Bám làng để chống càn

Năm 1953, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, quân Pháp tiếp tục điều thêm quân để thực hiện các đợt càn quét, đánh phá, đưa lực lượng tại đây lên tới 15 tiểu đoàn.

Thôn Yên Nhân (xã Tiền Phong, huyện Yên Lãng, nay là huyện Mê Linh, TP Hà Nội) có nhiều ao hồ, tường đất cao xây xung quanh và các lũy tre dày bao bọc. Giữa các xóm trong thôn đều có hệ thống chiến hào, tạo nên sự liên kết với nhau; mỗi xóm đều xây dựng hệ thống hầm bí mật. Lúc bấy giờ, đội du kích của thôn Yên Nhân có 47 người, được tổ chức tốt, thường xuyên luyện tập các phương án đánh địch, bảo vệ xóm làng. 5 giờ sáng 17-10-1953, quân Pháp tổ chức càn quét, dùng pháo 105mm bắn vào thôn, rồi sử dụng nhiều xe tăng và xe cơ giới yểm trợ, chia làm nhiều mũi tấn công vào các xóm. Do có sự chủ động từ trước nên du kích thôn Yên Nhân và bộ đội ta bình tĩnh hiệp đồng chiến đấu, khôn khéo đánh trả từng đợt tiến công của địch.

Sau nhiều lần tiến công không thành, địch dùng xe tăng và bộ binh đánh vu hồi vào phía đông của thôn. Đoán được ý định của địch, đợi cho xe tăng của chúng vào bãi vật cản, du kích mới giật mìn, vừa tiêu diệt địch tại chỗ, đồng thời khiến chúng phải lùi ra xa. Chưa từ bỏ ý định, 1 giờ chiều, địch dừng bắn pháo, từ nhiều hướng bất ngờ tiến công vào thôn. Ở lần tấn công thứ 5 này, chúng tiếp tục bị du kích và bộ đội địa phương lợi dụng vật cản, chông mìn, bắn gần, ném lựu đạn làm chết và bị thương nhiều tên. Đi đến đâu cũng bị ta chống trả quyết liệt, đến 8 giờ tối, chúng buộc phải rút ra ngoài, củng cố lại lực lượng. Lợi dụng đêm tối, quân địch chủ quan, ta bất ngờ tập kích diệt thêm nhiều tên địch. Sau đó, suốt đêm, dân quân du kích thường xuyên nổ súng quấy rối làm cho chúng mất ăn, mất ngủ. Sáng sớm hôm sau, do bị thương vong nhiều, địch phải rút toàn bộ lực lượng về căn cứ.

Sau hơn một ngày đêm bám làng chiến đấu, tuy rất chênh lệch về lực lượng, nhưng du kích Yên Nhân và bộ đội địa phương đã dũng cảm, diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Cách đánh này đã làm thất bại ý định càn quét của địch, đồng thời củng cố được thế trận làng xã chiến đấu, góp phần phát triển thế trận chiến tranh nhân dân ở địa phương.

VĂN CHIỂN (Theo Lịch sử Quân khu 2)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/bam-lang-de-chong-can-605301