Bài toán khó giải của kinh tế Mỹ

Câu hỏi được đặt ra là liệu Fed có thể tìm được điểm cân bằng giữa việc kiềm chế lạm phát và không đẩy nền kinh tế vào suy thoái cũng như khiến hàng nghìn công nhân mất việc làm hay không?

Trụ sở Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại Washington, DC. Ảnh: THX/TTXVN

Trụ sở Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại Washington, DC. Ảnh: THX/TTXVN

Paul Volcker, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), người đã đồng hành cùng thể chế này trong giai đoạn những năm 1970-1980, vừa đưa ra nhận định rằng một khi môi trường giá cả tăng cao xâm nhập vào nền kinh tế, việc giải quyết những thách thức này sẽ là rất khó.

Cựu Chủ tịch Paul Volcker là người đã lãnh đạo Fed vượt qua cú sốc về lạm phát kéo dài vào những năm 1970. Giờ đây, kinh tế Mỹ một lần nữa chứng kiến lạm phát tăng cao một cách đau đớn.

* Lạm phát có thể lùi về mức 5-6%

Theo David Rubenstein, nhà đầu tư tỷ phú và đồng sáng lập của tập đoàn dịch vụ tài chính The Carlyle Group, bất chấp chiến dịch tăng lãi suất tích cực đang được Fed thực hiện, việc đưa giá cả trở về mức bình thường sẽ tiến triển rất chậm.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước, nhà đầu tư tỷ phú Rubenstein nói với FOX Business rằng ông hy vọng lạm phát sẽ giảm nhẹ vào cuối năm nay, với Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể giảm từ 2 đến 4 điểm phần trăm, tùy thuộc vào diễn biến cuộc xung đột Nga-Ukraine và sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn gọi là OPEC+.

"Hiện tại, tôi cho rằng sẽ rất khó để đưa lạm phát về mức 3% hoặc 4% vào cuối năm nay", doanh nhân Rubenstein nói. "Lạm phát hiện đang dao động ở mức 6-8% và việc điều chỉnh giảm 50% đối với chỉ số này là điều thật sự khó, ngay cả khi lãi suất tăng cao hơn".

Tháng trước, các số liệu từ chính phủ cho thấy tốc độ tăng kinh hoàng của lạm phát đã chậm lại một chút. Chỉ số giá tiêu dùng, thước đo giá hàng hóa hàng ngày bao gồm xăng dầu, hàng tạp hóa và giá thuê, đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù thấp hơn mức tăng 9,1% được ghi nhận vào tháng Sáu, nhưng con số này vẫn đang ở gần mức cao nhất của bốn thập kỷ.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã thông qua 4 lần tăng lãi suất liên tiếp - bao gồm hai lần tăng 75 điểm cơ bản liên tiếp - và báo hiệu rằng họ sẽ tiếp tục nâng lãi suất cho đến khi có bằng chứng rõ ràng rằng lạm phát đã tăng chậm lại.

Hiện, các thị trường đã được định giá để “đón đầu” một đợt tăng lãi suất siêu lớn khác của Fed trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 20-21/9 tới. Sau đó, dự kiến mức độ tăng sẽ chậm lại mức 25 điểm cơ bản cho mỗi lần điều chỉnh.

"Nếu Fed thật sự làm điều đó, tôi cho rằng lạm phát có thể sẽ giảm xuống khoảng 5% hoặc 6% nhưng để đưa lạm phát về dưới các mức đó là khá khó khăn", doanh nhân Rubenstein nói.

Nhà đầu tư tỷ phú Rubenstein, người đã phục vụ trong chính quyền cựu Tổng thống Jimmy Carter, từng làm việc với ông Powell tại The Carlyle Group, một trong những công ty cổ phần tư nhân lớn nhất thế giới với mức vốn hóa thị trường khổng lồ 11 tỷ USD, vào cuối những năm 1990, trước khi nhà lãnh đạo Fed được đề cử vào Hội đồng thống đốc của thể chế này.

Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở New York (Mỹ). Ảnh: THX/TTXVN

Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở New York (Mỹ). Ảnh: THX/TTXVN

* Kinh tế Mỹ có suy thoái hay không?

Việc Fed tăng lãi suất đến một mức nhất định có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức hiện tại. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm xuống 3,5% vào tháng bảy, tương đương với mức thấp lịch sử được ghi nhận trong giai đoạn trước đại dịch COVID-19 - nhưng đã tăng lên 3,7% vào tháng Tám, chủ yếu do có nhiều người Mỹ đang tìm việc hơn.

Do đó vào lúc này, câu hỏi được đặt ra là liệu Fed có thể thiết kế thành công một cuộc "hạ cánh mềm" của việc đi tìm sự cân bằng mong manh giữa kiềm chế lạm phát và không đẩy nền kinh tế vào suy thoái cũng như khiến hàng nghìn công nhân mất việc làm hay không?

Với tâm lý lạc quan, nhà đầu tư tỷ phú Rubenstein lưu ý rằng, về mặt lịch sử, nhiều khả năng việc Fed nâng lãi suất quá nhanh sẽ không gây ra suy thoái. Tuy nhiên trong trường hợp có suy thoái, ông Rubenstein cũng cho rằng “những tác động của nó sẽ khiêm tốn hơn bất cứ thứ gì chúng ta từng thấy trong những năm gần đây".

Mặc dù vậy, tâm lý trên Phố Wall đang ngày càng đồng thuận rằng Fed sẽ kích hoạt một cuộc suy thoái kinh tế khi cố gắng kiềm chế lạm phát bằng cách đẩy lãi suất cao hơn.

Việc tăng lãi suất có xu hướng tạo ra tỷ lệ cho vay tiêu dùng và vay kinh doanh cao hơn, làm chậm nền kinh tế bằng cách buộc giới chủ phải cắt giảm chi tiêu. Lãi suất thế chấp đã tăng gần gấp đôi so với một năm trước và một số công ty phát hành thẻ tín dụng đã tăng lãi suất của họ lên tới 20%.

Song song với đó, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thước đo rộng lớn nhất đối với hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong nước, đã giảm trong hai quý liên tiếp. Kinh tế Mỹ đã thu hẹp 1,6% trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng Ba và tiếp tục giảm 0,6% trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Sáu.

Một ước tính từ RSM, một công ty tư vấn và kế toán, cho thấy nếu Fed muốn đưa lạm phát về mức mục tiêu là 2% thì nền kinh tế có thể đối diện với việc mất khoảng 5,3 triệu việc. Theo kịch bản này, tỷ lệ thất nghiệp cũng sẽ tăng lên 6,7%.

Ông Powell đã thừa nhận rằng chi phí đi vay cao hơn có thể mang lại "nỗi đau" kinh tế cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trên toàn quốc, nhưng ông nhấn mạnh rằng việc giải quyết khủng hoảng lạm phát là cấp thiết hơn nhiều đối với ngân hàng trung ương.

Nhà lãnh đạo này nói: “Các yếu tố như môi trường lãi suất cao hơn, tăng trưởng chậm hơn và điều kiện thị trường lao động yếu hơn sẽ làm giảm lạm phát, nhưng chúng cũng sẽ mang lại một số nỗi đau cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Đây là chi phí đáng tiếc của việc cố gắng giảm lạm phát. Tuy nhiên, việc không khôi phục được sự ổn định giá cả sẽ đồng nghĩa với những nỗi đau lớn hơn nhiều”./.

Phương Nga/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bai-toan-kho-giai-cua-kinh-te-my/258185.html