Bài 'thử nghiệm' với năng lực kiểm soát khủng hoảng Mỹ-Trung

'Khủng hoảng khinh khí cầu' có thể là bước ngoặt quan trọng trong cuộc canh tranh giữa hai cường quốc Mỹ-Trung.

Binh sĩ Mỹ trục vớt xác khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi tại bãi biển Myrtle, bang Nam Carolina ngày 5/2. (Nguồn: Reuters)

Binh sĩ Mỹ trục vớt xác khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi tại bãi biển Myrtle, bang Nam Carolina ngày 5/2. (Nguồn: Reuters)

Diễn biến bất ngờ

Đầu tháng 2/2023, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo đang theo dõi một khinh khí cầu Trung Quốc trôi lơ lửng trên bầu trời xứ cờ hoa. Ngay lập tức, sự kiện này đã gây ra phản ứng tương đối dữ dội trong nội bộ Washington, nhất là khi quỹ đạo của khinh khí cầu bay qua các khu vực nhạy cảm chứa các đầu phóng hạt nhân của Mỹ ở bang Montana. Đồng thời, quả khinh khí cầu nhìn thấy bằng mắt thường này lại càng như một lời thách thức thể diện của xứ cờ hoa.

Ngay lập tức, chính quyền Tổng thống Joe Biden bị Đảng Cộng hòa chỉ trích mạnh mẽ vì không phản ứng sớm, quyết liệt hơn với sự cố được cho là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và không phận quốc gia này. Càng bất ngờ khi vụ việc xảy ra vài ngày trước thềm chuyến công du Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Nếu diễn ra, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên từ năm 2018 của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tới Bắc Kinh, nơi ông dự kiến được Chủ tịch Tập Cận Bình mời cơm tối.

Về phần mình, Trung Quốc đã tuyên bố đây chỉ là khinh khí cầu dân dụng và “lấy làm tiếc” vì nó đã di chuyển lệch quỹ đạo dự kiến. Tuy nhiên, dư luận Mỹ không vì thế mà hết hoài nghi và đã đặt nhiều câu hỏi về ý đồ, năng lực thực sự của vật thể này sau câu chuyện “không cánh mà bay” vào bầu trời của nước Mỹ.

Một số ý kiến cũng bày tỏ thắc mắc rằng, tại sao trong bối cảnh hai bên đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm quan trọng như vậy, sự cố khinh khí cầu đi chệch hướng này lại không được Trung Quốc chủ động thông báo sớm hơn tới phía Mỹ.

Trong khi đó, máy bay chiến đấu F-22 của Không quân Mỹ đã khép lại quãng thời gian trôi dạt trên bầu trời xứ cờ hoa của khinh khí cầu Trung Quốc bằng quả tên lửa AIM-9X trị giá 400.000 USD. Mặc dù tranh cãi xung quanh quyết định bắn hạ, cũng như câu chuyện trả hay giữ xác khinh khí cầu vẫn còn đó, song cũng khiến sự cố giữa hai nước ít nhiều tạm lắng xuống.

Phản ứng kiềm chế

“Khủng hoảng khinh khí cầu” được không ít người đánh giá đánh giá là sự kiện nghiêm trọng, bất ngờ và đáng tiếc khiến Ngoại trưởng Antony Blinken phải hoãn chuyến thăm Bắc Kinh. Tuy nhiên, không khó để thấy cả Mỹ và Trung Quốc đã nỗ lực kiểm soát tình hình, không để khủng hoảng lan rộng và trầm trọng thêm.

Ngoại trưởng Antony Blinken đã điện đàm ngay với Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị. Bản thân nhà ngoại giao này cũng khẳng định mới chỉ hoãn, thay vì hủy chuyến thăm Bắc Kinh đã lên lịch. Giới phân tích Mỹ cũng nhanh chóng chỉ ra rằng khinh khí cầu không thu thập được thêm thông tin gì hơn so với vệ tinh Trung Quốc.

Ở phía bên kia, Bắc Kinh cũng phản ứng có mức độ và kiềm chế, dù khẳng định việc Washington bắn hạ khinh khí cầu “trái với thông lệ và tập quán quốc tế”.

Nguy cơ hay cơ hội?

Trong khi một số nhà quan sát hy vọng “sự cố” này sẽ sớm qua đi và quan hệ Mỹ - Trung sẽ sớm phục hồi đà cải thiện trong vài tháng tới, một số chuyên gia bi quan rằng “khoảnh khắc khinh khí cầu” sẽ là một bước ngoặt quan trọng khiến cạnh tranh giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới khó có thể sớm hàn gắn.

Nhiều ý kiến cho rằng sự kiện đặc biệt này có thể đánh dấu một nấc leo thang mới trong cạnh tranh song phương, bởi đây là lần đầu tiên “thách thức Trung Quốc” hiển hiện rõ ràng ngay trên đầu Mỹ. Trước đó, mối đe dọa từ Trung Quốc là điều người dân Mỹ đã cảm thấy, nhưng chưa nhìn thấy và khó hình dung.

Ngoài việc chặn đứng đà nối lại liên lạc và cải thiện quan hệ kể từ sau cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ - Trung bên lề Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tháng 11/2022, sự cố đã khoét sâu thêm sự nghi kỵ chiến lược giữa hai nước. Đồng thời, nó cũng cung cấp thêm lập luận và cơ sở để đảng Cộng hòa, hiện nắm giữ Hạ viện Mỹ, tiếp tục gây sức ép đòi chính quyền của ông Biden phải có chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc. Dù đều coi Trung Quốc là thách thức hàng đầu của Mỹ hiện nay, song đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ vẫn có cách tiếp cận khác nhau trong giải quyết mối nguy cơ này.

Dù vậy, dư luận cho rằng, Washington và Bắc Kinh sẽ vẫn tìm cách để sớm nối lại đối thoại, nỗ lực kiểm soát cạnh tranh, đối đầu giữa hai nước. Bởi lẽ, Mỹ và Trung Quốc dường như đã có chung nhận thức rằng quản lý và kiểm soát cạnh tranh chiến lược, không để xung đột bùng phát là lợi ích chiến lược của hai bên.

Không biết chừng, sự kiện này có thể là bước thử nghiệm sớm cơ chế kiểm soát khủng hoảng song phương, vốn được nhiều người mong chờ. Kiểm soát khủng hoảng cũng là một nội dung quan trọng trong mục đích chuyến đi Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ Blinken bởi cả hai đều hiểu rằng khi đụng độ, cọ xát trở thành câu chuyện “cơm bữa”, khó tránh khỏi giữa hai cường quốc thời gian tới, hợp tác kiểm soát khủng hoảng sẽ là nội dung đầu tiên mà hai bên cần đạt được nhất trí!

TS. Nguyễn Hùng Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bai-thu-nghiem-voi-nang-luc-kiem-soat-khung-hoang-my-trung-215964.html