Bài cuối: Từng bước vực dậy Giang Ly

Mọi nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp; của NHCSXH tỉnh Khánh Hòa trong việc tăng cường hiệu quả tín dụng chính sách xã hội đã bắt đầu đơm hoa, kết trái. Giang Ly là một ví dụ. Nhận thức của đồng bào nơi đây đã thay đổi; đời sống người dân đã bắt đầu khởi sắc và cải thiện từng ngày…

Thoát nghèo - không còn là ước mơ

Ước mong giảm nghèo của gia đình chị Cao Thị Diễm, sinh năm 1994, dân tộc Raglai ở thôn Gia Lố, xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh đang được hiện thực hóa bằng nguồn vốn vay hộ nghèo 50 triệu đồng từ Chương trình vay hộ nghèo của NHCSXH Khánh Vĩnh.

Sau khi sở hữu nguồn vốn, chị Diễm đã mạnh dạn đầu tư trồng 2ha rừng keo; 8 sào mì (sắn), 10 cây sầu riêng, 20 cây bưởi và nuôi 4 con dê. Sau 5 tháng chăm chút, "khối tài sản" lớn nhất từ trước tới nay của gia đình chị đã phát triển rất tốt.

"Cứ đà này, trong tương lai ngắn thôi, chúng tôi sẽ thoát nghèo" - chị Diễm hồ hởi nói.

Nhập cuộc với tâm thế đầy tự tin, gia đình anh Hà Đinh, sinh năm 1976, dân tộc Cơ Ho ở thôn Gia Lố đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Chương trình duy trì và mở rộng việc của NHCSXH Khánh Vĩnh. Cầm khoản vay còn "nóng hổi" mà NHCSXH vừa giải ngân trong ngày, cả gia đình 4 người không chỉ mong sớm thoát nghèo bền vững mà hơn thế là nâng cao chất lượng sống, tiến tới làm giàu chính đáng. Hiện gia đình anh Hà Đinh đã có 2ha keo.

"Số tiền vừa vay được tôi sẽ trồng thêm 3ha keo nữa. Nếu còn sẽ nuôi thêm cá..." - anh Hà Đinh chia sẻ.

Với hộ chị Cà An, sinh năm 1994, dân tộc Cơ Ho ở thôn Gia Rich lại càng vui hơn khi nguồn vốn vay từ NHCSXH Khánh Vĩnh chị vừa nhận hôm nay sẽ giúp gia đình chị hoàn thiện ngôi nhà cấp 4 còn đang dang dở.

Chị Cà An tâm sự, ngôi nhà 40m2 của gia đình chị đã xây dựng được 70% nhưng vì hết tiền nên đành bỏ đấy. "May mắn, chúng tôi được NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng từ Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (theo Nghị định số 28/NĐ-CP của Chính phủ) nên vợ chồng tôi yên tâm hơn, giờ chỉ tập trung vào làm ăn, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống", chị Cà An chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã Giang Ly, Cao Dê Sy cho biết, nhờ các chương trình hỗ trợ của Chính phủ và các khoản vay từ NHCSXH, người dân Giang Ly đã bớt khó khăn. Năm 2022 và 11 tháng của năm 2023, toàn xã đã có 127 lượt hộ vay vốn chính sách với doanh số 5,2 tỷ đồng. Tính đến ngày 20.11.2023, UBND huyện Khánh Vĩnh đã phê duyệt danh sách 32 hộ nghèo có nhu cầu vay vốn xây nhà ở theo Nghị định số 28/NĐ-CP của Chính phủ, số tiền 820 triệu đồng, dự kiến giải ngân đến hết năm 2023. Tính riêng 9 tháng qua, nguồn vốn chính sách đã góp phần giúp địa phương giảm 62/74 hộ nghèo; 1/3 hộ cận nghèo. Dự kiến, đến hết năm 2023 xã Giang Ly sẽ hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao về mức giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo.

NHCSXH huyện Khánh Vĩnh giải ngân vốn cho các hộ dân trong xã Giang Ly. Ảnh V. Hải

NHCSXH huyện Khánh Vĩnh giải ngân vốn cho các hộ dân trong xã Giang Ly. Ảnh V. Hải

Bám sát các nghị quyết, đề án

Hoạt động tín dụng chính sách tại Khánh hòa có nhiều kết quả tích cực. Song mức độ giảm nghèo chưa đồng đều và vẫn còn nhiều thách thức phía trước.

Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa mới đây, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đã chỉ ra, những khó khăn trong triển khai hoạt động tín dụng chính sách tại Chi nhánh do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tăng trưởng dư nợ của chi nhánh mới chỉ đạt 327 tỷ đồng, hoàn thành 72,82% kế hoạch giao. Tổng Giám đốc yêu cầu Ban lãnh đạo và tập thể chi nhánh NHCSXH tỉnh Khánh Hòa cần cố gắng nỗ lực khắc phục khó khăn tập trung giải ngân vốn theo kế hoạch tăng trưởng được giao năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024 tới đây.

Để hoàn thành các mục tiêu này, ông Dương Quyết Thắng yêu cầu, Chi nhánh cần bám sát Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28.1.2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 21.3.2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28.1.2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặc biệt là các đề án giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, đề án giảm nghèo của huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030, các Nghị quyết của Hội đồng quản trị NHCSXH, văn bản hướng dẫn của Tổng Giám đốc cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, người đứng đầu NHCSXH yêu cầu Chi nhánh NHCSXH tỉnh Khánh Hòa cần chú trọng phối hợp tốt với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các sở, ban, ngành có liên quan để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17.8.2023 của Thủ tướng Chính phủ; đề xuất các Đề án, cơ chế chính sách mới cho vay bằng nguồn vốn ủy thác ngân sách địa phương...

Ban lãnh đạo Chi nhánh và các đơn vị trực thuộc tích cực chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW, Quyết định số 1630/QĐ-TTg, Công văn số 735-CV/TU. Trong đó, quan tâm cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH cho vay đối với các đối tượng chính sách khác, góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững phát triển kinh tế để Khánh Hòa trở thành một động lực phát triển quan trọng của cả vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước - một điểm đến kết nối với khu vực và thế giới.

Việt Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/bai-cuoi-tung-buoc-vuc-day-giang-ly-i351829/