Bài học từ cuộc chiến chống lũ lụt toàn cầu

Lịch sử thế giới từng ghi nhận lũ lụt đã tàn phá các cộng đồng, nhưng tần suất và cường độ của chúng đã tăng lên do biến đổi khí hậu.

Một cây cầu ở thành phố Wajima, tỉnh Ishikawa (Nhật Bản) bị sập sau trận mưa lớn.

Một cây cầu ở thành phố Wajima, tỉnh Ishikawa (Nhật Bản) bị sập sau trận mưa lớn.

Điểm yếu của nước dẫn đầu

Từ châu Á đến châu Phi, từ châu Âu đến châu Mỹ, lũ lụt nghiêm trọng khiến hàng triệu người phải di dời, phá hủy cơ sở hạ tầng và cướp đi sinh mạng của nhiều người. Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC), khi các kiểu thời tiết khó lường trở nên phổ biến hơn do hiện tượng nóng lên toàn cầu, các chính phủ và cộng đồng phải xem xét lại cách tiếp cận của mình đối với công tác quản lý lũ lụt, tích hợp công nghệ, nhận thức của cộng đồng và cơ sở hạ tầng thích ứng để giảm thiểu thiệt hại.

Nhật Bản – đất nước nổi tiếng với các chiến lược giảm thiểu thiên tai cũng nhận thấy ngày càng dễ bị lũ lụt, thúc đẩy việc đánh giá lại cách thức chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng như vậy. Điều này đã được nêu bật gần đây bởi tác động của trận lũ lụt và lở đất nghiêm trọng do lượng mưa chưa từng có ở Bán đảo Noto hôm 22/9. Tỉnh Ishikawa, đặc biệt là thành phố Wajima, bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với lượng mưa hơn 530mm chỉ trong 72 giờ - lượng mưa lớn nhất được ghi nhận kể từ khi bắt đầu theo dõi.

Sự kiện này đã nhấn mạnh đến điểm yếu đặc biệt của Nhật Bản khi nói đến công tác chuẩn bị ứng phó với lũ lụt do địa hình hiểm trở và khí hậu bất ổn cũng như dân số già và các trung tâm đô thị đông đúc. Để ứng phó, việc kết hợp công nghệ với thiết kế lấy con người làm trung tâm có thể tăng cường khả năng sẵn sàng.

Tuy nhiên, theo nhà báo kiêm nhiếp ảnh gia chuyên về các vấn đề quốc tế và nhân quyền Robert Bociaga, dù các giải pháp như ứng dụng điện thoại thông minh cung cấp thông tin cập nhật theo thời gian thực về lũ lụt và địa điểm trú ẩn rất phổ biến ở Nhật Bản, nhưng vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo thông tin này có thể tiếp cận được với tất cả mọi người, đặc biệt là những thế hệ lớn tuổi ít quen thuộc với công nghệ.

Ông Bociaga cho rằng, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng vẫn rất quan trọng. Các mạng lưới sông ngòi, đập và rào chắn lũ rộng lớn của Nhật Bản đã phục vụ tốt cho đất nước nhưng đang bắt đầu cho thấy những dấu hiệu căng thẳng. Khi bão ngày càng dữ dội, việc gia cố và hiện đại hóa các hệ thống này là điều cần thiết. Các dự án xây dựng mới nên kết hợp các thiết kế chống lũ và việc cải tạo các tòa nhà cũ có thể ngăn ngừa thiệt hại trên diện rộng, cuối cùng là giảm chi phí sửa chữa lâu dài.

Ông Hiroshi Takagi - chuyên gia quản lý thảm họa tại Viện Công nghệ Tokyo đang kêu gọi thay đổi chiến lược phòng ngừa lũ lụt của Nhật Bản. Chuyên gia này ủng hộ việc tích hợp các biện pháp phi cấu trúc vào cách tiếp cận của Nhật Bản. Ông Hiroshi Takagi nhấn mạnh các giải pháp dựa vào thiên nhiên như khôi phục đất ngập nước và tạo ra không gian xanh để bổ sung cho các biện pháp phòng ngừa lũ lụt hiện có. Ông Takagi lưu ý: "Nhật Bản đã xây dựng nhiều biện pháp có cấu trúc, nhưng việc duy trì chúng khi dân số già đi sẽ rất quan trọng. Các giải pháp dựa vào thiên nhiên có thể cung cấp một vùng đệm khi các biện pháp đối phó cứng rắn bị áp đảo”.

Bài học từ thế giới

Thảm họa gần đây của Nhật Bản chỉ là thảm họa mới nhất trong một loạt các trận lũ thảm khốc đã xảy ra trên toàn cầu trong năm nay. Trung Âu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, toàn bộ thị trấn ở các quốc gia như Áo, Đức, Ba Lan và Cộng hòa Séc bị nhấn chìm sau nhiều tuần mưa lớn. Ở châu Phi, lũ lụt đã khiến hàng chục nghìn người phải di dời, đặc biệt là ở Nigeria và Sahel - nơi khí hậu khắc nghiệt cũng đang làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và bất ổn chính trị.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, những thảm họa này phơi bày các vấn đề chung: cơ sở hạ tầng lỗi thời, thiếu chiến lược giảm thiểu lũ lụt và kế hoạch phục hồi khí hậu toàn diện. Việc không thích ứng nhanh với các điều kiện môi trường thay đổi đang khiến chúng ta tốn kém, cả về mặt sinh mạng con người và thiệt hại kinh tế.

Có nhiều bài học quý giá mà chúng ta có thể học hỏi từ các quốc gia đã thích nghi thành công với tác động ngày càng trầm trọng của khí hậu. Bangladesh thường xuyên phải đối mặt với lũ lụt, gió mùa hàng năm khiến hàng triệu người phải di dời. Nhưng trong vài chục năm qua, quốc gia này đã phát triển các chiến lược quản lý lũ lụt sáng tạo dựa vào cộng đồng, kết hợp các hệ thống cảnh báo sớm với các chiến dịch giáo dục cơ sở để trao quyền cho người dân. Cách tiếp cận phi tập trung này đã giảm thương vong và tạo điều kiện cho việc sơ tán nhanh hơn.

Hà Lan - với 1/3 diện tích đất nằm dưới mực nước biển là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực quản lý lũ lụt. Thông qua sáng kiến “Phòng cho Sông”, quốc gia này đã chấp nhận thực tế rằng không thể ngăn chặn hoàn toàn lũ lụt. Thay vào đó, các đồng bằng ngập lụt tự nhiên tạo điều kiện cho các con sông có nhiều không gian hơn để tràn bờ mà không gây thiệt hại cho các khu vực đô thị đã được tạo ra.

Sự cân bằng giữa nhu cầu của con người và thiên nhiên chứng minh rằng, sống chung với nước thay vì chống lại nó có thể là chìa khóa để phục hồi.

Ông Roy Wright - Tổng Giám đốc điều hành của Viện Bảo hiểm an toàn doanh nghiệp và gia đình có trụ sở tại Mỹ cho rằng, bằng cách tiến hành các cuộc diễn tập khẩn cấp thường xuyên, nâng cao nhận thức của công chúng về rủi ro và thực hiện các kế hoạch sơ tán mạnh mẽ, chính quyền địa phương có thể giảm thiểu đáng kể tác động của thảm họa. Các tiêu chuẩn xây dựng tốt hơn, nơi trú ẩn được trang bị đầy đủ và hệ thống thông tin liên lạc rõ ràng cũng rất cần thiết để giảm thương vong và thiệt hại.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bai-hoc-tu-cuoc-chien-chong-lu-lut-toan-cau-10291629.html