Bám sát thực tiễn, sáng tạo và cống hiến
Trải qua chặng đường 94 năm (1-8-1930 - 1-8-2024), lĩnh vực Tuyên giáo luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng và được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Phát huy truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng, ngành Tuyên giáo trong tỉnh đã bám sát thực tiễn, chủ động, sáng tạo và không ngừng cống hiến, đóng góp quan trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới.
Đổi mới đồng bộ công tác giáo dục chính trị tư tưởng
Ngành Tuyên giáo trong tỉnh đã chú trọng đổi mới nội dung, hình thức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Các hội nghị học tập, quán triệt chủ yếu được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến kết nối đến cơ sở giúp tiết kiệm được thời gian, kinh phí với đối tượng được triển khai rộng hơn cùng một lúc đến nhiều cấp. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng thành các tài liệu tuyên truyền ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu cấp phát đến cơ sở như biên soạn thành tờ gấp, tài liệu Hỏi - Đáp, mã hóa QR - Code tài liệu, thiết kế các bài viết dưới dạng Infographic đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh, trang Fanpage Người Tuyên Quang.
Ban Chỉ đạo 35 tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên địa bàn tỉnh.
Ảnh: Thanh Phúc
Ngành Tuyên giáo trong tỉnh đã tham mưu với cấp ủy tổ chức các đợt sinh hoạt, nghiên cứu học tập nghiêm túc các tác phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một cách nghiêm túc, khoa học đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, tin tưởng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng. Thực hiện Đề án số 06 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã biên soạn tài liệu “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tuyên Quang”, biên soạn cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2006 - 2020”; biên soạn các tài liệu Hỏi - Đáp về lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 1976 - 2005.
Ngành Tuyên giáo trong tỉnh đã chủ động tham mưu với cấp ủy tổng kết, sơ kết, đánh giá kịp thời việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Điển hình như trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh và tổng kết Nghị quyết số 33 của BCH Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước với nhiều hoạt động bổ trợ đặc sắc như Chương trình Nghệ thuật mang tên “Tuyên Quang khát vọng phát triển phồn vinh và hạnh phúc”; tổ chức biểu diễn vở kịch nói “Lá đơn thứ 72”, tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu thành tựu văn hóa của Tuyên Quang.
Lan tỏa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Ngành Tuyên giáo trong tỉnh đã tham mưu với cấp ủy tỉnh lãnh đạo triển khai hiệu quả Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên. Qua đó đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa, đi vào chiều sâu.
Hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy lựa chọn các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sát với hướng dẫn của Trung ương và phù hợp với tình hình của tỉnh. Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Tuyên giáo trong tỉnh đã tham mưu với cấp ủy tổ chức đánh giá, sơ kết, biểu dương, gặp mặt, khen thưởng các cá nhân, tập thể điển hình; tổ chức các hội thảo, sinh hoạt chuyên đề tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngành Tuyên giáo trong tỉnh đã tham mưu với cấp ủy lãnh đạo xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên nhiều lĩnh vực. Đến tháng 6 đầu năm 2024, ở cấp huyện đã duy trì 16 mô hình tiêu biểu, 49 việc làm theo Bác; cấp cơ sở xây dựng 242 mô hình tiêu biểu, 269 việc làm theo; cấp dưới cơ sở xây dựng 945 mô hình tiêu biểu, 2.751 việc làm theo Bác. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã tổ chức nhiều cuộc sinh hoạt chi bộ chuyên đề có nội dung học tập và làm theo Bác trong cán bộ, đảng viên.
Ở nhiều tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, việc học tập và làm theo Bác đã được thực hiện nền nếp gắn với thực hiện quy định nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên. Do đó, đã tạo chuyển biến rõ rệt về tinh thần, thái độ, tác phong, lề lối làm việc. Cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đã chú trọng xây dựng tác phong làm việc sâu sát cơ sở, gần dân, lắng nghe dân, tích cực đối thoại với dân, thực hiện nghiêm túc quy định về tiếp công dân. Sự chuyển biến này đã lan tỏa mạnh mẽ trong đảng viên, Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tham mưu hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Xác định công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tư tưởng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 35 của tỉnh đã chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Nhóm chuyên gia, cộng tác viên Ban Chỉ đạo 35 tỉnh; kịp thời nắm tình hình, phát hiện, định hướng đấu tranh phản bác đối với những thông tin xấu độc, kịp thời và chủ động chỉ đạo, định hướng các hoạt động báo chí, thông tin, tuyên truyền. Đối với những vụ việc phức tạp, Ban Chỉ đạo 35 tỉnh, Ban Chỉ đạo 35 các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo tuyên truyền, cảnh báo tới đảng viên, Nhân dân, đồng thời tích cực lan tỏa các thông tin tích cực trên Fanpage của Ban Chỉ đạo 35 tỉnh và trang thông tin của Ban Chỉ đạo 35 cấp huyện.
Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng do Học viện Chính trị quốc gia chủ trì được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức một cách bài bản, sâu rộng đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên tham gia. Hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đều tổ chức hội nghị tập huấn về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và kỹ năng viết bài tham gia cuộc thi. Ngành Tuyên giáo trong tỉnh đã tham mưu với cấp ủy lãnh đạo tuyên truyền sâu rộng về vai trò, mục đích của cuộc thi trên báo chí, trang thông tin điện tử, trang Fanpage của địa phương, cơ quan, đơn vị. Hàng năm, tỉnh đều có tác giả, tác phẩm đạt giải tại Cuộc thi do Trung ương phát động.
Những kết quả nổi bật trong công tác Tuyên giáo của tỉnh đã bồi đắp thêm niềm tự hào về những đóng góp to lớn, có ý nghĩa lịch sử của ngành Tuyên giáo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng thời khẳng định, cán bộ làm công tác Tuyên giáo chính là đội quân tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, xây đắp niềm tin giữa Nhân dân với Đảng.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/bam-sat-thuc-tien-sang-tao-va-cong-hien-195856.html