Bài toán cân đối ngân sách nhà nước

Bức tranh tài khóa - ngân sách nhà nước (NSNN) ba quý năm 2018 đã có nhiều điểm sáng. Bội chi ngân sách giảm về mức thấp nhất kể từ năm 2016, do tiến độ thu NSNN đạt khá so với chi (bội chi ngân sách ước đạt 3,67%, thấp hơn so với mục tiêu Quốc hội giao là 3,7%). Thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu tích cực do hoạt động XNK khởi sắc, xuất siêu đến thời điểm hiện tại đã lên đến 5,39 tỷ USD. Nợ công cũng đã giảm từ mức 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 61,4%.

Về cơ bản, cân đối NSNN năm 2018 được bảo đảm nhưng bài toán cân đối NSNN chưa vững chắc, chưa khoa học. Cấu trúc thu NSNN còn phụ thuộc vào một số khoản thu không bền vững vẫn đang là thách thức lớn với nền tài chính công. Thu NSNN còn phụ thuộc nhất định vào dầu thô; thu từ nhà, đất. Số vượt thu 39.200 tỷ đồng so với dự toán trong chín tháng năm nay chủ yếu đến từ dầu thô (do giá dự toán thấp hơn thực tế 23,5 USD/thùng, sản lượng khai thác tăng 450 nghìn tấn) và thu từ nhà, đất (đạt 104,4% dự toán). Trong khi đó, các khoản thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục đạt thấp so với dự toán. Đáng lưu ý, tỷ trọng các khoản thu từ sản xuất, kinh doanh có xu hướng giảm trong những năm gần đây, cho thấy dư địa thu ngân sách ngày càng hạn chế.

Để điều hành cân đối NSNN, Bộ Tài chính đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại và chống chuyển giá; giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh liên quan điều kiện kinh doanh, đất đai, thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Quản lý chi NSNN theo đúng chế độ quy định, trong phạm vi dự toán được giao bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tiếp tục rà soát, thực hiện các biện pháp giảm mức phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ…

Trước những thách thức trong bảo đảm cân đối NSNN trong dài hạn, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục cải cách thu ngân sách; củng cố nguồn thu bền vững, nhất là gia tăng vai trò thu nội địa, chủ động ứng phó trong bối cảnh thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu từ các hoạt động khai thác tài nguyên sụt giảm. Cải cách hệ thống thuế theo hướng đẩy mạnh hơn nữa vai trò thuế gián thu trong mối tương quan với thuế trực thu dựa trên thu nhập. Tăng cường quản lý bội chi NSNN và có lộ trình từng bước giảm bội chi NSNN; đổi mới và kiểm soát chặt công tác phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn chi. Trong dài hạn, cấu trúc nguồn thu bền vững phải bảo đảm chủ yếu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong nước. Các nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và khai thác tài nguyên khoáng sản từng bước giảm dần cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế cũng như thay đổi mô hình tăng trưởng.

Tô Hà

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/38068602-bai-toan-can-doi-ngan-sach-nha-nuoc.html