trên vùng biên viễn

>>> Bài 4. Từ chủ trương đến những cán bộ cốt cán

Gìn giữ phẩm chất tốt đẹp

Trong cuộc thiên di để thoát họa diệt vong vài trăm năm trước, người Mông đã mang theo những tri thức trồng lúa nước trên núi cao, để rồi, khi đến định cư ở Việt Nam, họ đã vận dụng sáng tạo vào điều kiện địa hình núi rừng làm nên những tràn ruộng bậc thang kỳ vỹ. Ở Lào Cai, từ Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Yên, Bát Xát đến thành phố Lào Cai, Sa Pa, đâu đâu cũng bắt gặp những tràn ruộng bậc thang chạy dài từ đỉnh núi xuống dưới chân, vào mùa lúa chín như tấm thảm vàng phơi ra giữa trời xanh. Đặc biệt, ở Sa Pa, danh thắng ruộng bậc thang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích danh thắng quốc gia. Thường vào mùa xuân (khoảng từ tháng 1 đến tháng 3), người Mông bắt đầu việc khai khẩn ruộng bậc thang, toàn bộ quá trình đều thực hiện bằng công cụ lao động thủ công. Công việc rất vất vả, nhưng bằng sự kiện trì, bền bỉ, sáng tạo, người Mông đã san núi, tự tạo ra diện tích đất trồng lúa nước trên lưng trời, đảm bảo lương thực nuôi sống họ trong năm.

Từ nhiều đời nay, người Mông ở xã Tả Van, thị xã Sa Pa đã làm nên những tràn ruộng bậc thang kỳ vỹ. Ảnh: Ngọc Bằng

Từ nhiều đời nay, người Mông ở xã Tả Van, thị xã Sa Pa đã làm nên những tràn ruộng bậc thang kỳ vỹ. Ảnh: Ngọc Bằng

Ngoài trồng lúa, ngô, sắn, những năm gần đây, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp trong tỉnh, cộng đồng người Mông ở Lào Cai đã mạnh dạn đưa vào trồng các loại cây, con mới, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Ví như cây quýt ở Mường Khương, cây dược liệu ở Si Ma Cai, Sa Pa; cây ăn quả ôn đới ở Bắc Hà, cây chè ở Bảo Yên; cây chuối, dứa ở Bát Xát, Mường Khương; nuôi cá hồi, cá tầm ở Sa Pa, Bát Xát... Có nhiều hộ người Mông ở Sa Pa, Bắc Hà còn phát triển du lịch homestay đã và đang góp phần quan trọng làm thay đổi cuộc sống, diện mạo của những thôn, bản người Mông ở vùng cao, vùng biên giới.

Một hộ người Mông xã Lầu Thí Ngài, huyện Bắc Hà làm giàu nhờ trồng cam lai.

Một hộ người Mông xã Lầu Thí Ngài, huyện Bắc Hà làm giàu nhờ trồng cam lai.

Hoặc như câu chuyện của anh Giàng Seo Châu vượt lên hoàn cảnh, nỗ lực theo học đại học và giờ trở thành Bí thư Đảng ủy xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai. Câu chuyện của Ma Seo Củi theo cha rời núi rừng khô khát Tả Gia Khâu (Mường Khương) năm nào sang lập thôn mới Lũng Pô ở vùng biên giới nơi sông Hồng chảy vào đất Việt rồi học tập, phấn đấu trở thành Chủ tịch xã A Mú Sung, huyện Bát Xát. Và còn rất nhiều câu chuyên khác về các đồng chí lãnh đạo cốt cán là người Mông của tỉnh vượt vài chục cây số đường rừng học tập, trưởng thành… Tất cả những phẩm chất tốt đẹp tiềm ẩn của con người dân tộc mình đã được người Mông chắt chiu, trân trọng và phát huy trong cuộc sống. Dù trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, nhưng cộng đồng người Mông vẫn biết cách để vươn lên, với sức sống mãnh liệt như những cây rừng. Cứ thế, thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước, người Mông ở Lào Cai đã khẳng định vị trí của mình trên mọi lĩnh vực lao động, sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Qua đó, làm rạng rỡ thêm truyền thống của dân tộc Mông trong cộng đồng 54 dân tộc ở nước ta.

Anh Giàng Seo Châu (người mặc áo đen) chăm sóc vườn tam thất của gia đình.

Anh Giàng Seo Châu (người mặc áo đen) chăm sóc vườn tam thất của gia đình.

Thay lời kết

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư rất nhiều nguồn lực vào vùng có đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Mặc dù trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, nhưng hằng năm tỉnh vẫn cân đối, bố trí 60% đến 70% tổng vốn từ ngân sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho vùng nông thôn, vùng cao, trong đó có vùng đồng bào Mông. Cùng với những chính sách đặc biệt đối với người Mông của Đảng và Nhà nước những năm qua như hỗ trợ nguồn vốn phát triển sản xuất, vay ưu đãi giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người Mông; tuyển dụng con em người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có người Mông; phát triển đảng viên là người Mông… đã góp phần quan trọng giúp cộng đồng người Mông trên địa bàn tỉnh có những phát triển, đổi thay toàn diện trên mọi lĩnh vực. Điều đó cho thấy chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người Mông nói riêng, ngày càng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng.

Một buổi họp Chi bộ thôn Tu Thượng, xã Nậm Xé (Văn Bàn), với trên 90% đảng viên là người Mông xanh.

Một buổi họp Chi bộ thôn Tu Thượng, xã Nậm Xé (Văn Bàn), với trên 90% đảng viên là người Mông xanh.

Hiện 100% xã có đông người Mông có trạm y tế được xây dựng kiện cố, một số trạm được nâng cấp thành phòng khám đa khoa khu vực. Cán bộ y tế người Mông có 145/3.928 cán bộ y, bác sỹ toàn ngành. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng tại các xã và thôn, bản có đông đồng bào Mông sinh sống đã giảm đáng kể.

Nhìn một cách tổng quát, cộng đồng người Mông trên địa bàn tỉnh đã có những đổi thay vượt bậc, nhất là về tư duy, cách nghĩ, đây chính là chìa khóa quan trọng tạo nên thành công và bứt phá. Song, cũng còn những hạn chế nhất định, như ở một bộ phận đồng bào dân tộc Mông vẫn tồn tại những đặc điểm dễ bị kẻ xấu lợi dụng để kích động, lôi kéo, ví như tâm lý ảo vọng, hoài tưởng về “vua Mông”, “Nhà nước Mông”; coi trọng việc giữ gìn “cái lý” - bản sắc của dân tộc và di cư tự do; do tập tục sống chủ yếu ở vùng núi cao có khí hậu khắc nghiệt, diện tích đất canh tác nông nghiệp ít, một số nơi có nguy cơ sa mạc hóa cao, giao thông đi lại khó khăn; trình độ dân trí còn hạn chế, không đồng đều, một số tập quán lạc hậu chậm được cải tạo; tâm lý tự ti… là những lực cản không nhỏ, ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng người Mông.

Đến nay 100% xã có người Mông sinh sống đều có trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; các thôn bản ở xa trung tâm có điểm trường, các xã có đông người Mông đều có trường bán trú dân nuôi. Các xã có đông người Mông đều có trường bán trú dân nuôi. Các huyện, thị xã, thành phố có trường trung học phổ thông; có 8 trường Trung học dân tộc nội trú liên cấp 2 - 3 (8 huyện, thị xã) và 1 trường THPT dân tộc nội trú tỉnh. Cơ sở vật chất trường, lớp được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Để cuộc sống của người Mông đổi thay tích cực, đáp ứng công cuộc giảm nghèo bền vững, những năm qua, cùng với thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, cộng đồng người Mông nói riêng, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành những cơ chế, chính sách và vận dụng sáng tạo trong thực tiễn của địa phương nhằm hỗ trợ người Mông về mọi mặt. Điển hình, năm 2014 Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 22 về giảm nghèo bền vững cho huyện Si Ma Cai, là một trong những huyện đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và cũng là huyện có tỷ lệ dân số là dân tộc Mông cao nhất tỉnh (87,6%); Kế hoạch số 158 về “tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong sinh hoạt đời sống trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2018 - 2020”, trong đó có vùng đồng bào dân tộc Mông… Công tác xây dựng lực lượng cốt cán, phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, trưởng dòng họ trong cộng đồng dân tộc Mông cũng được chú trọng, quan tâm. Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, nổi bật như việc thành lập Ban đại diện cộng đồng dân tộc Mông của Đảng bộ huyện Bảo Thắng; Ban Dân vận Tỉnh ủy triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Một số đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông tỉnh Lào Cai” và đề tài “Nghiên cứu thực trạng kinh tế - xã hội, đề xuất giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Mông”… làm cơ sở đề xuất các chính sách đặc thù đối với đồng bào dân tộc Mông…

Lễ hội Gầu Tào của người Mông xã Tả Văn Chư, huyện Bắc Hà.

Lễ hội Gầu Tào của người Mông xã Tả Văn Chư, huyện Bắc Hà.

Tỉnh ủy cũng đề xuất với Trung ương tiếp tục quan tâm tăng mức đầu tư, nguồn vốn cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; rà soát các chính sách an sinh xã hội, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Nhất là có những chính sách đặc biệt hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số các xã biên giới để đồng bào yên tâm bám trụ biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc. Trung ương có chính sách đầu tư cơ sở vật chất cho các xã, thôn dân tộc Mông đặc biệt khó khăn, chậm phát triển và có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống dân tộc Mông; có chính sách đặc thù về thi tuyển, cử tuyển học sinh dân tộc Mông và một số dân tộc thiểu số khác tại các trường chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; quy hoạch đào tạo, bố trí sử dụng nguồn cán bộ dân tộc Mông hợp lý, tương xứng với tỷ lệ dân số trên từng lĩnh vực, từng cấp, ngành, địa phương, đơn vị, tạo nòng cốt phát huy nhân tố nội lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông…

Người Mông hiện đang cư trú phân bố trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố; 118 xã, thị trấn với 534 thôn, bản có đông người Mông, trong đó có 462 thôn, bản và 32 xã có trên 90% người Mông sinh sống; còn lại đồng bào sinh sống xen kẽ cùng với các dân tộc khác trong cùng thôn, bản, xã.

Những chính sách, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước sẽ chỉ đóng vai trò tiếp thêm động lực, nhưng hơn hết, chính bản thân mình, cộng đồng người Mông ở Lào Cai cũng cần phải thực sự nỗ lực, sáng tạo và mạnh dạn tìm hướng phát triển kinh tế, có như vậy, mọi sự hỗ trợ mới thực sự có ý nghĩa.

Thành Phú - Phạm Sơn - Phạm Đức

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/chinh-tri/bai-cuoi-phat-huy-pham-chat-nguoi-mong-z1n20201010205246204.htm