Bài toán kiểm soát giá cả

Giá điện, tỷ giá, giá vàng… đồng loạt tăng dù trực tiếp hay gián tiếp đều tác động đến thị trường hàng hóa.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào quý IV/2024 - cao điểm sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, việc có các chính sách điều hành phù hợp, kiềm chế hàng hóa tăng giá bất hợp lý là cần thiết để vừa đảm bảo quyền lợi khách hàng, vừa hỗ trợ DN.

Bước vào quý IV/2024, tỷ giá và giá vàng tiếp tục tăng cao do tình hình chính trị thế giới bất ổn. Giá USD lên kịch trần, vàng vượt hết đỉnh này đến đỉnh khác, giá điện tăng… khiến DN và người dân “đứng ngồi không yên”. Về nguyên tắc kinh tế, giá kim loại quý này tăng không ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả, song tâm lý "giá cả theo vàng” là có thật. Các mặt hàng từ dưa, cà, mắm, muối... tăng giá, ngoài lý do chi phí sản xuất tăng, ảnh hưởng của bão lũ, còn có nguyên nhân tại “vàng tăng” - theo lời một số tiểu thương. Giá bán lẻ điện bình quân cũng tăng 4,8% từ ngày 11/10. Mà tỷ giá tăng khiến DN đau đầu cân đối chi phí.

Theo chuyên gia, mức tăng giá này tác động không nhiều đến lạm phát, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nhất là trong bối cảnh CPI 9 tháng qua được kiểm soát tốt, tạo dư địa để giữ vững mục tiêu kiểm soát lạm phát trong ngưỡng mục tiêu. Tuy nhiên, cần ngăn chặn tình trạng “té nước” theo… vàng, theo điện, theo tỷ giá.

Với vàng và tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang có nhiều giải pháp để hạn chế bớt sức nóng của kim loại quý và đồng bạc xanh này. Theo đó, NHNN tiếp tục "hút bớt" tiền cũng như kiềm giữ cho tỷ giá không tăng quá mạnh. Tuy vậy, việc tỷ giá, giá điện… dắt tay nhau đi lên cũng là thách thức, khó khăn cho DN khi chi phí đầu vào tăng. Ngoài ra, một số yếu tố cần được theo dõi thận trọng để kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm như rủi ro về thiên tai, thời tiết bất lợi có thể tác động làm tăng giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương.

Theo quy luật, vào các tháng cuối năm và dịp lễ, Tết, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng, điều này cũng tác động làm tăng CPI. Trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất, nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của DN, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng.

Bình quân 9 tháng năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 3,88%. So với mục tiêu 4,5% mà Quốc hội đề ra trong năm nay thì đến thời điểm này, chuyên gia cho rằng, có thể yên tâm sẽ đạt được mục tiêu lạm phát đề ra. Cụ thể, để đạt được mức lạm phát cao nhất là 4,5% thì quý IV có thể tăng 6,4% và điều này khó có thể xảy ra.

Dù vẫn trong tầm kiểm soát, song áp lực của lạm phát vẫn gia tăng, không chỉ từ việc tăng giá điện mà còn có thể từ việc điều chỉnh một số mặt hàng dịch vụ vào cuối năm. Nếu lạm phát tăng quá cao thì ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đầu tư của DN. Vì vậy, chỉ số này cần được ưu tiên tập trung theo dõi và điều chỉnh nhằm bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, cùng với những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành cố gắng thực hiện các giải pháp để giá cả trong tầm kiểm soát, Việt Nam cũng đang nhận được những điều kiện thuận lợi từ thị trường quốc tế. Cụ thể, vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng đã giảm lãi suất cơ bản 0,5% điểm, từ đó tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam ở góc độ sẽ giảm bớt áp lực với tiền đồng, kéo theo cơ hội giảm lãi suất trong nước.

Hà Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-toan-kiem-soat-gia-ca.html