Bản cáo trạng dành cho văn hóa cưỡng hiếp
Đội lốt một câu chuyện báo thù, 'Promising Young Woman' thực chất là bản cáo trạng dành cho văn hóa cưỡng hiếp với định kiến thiên lệch về nam nữ và thói quen đổ lỗi nạn nhân.
Thể loại: Hình sự, giật gân
Đạo diễn: Emerald Fennell
Diễn viên: Carey Mulligan, Bo Burnham, Alison Brie
Đánh giá: 8/10
Promising Young Woman là tác phẩm đầu tay của nữ diễn viên chuyển nghề đạo diễn người Anh Emerald Fennell. Kịch bản gốc do cô chấp bút, được ấp ủ từ năm 2017 trước khi phong trào #MeToo trở nên rầm rộ. Nội dung kể về một phụ nữ tìm cách trả thù cho bạn thân vốn là nạn nhân hiếp dâm khi còn là sinh viên.
Với góc nhìn nữ tính, Fennell khai thác chủ đề nghiêm trọng bằng giọng điệu nhẹ tênh mà đau đớn. Trên cái nền là cuộc báo thù đậm chất giật gân (thriller), Promising Young Woman là sự nhào nặn giữa một tác phẩm rom-com (hài-lãng mạn) hạng B và câu chuyện hình sự (crime) nhuốm màu u tối.
Lối kể chuyện hấp dẫn đã mang lại cho bộ phim 5 đề cử tại Oscar 2021, trong đó có Phim truyện xuất sắc. Ngoài ra, cá nhân Carey Mulligan nhận đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc cho màn lột xác với vai diễn có nội tâm phức tạp Cassie.
Từ “chàng trai trẻ hứa hẹn”
Ngày 18/1/2015, một sự kiện xảy ra tại Đại học Stanford danh giá khiến cả nước Mỹ rúng động. Hai nhân chứng phát hiện một nữ sinh đang bị tấn công tình dục ngay trong khuôn viên ngôi trường lúc 1 giờ sáng. Thủ phạm là Brock Turner, 19 tuổi, ngôi sao bơi lội của trường. Gã đã thực hiện hành vi đồi bại trong lúc nạn nhân đang bất tỉnh vì say rượu.
Nhận cáo buộc cho 5 tội danh, nhưng Turner rốt cuộc chỉ phải chịu 6 tháng tù giam và ba năm tù treo. Dư luận phẫn nộ, cho rằng phiên tòa đã thiên vị vì bị cáo là người da trắng và có xuất thân khá giả. Những người ủng hộ Turner, bao gồm vị thẩm phán chủ tọa, sử dụng cụm từ “chàng trai trẻ hứa hẹn” (promising young man) để nhận xét về hung thủ, như một cách biện minh cho bản án gây tranh cãi.
Với cách chơi chữ ngay từ tên phim, Emerald Fennell muốn lật lại vụ án hiếp dâm dưới góc nhìn của nạn nhân: những cô gái trẻ hứa hẹn.
Promising Young Woman bắt đầu bằng cảnh nhân vật chính Cassandra “Cassie” Thomas (Carey Mulligan) đang chếnh choáng men say. Cô nhanh chóng trở thành tâm điểm bàn tán của những gã đàn ông lạ mặt trong quán bar. Một trong số đó tiến lại gần, bắt chuyện hỏi han và gợi ý muốn đưa cô về nhà. Song, thay vì thực hiện lời nói, gã tìm cách kéo cô gái đến căn hộ riêng.
Tại đây, nam thanh niên bắt đầu có những cử chỉ âu yếm, gần gũi, bất chấp cô gái vẫn đang quay cuồng vì rượu. Sự việc bắt đầu vượt quá giới hạn khi Cassie bị ném lên giường.
Gã đàn ông tự xem cơ thể cô như một vật mình sở hữu và tùy ý sử dụng. Chỉ đến khi Cassie bật dậy với gương mặt tỉnh táo, hắn mới giật mình nhận ra: tất cả chỉ là một cú lừa.
Bài kiểm tra nhân cách đàn ông
Cảnh mở màn của Promising Young Woman là cái tát đau điếng dành cho những kẻ quen thói đổ lỗi nạn nhân (victim blaming). Nhưng với Cassie, sự việc chẳng hề xa lạ. Cô từng thực hiện bài kiểm tra này rất nhiều lần, và chưa một ai vượt qua thành công.
Ban ngày, Cassie giết thời gian bằng công việc pha chế tại một quán cà phê. Ban đêm, cô tìm đến các hộp đêm để “săn tìm” đàn ông vào mỗi độ cuối tuần. Cô dành hẳn một cuốn sổ tay để đánh dấu những gã đàn ông háo sắc, như một “thú vui tội lỗi” (guilty pleasure) khó có thể lý giải.
Quy luật của trò chơi gần như không đổi: Cassie giả vờ say để ngả vào lòng đàn ông, rồi khiến đối phương bẽ bàng vì bản chất thật sự bên trong họ.
Đáng chú ý, tất cả đối tượng của Cassie đều tỏ ra tử tế với cô khi mới tiếp xúc. Họ luôn tận dụng cơ hội vì cho rằng cô gái đang say, không thể điều khiển hành vi. Song, khi Cassie “lật bài ngửa” với khuôn mặt tỉnh táo, cũng là lúc đấng mày râu hiện nguyên hình. Tất cả đều tìm cách hạ thấp nhân phẩm của người phụ nữ và khăng khăng thừa nhận mình là người tốt.
Để nhấn mạnh rằng vẻ ngoài không nói lên tất cả, Fennell chủ động tuyển chọn những gương mặt quen thuộc với kiểu vai hiền lành hoặc hình mẫu “chàng trai nhà bên” dễ thương, thân thiện. Đó chính là hình ảnh đẹp đẽ mà xã hội luôn nhìn về phái mạnh, để rồi bỏ qua bản chất xấu xí và hành vi tội lỗi của họ.
Những nam diễn viên như Adam Brody hay Christopher Mintz-Plasse xuất hiện, cho thấy người có vẻ ngoài tử tế nhất cũng có thể hành xử hết sức thô bỉ.
Bóng tối hậu sang chấn tâm lý
Tâm lý bất ổn của Cassie có nhiều nét tương đồng với những nhân vật sở hữu nội tâm phức tạp trên trang sách của nữ văn sĩ Gillian Flynn. Cassie mang vẻ ngoài điên loạn của Amy trong Gone Girl (2014), lẫn trái tim nhiều thương tổn của Camille Preake của Sharp Objects (2018).
Cách Cassie lật mặt đàn ông vào giữa ban đêm rồi độc bước một mình khi trời sáng, cũng đau đớn và buồn bã không kém cách Camille dùng vật nhọn cứa vào người. Đó là những “liệu pháp tự chế” nhằm xoa dịu nỗi đau tâm hồn.
Emerald Fennell xây dựng Cassie với những hình ảnh đối lập đan xen hệt như một kẻ thái nhân cách (psychopath). Có khi, cô là nàng Lolita ngây dại vừa ngậm kẹo, vừa đọc sách trong bộ cánh màu hồng. Có khi, cô lột xác trở thành “Harley Quinn điên loạn” với mái tóc pha màu xanh đỏ và bí mật không ai có thể nhìn thấu.
Chỉ khi bộ phim đi qua 1/3 quãng đường, nữ đạo diễn mới dần tiết lộ về vết thương lòng của cô gái.
Thuở còn ngồi ghế trường y, Cassie từng thuộc nhóm sinh viên hàng đầu. Cuộc sống của cô gái xoay chuyển 180 độ khi người bạn thân Nina thuở thiếu thời trở thành nạn nhân hiếp dâm ngay trong trường. Bất lực khi chứng kiến cái ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, Nina đau đớn tự kết liễu cuộc đời.
Vụ hiếp dâm không chỉ đẩy Nina đến cái chết, mà còn phá hủy tương lai của Cassie. Từ một cô gái trẻ đầy hứa hẹn, cô sống như cái xác vô hồn cùng bố mẹ già - những người chỉ muốn con gái biến đi càng sớm càng tốt. Thậm chí, Cassie quên mất cả sinh nhật lần thứ 30, bởi mỗi ngày với cô đều vô nghĩa như nhau.
Bản cáo trạng dành cho văn hóa cưỡng hiếp
Thuật ngữ văn hóa cưỡng hiếp (rape culture) được tạo ra bởi những nhà nữ quyền ở Mỹ từ thập niên 1970. Nó ám chỉ việc xã hội luôn tìm cách đổ lỗi cho nạn nhân để bình thường hóa hành vi tấn công tình dục của nam giới. Đây là chủ đề gần như bị quên lãng và mới trở lại những năm gần đây thông qua phong trào #MeToo.
Vụ án Brock Turner cũng là một nghiên cứu điển hình (case study). Nữ sinh Chanel Miller - nạn nhân của vụ việc - đã hứng chịu không ít lời chỉ trích cho rằng cô xứng đáng nhận hậu quả vì là người say xỉn trước. Ngay cả hệ thống pháp lý cũng tỏ ra bất công khi đặt nặng tương lai của kẻ hiếp dâm hơn là thương tổn của bị hại.
Giống như Miller, Nina trong phim bị cả xã hội “quay mặt” khi cô chia sẻ câu chuyện mình bị hiếp dâm. Nhân vật này không bao giờ lộ diện một cách chính thức, và gần như rơi vào quên lãng trong tâm trí mọi người. Duy chỉ có Cassie là không lúc nào ngừng ám ảnh về số phận đen đủi của cô bạn thân.
Khao khát được vào trường y, nhưng Cassie lại có máu điều tra viên chảy trong huyết quản. Xuyên suốt bộ phim, cô lần theo dấu vết những kẻ liên quan vụ việc hòng tìm lại công lý, bao gồm cả thủ phạm. Mỗi đoạn hội thoại giữa Cassie với các nhân vật là một cuộc chất vấn hé lộ sự thật vụ án.
Nếu hồi đầu của Promising Young Woman là lời buộc tội dành cho những tên yêu râu xanh, thì hồi hai là bản cáo trạng dành cho cả một xã hội thờ ơ và hệ thống pháp luật lỏng lẻo. Sau nhiều năm, tay luật sư bào chữa gục đầu quỳ gối tạ lỗi trước Cassie. Người này thú nhận rằng không có đêm nào ngủ được kể từ sự kiện đau lòng của Nina.
Trong thần thoại Hy Lạp, công chúa Cassandra của thành Troy cũng là một nạn nhân hiếp dâm. Số phận bi thương đã khiến cái tên Cassandra trở thành điềm báo cho sự đau buồn và thảm kịch.
Trong phim, Cassie cũng sụp đổ hoàn toàn như thành Troy chìm trong biển lửa. Càng tiến sâu vào hành trình báo thù, cô càng cảm thấy bất lực trước một xã hội trở nên quá vô cảm. Khi cảnh quay cuối cùng khép lại, khán giả bẽ bàng và chua xót cho số phận nhân vật chính, đồng thời bàng hoàng nhận ra mình cũng là một phần trong chính xã hội ấy.