Bàn cách đào tạo thế hệ sinh viên thực chiến
Tránh tình trạng đổ lỗi cho nhau vì chất lượng nguồn nhân lực thấp, các doanh nghiệp, trường đại học (ĐH) đã cùng ngồi, bàn cách đào tạo thế hệ sinh viên thực chiến.
Sinh viên cần “tiếp lửa”
Chia sẻ tại tọa đàm “Tăng cường đào tạo gắn với thực tiễn, hội nhập quốc tế góp phần nâng cao chất lượng đào tạo”, do Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức, ông Phan Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Pro Sports cho hay, các doanh nghiệp rất thích các ứng viên có khả năng thực chiến. Nhà trường cần tạo điều kiện cho sinh viên có thể vừa học, vừa thực chiến trong thị trường lao động. Muốn vậy, cần sự hợp lực từ 3 “chân kiềng”: nhà trường - sinh viên - doanh nghiệp. Theo đó, sinh viên phải chủ động hoàn thiện bản thân theo yêu cầu của thị trường lao động; chương trình đào tạo của trường ĐH phải đẩy sinh viên vào thực tế và doanh nghiệp là “bà đỡ” đón sinh viên từ khi chập chững vào nghề.
“Nếu sinh viên đến doanh nghiệp chỉ để hoàn thành báo cáo thực tập thì không có gì khó khăn. Vấn đề làm sao để trong thời gian thực tập ngắn ngủi đó, sinh viên phải có động lực thực sự, khao khát vươn lên. Ở giai đoạn này, cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp”, ông Chính nói.
Từ thực tế doanh nghiệp, ông Chính nhìn nhận, nhiều sinh viên đến thực tập có khát vọng, mong muốn phát triển, nhưng các em lại nhanh chán. Ngọn lửa khát vọng cần yếu tố quan trọng là nghị lực. Ông Chính cho rằng, bên cạnh trách nhiệm truyền tải tri thức, giảng viên cần tạo được giá trị cốt lõi trong sinh viên đó là nghị lực để họ tự tìm được con đường nghề nghiệp. Bối cảnh hiện nay, sinh viên có đầy đủ điều kiện như tiếng Anh, công nghệ thông tin, sự khao khát, sẵn sàng chiến đấu để trải nghiệm. Do đó, quan trọng là nhà trường, doanh nghiệp cùng tạo điều kiện để sinh viên thực chiến.
Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Nông sản Bảo Minh cho rằng, sinh viên cần trau dồi 3 yếu tố: đạo đức, nghị lực và trí tuệ. Có tình trạng, doanh nghiệp rất cầu thị, nhưng sinh viên làm giữa chừng dự án thì bỏ cuộc. Theo bà Hiếu, phải có chương trình sâu hơn giữa doanh nghiệp, nhà trường và sinh viên phải có cam kết. “Chúng tôi khuyên các em: Khi đi làm, lĩnh lương thì phải làm rất nghiêm túc. Tôi đã bị “gãy” 2 dự án khi trao cho các em, khiến tôi rất trăn trở”, bà Hiếu bày tỏ.
Doanh nghiệp cần hỗ trợ sinh viên
Ông Nguyễn Hữu Hiệu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Fiin Group mong muốn Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và nhiều trường ĐH tạo bệ phóng cho tương lai, không chỉ là các hoạt động đào tạo truyền thống, mà còn gắn với thực tiễn, gắn với chuẩn đầu ra. Ông Hiệu mong sinh viên có kĩ năng làm việc với trí tuệ nhân tạo (AI), vận dụng AI để tăng năng suất, hiệu quả công việc. Các trường ĐH cũng cần tạo môi trường để sinh viên được trải nghiệm.
Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đại lý thuế D&P Việt Nam, bà Nguyễn Thị Dung cho rằng, chương trình, môn học thiết kế cần phù hợp, được bổ sung hằng năm theo nhu cầu của thị trường lao động. Bà Dung đề xuất tăng cường kĩ năng mềm cho sinh viên như làm việc nhóm, quản lí thời gian. Đồng thời tạo điều kiện để sinh viên được thực tập, trải nghiệm thực tế từ năm thứ hai, có cơ hội tiếp cận, hiểu quy trình, văn hóa của doanh nghiệp. Từ đó, sinh viên ra trường có được phông kiến thức thực tế để hội nhập môi trường làm việc. Đồng quan điểm, ông Phan Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Pro Sports cho rằng, sinh viên được thực tập càng sớm càng tốt. “Doanh nghiệp vốn rất bận rộn, sinh viên khó có thể tiếp cận các thông tin khi đến thực tập. Nếu doanh nghiệp thực sự muốn hợp tác với các trường, phải tạo ra được sân chơi để hỗ trợ sinh viên đến thực tập”, ông Chính nói.
TS Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lí đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, từ năm học này nhà trường đã đưa vào tất cả các chương trình đào tạo ĐH chính quy học phần “Chuyên đề thực tế”, gồm 4 tín chỉ, để tăng hàm lượng thực tiễn trong quá trình đào tạo. Nhà trường sẽ tổ chức đào tạo học phần này cho sinh viên thông qua việc xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên kiêm giảng từ các tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài, nâng cao hiệu quả của các bài tập tình huống.
PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng chia sẻ thực tế nhà trường yêu cầu sinh viên đến làm quen với doanh nghiệp từ năm thứ nhất. Nhưng số lượng sinh viên chính quy hiện nay của trường là 8.000 em/khóa tương đương với gần 200 lớp học. Như vậy, chỉ tính riêng năm thứ nhất, số lượng doanh nghiệp sinh viên đến khảo sát, làm quen cũng khoảng gần 200, chưa kể các khóa còn lại nên rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Thu Hải, Giám đốc Công ty TNHH LCFoods đề xuất, cần phải có cam kết của doanh nghiệp với trường trong việc hỗ trợ tiếp nhận sinh viên đến thực tập. Như công ty của bà Hải đã kí hợp đồng với khoa, với trường thời hạn 5 năm. Ban lãnh đạo công ty phải dành nguồn lực, có đội ngũ đồng hành với sinh viên. Với nhà trường, theo bà Hải, cần có kế hoạch giảng dạy, dành nguồn lực về con người, tài chính, cần tăng thời lượng cho giảng viên gắn kết với doanh nghiệp. Hiện giáo viên chỉ “gắn” với doanh nghiệp ở phần nhập môn là coi như xong nhiệm vụ, sẽ không hiệu quả.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ban-cach-dao-tao-the-he-sinh-vien-thuc-chien-post1688892.tpo