Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về chống lãng phí

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: Cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống 'giặc nội xâm' đầy cam go, phức tạp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, 'là đạo đức, là văn minh'.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa có bài viết về “Chống lãng phí”.

Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí. Nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này đã được Đảng, Nhà nước ban hành và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả.

Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.

 Trong bài viết "Chống lãng phí", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ ra nhiều nguyên nhân của tình trạng lãng phí các nguồn lực. Ảnh: TTXVN

Trong bài viết "Chống lãng phí", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ ra nhiều nguyên nhân của tình trạng lãng phí các nguồn lực. Ảnh: TTXVN

Pháp luật chưa đáp ứng thực tiễn cũng là "lãng phí"

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng phòng, chống lãng phí. Không chỉ là thường xuyên căn dặn, nhắc nhở, bàn luận về tiết kiệm, chống lãng phí dưới góc độ lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng, chống lãng phí. Đáng chú ý, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí... chưa có chuyển biến rõ rệt... phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế... Tham nhũng, lãng phí... vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp... ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”.

Thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X ban hành Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 1998; Quốc hội đã thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005 và năm 2013; Hiến pháp năm 2013 quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước”.

Qua đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khai thác, sử dụng các nguồn lực của đất nước được nâng lên. Ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập đến chấp hành dự toán và quyết toán.

Việc mua sắm, trang bị, quản lý và sử dụng tài sản, phương tiện đi lại, trang thiết bị làm việc trong các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách thực hiện theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định...

Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước được triển khai; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, ý thức tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực.

“Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt những thành tựu vĩ đại” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.

Dù vậy, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, lãng phí hiện còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển.

Ông cũng chỉ ra một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay. Đó là chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực.

Việc này còn gây lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp…

Ngoài ra, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, việc lãng phí còn do thực thi các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về phòng, chống lãng phí trong thực tế vẫn còn hạn chế.

Cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ, một số chưa phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; xử lý lãng phí chưa được đề cao, thường gắn với xử lý tham nhũng như hệ lụy kéo theo…

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu thời gian tới cần hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí; các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công... tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi để giảm thiểu lãng phí. Trong ảnh: Nhà đất công ở số 9A Nam Quốc Cang, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM, hiện đang bị bỏ trống gây lãng phí. Ảnh mình họa: THUẬN VĂN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu thời gian tới cần hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí; các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công... tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi để giảm thiểu lãng phí. Trong ảnh: Nhà đất công ở số 9A Nam Quốc Cang, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM, hiện đang bị bỏ trống gây lãng phí. Ảnh mình họa: THUẬN VĂN

Xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhìn nhận Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của đất nước.

Do vậy, ông yêu cầu công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu. Qua đó, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu cần chú trọng một số giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.

Trong đó, tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động, trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân khu vực công, khu vực tư về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tiết kiệm, chống lãng phí phải được thể hiện rõ nét qua những cam kết, kế hoạch, có lãnh đạo, có chỉ tiêu cụ thể, tiến hành thường xuyên, triệt để…

Thứ hai, tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công.

Với nhiệm vụ này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu cần ban hành quy định của Đảng nhận diện cụ thể những biểu hiện lãng phí trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; quy định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống lãng phí; xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí.

Song song đó, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí.

Xây dựng cơ chế thực sự hữu hiệu cho giám sát, phát hiện lãng phí của MTTQ, các đoàn thể và nhân dân. “Đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm gây lãng phí lớn tài sản công theo tinh thần 'xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực'” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu có tổng kết, nhân rộng kinh nghiệm triển khai dự án đường dây 500 Kv mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) để rút ngắn thời gian thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia. Ảnh: EVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu có tổng kết, nhân rộng kinh nghiệm triển khai dự án đường dây 500 Kv mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) để rút ngắn thời gian thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia. Ảnh: EVN

Giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công

Thứ ba, tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo Nhân dân và phát triển đất nước.

Theo đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí.

Trong đó, xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không cầu toàn, không nóng vội; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, giải quyết, khắc phục điểm nghẽn, mở rộng không gian, tạo đà cho phát triển.

Thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực.

Hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí; các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi để giảm thiểu lãng phí.

Ông cũng nhấn mạnh phải cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; chống bệnh quan liêu. Sử dụng tài nguyên, nhân lực, vật lực hiệu quả; tăng cường tính bền vững, tối ưu hóa quy trình làm việc; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Đặc biệt phải giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém. Sớm hoàn thành cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Ông cũng yêu cầu có tổng kết, nhân rộng kinh nghiệm triển khai dự án đường dây 500 kv mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) để rút ngắn thời gian thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa.

Mặt khác, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước còn nhấn mạnh việc phải tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới…

Thứ tư, xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”.

Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm; tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật.

“Để đưa đất nước vững bước đi lên CNXH, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, nhất định chúng ta phải quyết tâm phòng, chống lãng phí gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Mời bạn đọc theo dõi toàn văn bài viết về "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm TẠI ĐÂY.

NGUYỄN THẢO

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/bai-viet-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-ve-chong-lang-phi-post814706.html