Bản Chùa vươn tới cuộc sống ấm no

Bản Chùa, xã Cam Tuyền là địa bàn sinh sống duy nhất của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Cam Lộ. Nếu trước đây, cuộc sống của đồng bào nơi đây gặp nhiều khó khăn bởi giao thông cách trở, trình độ nhận thức hạn chế thì bây giờ, cùng với sự đổi thay của quê hương Cam Lộ, cuộc sống của người dân bản Chùa đã bước sang một trang mới.

 Huyện đoàn Cam Lộ huy động các nguồn lực xây dựng công trình Sân chơi cho em tại bản Chùa. Ảnh: ML

Huyện đoàn Cam Lộ huy động các nguồn lực xây dựng công trình Sân chơi cho em tại bản Chùa. Ảnh: ML

Câu chuyện của chị Hồ Thị Bê, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Chùa vượt khó vươn lên thoát nghèo bằng chính nghị lực của bản thân đã truyền cảm hứng cho nhiều hộ dân, nhất là chị em phụ nữ ở bản làng xa xôi này. Từng là hộ nghèo nhưng giờ gia đình chị Bê đã có một cơ ngơi kha khá đó là một cửa hàng tạp hóa, 3 ha rừng, 1 ha chè vằng, 1 xe vận tải chuyên chở hàng phục vụ người dân trong bản và một ngôi nhà xây kiên cố cùng khuôn viên vườn tược sạch sẽ, thoáng mát để trồng rau sạch và chăn nuôi hàng trăm con gà thả vườn. Cơ ngơi trên được vợ chồng chị Bê đồng lòng, đồng sức gây dựng nên từ sự chăm chỉ, cần cù trong lao động và ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống của hai vợ chồng.

Từ năm 2016, dù cuộc sống còn rất vất vả nhưng chị Bê đã tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo, không nhận một số quyền lợi trợ cấp xã hội mà chủ động vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư trồng rừng, chăn nuôi. Sau này, chị còn là người tiên phong vay vốn sản xuất của ngân hàng để trồng thí điểm cây chè vằng làm nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở sản xuất cao chè vằng trên địa bàn huyện. Từ 4 sào chè vằng chị Bê trồng vào năm 2018, đến nay toàn bản đã phát triển lên 3 ha, mở hướng phát triển một loại cây trồng mới ngoài những cây trồng truyền thống như rừng, sắn, lạc…. để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Đặt nền móng để bản Chùa bắt nhịp phát triển với các thôn khác trong xã Cam Tuyền như hiện nay là nhờ vào năm 2015, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Cam Tuyền đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống ở bản Chùa giai đoạn 2015 - 2020”. Nghị quyết này là cơ sở quan trọng để địa phương huy động tập trung các nguồn lực đầu tư cho bản Chùa. Nhờ vậy mà từ một bản nghèo bị cô lập với bên ngoài bởi giao thông cách trở thì nay bản Chùa đã có một hệ thống hạ tầng tương đối hoàn thiện như điện, giao thông, thủy lợi, đất sản xuất… Cùng với hạ tầng, xã Cam Tuyền cũng xây dựng thí điểm ở bản Chùa các mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả. Đáng mừng nhất là từ những mô hình này, nhận thức và tư duy phát triển kinh tế của người dân nơi đây chuyển biến rõ rệt. Bản nghèo đã có những mô hình sản xuất điển hình như gia đình chị Hồ Thị Bê, gia đình các anh: Hồ Văn Nhất, Hồ Văn Vệ, Hồ Văn Linh, Hồ Văn Vìa, Hồ Văn Khay, Hồ Văn Xuân… Những nhân tố điển hình này trở thành đầu tàu phát triển kinh tế để mọi người trong bản học tập làm theo. Nếu trước khi chưa ban hành nghị quyết, 100% hộ dân ở đây đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, cứ từ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm là dân bản thiếu đói phải trông chờ vào nguồn hỗ trợ từ bên ngoài thì nay hộ nghèo, cận nghèo trong bản giảm còn 52%.

 Người dân bản Chùa chăm chú theo dõi cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà. Ảnh: ML

Người dân bản Chùa chăm chú theo dõi cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gà. Ảnh: ML

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền Nguyễn Anh Tuân cho biết: “Trước khi ban hành nghị quyết, xã đã cử cán bộ tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng điều kiện tự nhiên, tài nguyên, nguồn nhân lực của bản Chùa. Từ đó, BCH Đảng bộ xã thống nhất phải thay đổi nhận thức và tập quán canh tác chủ yếu dựa vào tự nhiên là yếu tố có tính quyết định để giảm nghèo cho bản Chùa. Vì thế, xã chú trọng phương pháp thực hiện ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nâng cao thu nhập để nhân ra diện rộng theo hướng bắt tay chỉ việc, hướng dẫn tận tình cho bà con. Chúng tôi đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị về bắt tay chỉ việc giúp người dân phát triển kinh tế từ nhà ra đồng. Ban đầu thì cán bộ hướng dẫn giúp bà con những việc nhỏ như rào vườn để chăn nuôi gà, làm chuồng cho trâu bò ở tránh tập quán thả rông hay lớn hơn là hướng dẫn đồng bào cách phục hồi và chăm sóc cây cao su, bón phân cho cây lúa, lạc, trồng rừng rồi đưa những giống cây trồng mới vào sản xuất thí điểm như dứa, chè vằng…

Bản Chùa giờ đã có đường giao thông đi lại nối với trung tâm của xã Cam Tuyền, có điện để thắp sáng, có trường học cho các em thơ… Đặc biệt, đồng bào đã bỏ hẳn cuộc sống du canh, du cư đốt rừng làm nương rẫy để sống tập trung và đầu tư phát triển kinh tế một cách phù hợp với hoàn cảnh thực tế của địa phương. Về cơ bản hầu hết các hộ dân đều có nhà ở ổn định, trong đó có khoảng 30 hộ đã xây được nhà ở kiên cố. Toàn bộ trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được đi học. Con đường vươn tới cuộc sống ấm no của bản Chùa ngày càng rộng mở ở phía trước.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=150141