Bài học từ hiện trường vụ sạt lở đồi tại Hà Giang

Ngay từ sáng 29/9/2024, trên mạng xã hội xuất hiện một clip ghi hình trực tiếp cảnh tượng ngọn đồi sắp sập tràn xuống Km51 QL2 đoạn qua thôn Nậm Buông, xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang; Clip đó kết thúc với cảnh cả một sườn đồi ập xuống. Ai coi clip cũng đều băn khoăn số phận người ghi hình ra sao. Một số người an ủi theo ngôn ngữ mạng là 'không sao đâu, camera man luôn 'bất tử''.

Thi thể nạn nhân cuối cùng được tìm thấy trong vụ sạt lở đất trên tuyến Quốc lộ 2 tại huyện Bắc Giang, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Đ.M

Thi thể nạn nhân cuối cùng được tìm thấy trong vụ sạt lở đất trên tuyến Quốc lộ 2 tại huyện Bắc Giang, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Đ.M

Sự thật đã không diễn ra như vậy. Một ngày sau đó, cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang thông báo đã tìm thấy thi thể nam thanh niên trên trong khối đất đá hàng ngàn m3 ập xuống đường. Theo ước tính, khối lượng đất đá sạt lở trên 3.000m3. Vụ sạt lở làm đổ sập 3 ngôi nhà, ít nhất 1 người chết, 2 người mất tích, 5 xe bị vùi lấp, giao thông ách tắc… 5 máy xúc cỡ lớn, 1 máy xúc lật và 8 ô tô tải đã được huy động đến hiện trường để san gạt, vận chuyển đất đá, tìm kiếm các nạn nhân, khơi thông đoạn đường...

Đưa ra những số liệu như vậy, để thấy hậu quả của vụ sạt lở là rất nặng nề. Xem lại clip, để thấy nhận thức của một số người dân về sạt lở, lũ quét còn rất chủ quan. Trước khi nạn nhân trong vụ sạt lở này ghi hình, những người trong khu vực đã phát hiện ra những dấu hiệu rất rõ ràng của lở đất… Đất trên đồi rung chuyển ầm ì, cây trên đồi rung lắc, bản thân những người chứng kiến cũng đã xác định đồi sẽ sập xuống…

Thế nhưng, một số người trong cuộc đã làm gì? Một số người chạy sang bãi đất trống bên kia đường, ngó nghiêng, than vãn. Đường vẫn tấp nập xe qua lại. Nam thanh niên dùng điện thoại livestream (phát trực tiếp) có ý thức nhắc nhở những người theo dõi chia sẻ video để cảnh báo mọi người đừng đi qua Km51 QL2, tránh nguy hiểm vì đồi đang sắp sạt lở.

Nhưng tại hiện trường, đối diện với “tử thần”, khi thấy một số ô tô, xe máy ngang qua khu vực, anh cũng chỉ đứng bên đường hối thúc mọi người dừng lại hoặc đi nhanh. Kết cục là người và xe vẫn nườm nượp qua lại, một số người vẫn đứng coi núi sắp sập…

Để rồi khi núi sập, thì chân người không thể chạy nhanh hơn tốc độ hàng ngàn m3 đất đá ào xuống như một cơn gió.

Xem lại diễn biến sự việc, không tránh khỏi cảm giác tiếc nuối. Giá như những người tại hiện trường cẩn trọng hơn, có những động thái quyết liệt hơn, thì những hậu quả về nhân mạng đã có thể không xảy ra. Nhìn thấy núi sắp sập, nếu những người tại hiện trường phân công nhau chắn đường, ngăn các phương tiện qua lại, tránh xa khu vực nguy cơ đất đá đổ xuống, thì đã có thể hạn chế tối đa được thiệt hại.

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, thời tiết còn có thể tiếp tục diễn biến cực đoan, nguy cơ sạt lở nhất là ở những vùng núi còn rất cao, nên kinh nghiệm xương máu từ vụ việc này là mỗi người dân cần ý thức hơn nữa, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền hơn nữa.

Đừng chủ quan với sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai, bão lũ, sạt lở, đừng chủ quan với tính mạng sức khỏe của bản thân mình và những người xung quanh. “Cẩn tắc vô áy náy”, an toàn là trên hết. Gặp những sự cố tương tự, trước hết cần tránh xa, đồng thời có những động thái quyết liệt cảnh báo với những người có mặt ngay tại hiện trường, cấp báo cơ quan chức năng.

Huỳnh Ngọc Hiếu

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bai-hoc-tu-hien-truong-vu-sat-lo-doi-tai-ha-giang-post527402.html