Bài học về sự tử tế từ việc tìm người gây tai nạn trả lại 12 triệu đồng tiền bồi thường
Cuộc sống luôn là bức tranh có nhiều màu sắc và những con người tử tế chính là vệt sáng tạo nên 'nơi hạnh phúc' cho cộng đồng.
Cách ứng đặc biệt sau tai nạn của 2 tài xế và hành trình lan tỏa của sự tử tế
Một trong những “vệt sáng” đang lan tỏa trong những ngày qua là câu chuyện về người lái xe tìm tài xế gây tai nạn cho mình để… trả lại tiền thừa do sửa xe không hết.
Cách hành xử đầy thiện chí đó đã biến một vụ tai nạn trở thành một câu chuyện tử tế và lan tỏa như cái cách anh Khải và tài xế container đã làm.
Đó là buổi sáng ngày 11/10, anh Lê Quang Khải, nhân viên lái xe của Công ty CP BMC Vĩnh Phúc điều khiển xe lưu thông trên quốc lộ 5 (đoạn qua TP.Hải Dương). Khi xe của anh Khải đang dừng đèn đỏ thì bị xe container mang biển số 15C-031.05 đâm vào phía sau xe.
Ngay lập tức, lái xe container đã xuống xem tình hình và nhận lỗi. Sau đó, cả 2 tài xế đưa chiếc xe bị đâm đến Toyota TP. Hải Dương để thẩm định hỏng hóc. Tại đây, Toyota TP. Hải Dương dự trù kinh phí sửa là 22 triệu đồng. Lái xe container nhận trách nhiệm, đưa cho anh Khải 19 triệu đồng, xin anh Khải hỗ trợ 3 triệu đồng, để sửa chữa xe.
Tuy nhiên, khi quay về Vĩnh Phúc, anh Khải mang xe đến Toyota Hiroshima tại Vĩnh Phúc sửa chữa xe thì số tiền sửa thực tế chỉ hết 7 triệu. Vì thế, anh Khải muốn tìm kiếm thông tin liên lạc và địa chỉ lái xe container để gửi lại số tiền 12 triệu còn thừa sau khi đã sửa xe.
Chia sẻ trên của anh Khải đã nhận được gần 7.000 lượt thích, gần 500 lượt chia sẻ, hơn 1.000 bình luận trong đó đa số bày tỏ sự cảm kích đối với tấm lòng lương thiện, suy nghĩ và hành xử tử tế của anh Khải, đồng thời hoan nghênh cách ứng xử đàng hoàng sau khi phạm lỗi của tài xế xe container.
Họ chọn sự tử tế...
Có lẽ, câu chuyện về cách hành xử trên đường đầy văn minh và thiện chí của anh Khải và người tài xế gây tai nạn khiến chúng ta phải suy nghĩ về sự tử tế trong cuộc sống.
Đặt trong tình thế ngược lại, giả sử trong trường hợp gây tai nạn, cả hai đều cố gắng đổ lỗi cho nhau, tranh cãi và mâu thuẫn chắc chắn sẽ xảy ra. Sự bực tức, phẫn nộ sẽ lan tỏa ra đám đông những người đi đường do bị vụ tai nạn ngáng trở việc đi lại. Cảm xúc tiêu cực cũng sẽ ảnh hưởng tới cả 2 người trong cuộc trong suốt nhiều ngày sau đó để đi lại, tranh cãi, làm chứng, biên bản tường trình… thậm chí phải phải làm việc với cơ quan chức năng… Hai người tài xế văn minh trong câu chuyện trên đã không làm như vậy. Họ chọn sự tử tế.
Và đáng nói hơn, khi được hỏi vì sao tiền sửa lại thừa nhiều tới vậy, anh Khải nói một cách đơn giản: “Khi mang xe đến gara, tôi đã suy tính và xét thấy không nhất thiết phải thay mới. Chỗ nào khắc phục được thì khắc phục, để giảm giá thành sửa chữa xuống mức thấp nhất. Tuy là tôi không phải bỏ tiền ra, nhưng cũng là tiền mồ hôi nước mắt của anh lái xe công, nên tôi tự thấy không nên lãng phí không cần thiết. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy”.
Anh Khải cho biết, khi anh quyết định tìm tài xế xe container để trả lại tiền, anh cũng bị một số người có lời ra lời vào, cho là dại dột nọ kia.
“Nhưng việc mà mình thấy nên làm, cần làm, thì cứ làm theo lương tâm thôi. Cùng cánh lái xe với nhau, hiểu công việc, cuộc sống của nhau vất vả thế nào”, anh Khải nói rồi chia sẻ thêm: “Đồng tiền ấy là công sức của người ta thì phải trả người ta chứ! Chuyện tai nạn là không ai muốn”.
Xã hội ngày càng phát triển, guồng quay hiện đại đã nhào nặn ra những quan niệm biến dị kiểu “làm phúc phải tội”, “làm ơn mắc oán”. Điều đó ngày càng khiến nhiều người không còn muốn làm người tốt, người tử tế hoặc ít nhất là không muốn làm chuyện tốt, chuyện tử tế nữa.
Thế nhưng, chỉ một hành động ứng xử văn minh, tử tế như cách anh Khải đã làm sẽ luôn luôn là một vệt sáng lan tỏa những điều hạnh phúc giản dị cho chính những người trong cuộc và những người được chia sẻ câu chuyện này. Bởi vậy, cho dù ở lúc này lúc khác, có người nhất thời có thể vì lý do nào đó mà hành xử tàn nhẫn, thậm chí có thể gây tội ác thì với câu chuyện trên, có thể thấy, sự tử tế vẫn còn nguyên vẹn, là cốt lõi trong một xã hội nhân bản.
Tử tế là mạch sống tình người, đừng làm nó chết đi. Hãy hít thở sự tử tế. Hãy tiêu hóa sự tử tế. Hãy sống với sự tử tế.
Hãy trở thành người tử tế để không phải sống cuộc đời trong vô cảm, vô tình.