Bại liệt: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

Bệnh bại liệt (Poliomyelitis) là bệnh nhiễm virus cấp tính lây truyền qua đường tiêu hóa do virus Polio gây ra và bệnh có thể lây lan thành dịch.

1. Nguyên nhân gây bệnh bại liệt

Thủ phạm gây ra bệnh bại liệt chính là virus Polio, chúng thuộc chi virus đường ruột (Enterovirus) và thuộc họ Picornaviridae. Hình dáng khối cầu không vỏ và chứa ARN. Loại virus này có 3 type:

- Type 1: Tên gọi là Brunhilde, chiếm 90% nguyên nhân gây bệnh.

- Type 2: Tên gọi là Lansing.

- Type 3: Tên khoa học là Leon.

Nội dung

1. Nguyên nhân gây bệnh bại liệt

2. Dấu hiệu bệnh bại liệt

3. Bệnh bại liệt có lây không?

4. Cách phòng bệnh bại liệt

5. Cách điều trị bệnh bại liệt

Loại virus này có thể tồn tại lâu ở môi trường bên ngoài, ví dụ như chúng trú ngụ ở phân người trong vài ba tháng ở mức nhiệt từ 0 – 4 độ C, chúng sống được trong nước khoảng 2 tuần với nhiệt độ bình thường.

Ngoài ra, Polio còn chịu được sự khô hanh, cách để tiêu diệt chúng là sử dụng thuốc tím hoặc loại bỏ virus ở nhiệt độ 56 độ C sau 30 phút.

Virus Polio xâm nhập vào cơ thể người theo đường tiêu hóa, sau đó sẽ đến các hạch bạch huyết. Tại đây một số ít virus Polio xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây tổn thương ở các tế bào sừng trước tủy sống và tế bào thần kinh vận động của vỏ não, gây nên hội chứng liệt mềm trên lâm sàng.

Virus bại liệt chủ yếu từ phân của người bệnh vào làm vấy bẩn nguồn nước, thực phẩm rồi xâm nhập vào cơ thể người theo đường tiêu hóa. Số ít trường hợp có thể lây truyền qua đường hầu họng. Bệnh cũng có thể lây lan bằng việc tiếp xúc trực tiếp với người mang virus hoặc người vừa dùng vaccine bại liệt đường uống, vì đây là loại vaccine sống giảm độc lực được làm từ virus sống. Nguồn truyền bệnh là người mắc bệnh bại liệt và người lành mang virus bại liệt Polio. Lây truyền có thể từ 7 - 10 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng.

Bệnh bại liệt là do virus Polio gây nên.

Bệnh bại liệt là do virus Polio gây nên.

2. Dấu hiệu bệnh bại liệt

Triệu chứng bệnh bại liệt xuất hiện khác nhau phụ thuộc vào thể bệnh bại liệt. Bệnh bại liệt có thể biểu hiện các triệu chứng nhẹ nhàng trong thể bại liệt không điển hình, không tổn thương hệ thần kinh trung ương, nhưng cũng có thể là rất nghiêm trọng trong thể liệt. Hầu hết các bệnh nhân bị nhiễm bệnh không biểu hiện triệu chứng. Bệnh bại liệt được chia làm ba thể:

Bại liệt thể nhẹ: Các triệu chứng thường gặp nhất là những triệu chứng giống như các bệnh nhiễm trùng do virus khác gây ra, bao gồm: Sốt cao, đau đầu, mất ngủ, rát cổ họng, buồn nôn và nôn mửa, táo bón hoặc tiêu chảy. Bệnh có thể hồi phục trong vài ngày.
Bại liệt thể không liệt: Hay còn gọi là thể viêm màng não vô khuẩn, biểu hiện thường gặp nhất là đau đầu, cứng cổ và thay đổi chức năng tâm thần.
Bại liệt thể liệt: Triệu chứng phổ biến nhất là sốt, sau đó là đau đầu, cứng cổ, cứng lưng, táo bón và nhạy cảm khi bị chạm vào người. Bệnh nhân dần dần mất cảm giác vận động ở phần dưới của cơ thể dẫn đến liệt không đối xứng. Sau đó bệnh nhân sẽ phục hồi dần trong vòng từ 2 đến 6 tháng. Trong các trường hợp nặng hơn, nếu liệt cả tủy sống và hành tủy thì có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

3. Bệnh bại liệt có lây không?

Bại liệt là một bệnh truyền nhiễm, lây lan từ người sang người chủ yếu theo đường phân miệng, nên dễ lây lan thành dịch.

4. Cách phòng bệnh bại liệt

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người nên thực hiện tốt những biện pháp dưới đây nhằm chủ động phòng, chống căn bệnh bại liệt:

- Tiêm vaccine bại liệt cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, ít nhất 3 lần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Cần nâng cao ý thức cộng đồng về việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, bao gồm cả vệ sinh cá nhân và vệ sinh nguồn nước, thực phẩm.

- Cần tạo dựng thói quen vệ sinh các vật dụng, bề mặt, đồ chơi, bàn ghế, dụng cụ học tập, sàn nhà bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc chất tẩy rửa.

- Người chăm sóc trẻ cần thường xuyên làm sạch tay bằng xà phòng, đặc biệt là trong những lúc trước và sau khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh.

- Sử dụng những nguồn nước sạch, không phóng uế bừa bãi. Phân của trẻ em cũng cần phải được thu dọn, vứt đổ vào nhà vệ sinh và cọ rửa sạch sẽ.

- Nếu trẻ em trong nhà hoặc tại trường học xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, sốt, cứng gáy, đau cơ bắp và các chi, liệt mềm cấp... cần đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời tại bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất.

5. Cách điều trị bệnh bại liệt

Hiện tại, bệnh bại liệt không có phương pháp điều trị đặc hiệu để loại bỏ virus khỏi cơ thể. Việc điều trị chủ yếu tập trung vào giảm nhẹ triệu chứng, nâng đỡ thể trạng, hỗ trợ hồi phục chức năng và ngăn ngừa các biến chứng. Một số phương pháp điều trị bao gồm:

Bất động hoàn toàn: Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, tránh vận động để giảm nguy cơ tổn thương cơ và thần kinh thêm trong giai đoạn cấp tính.

Tăng cường và nâng cao thể trạng: Cung cấp đủ dinh dưỡng bằng cách bổ sung sinh tố và truyền dịch để duy trì sức khỏe và thể trạng cho người bệnh.

Hỗ trợ hô hấp: Trong trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu liệt tủy dẫn đến suy hô hấp, cần hỗ trợ hô hấp.

Điều trị kháng sinh: Nếu có bội nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ.

Phục hồi chức năng: Sau giai đoạn cấp tính, bệnh nhân cần thực hiện các liệu pháp phục hồi chức năng để khắc phục di chứng liệt cơ và giúp phục hồi khả năng vận động.

BS Nguyễn Văn Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bai-liet-nguyen-nhan-bieu-hien-cach-dieu-tri-va-phong-benh-169241012090107303.htm